1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhà trọ mùa “chém đẹp”

Túi tiền sinh viên vốn “viêm mãn tính”. Với viện trợ sáu bảy trăm ngàn một tháng, chi tiêu đủ các khoản: ăn, ở, sách vở, sinh nhật, quỹ lớp... giờ không ít người trong số họ còn phải kêu trời vì: “cõng” thêm tiền “chém” của nhà trọ. Đặc biệt là vào mùa tựu trường.

Lóc cóc trên con ngựa sắt một tuần trời, Nhung và Lan, sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội mới tìm được phòng trọ 430.000đ ở Đình Thôn, Mỹ Đình. Căn phòng hơn 12m2, khép kín, sạch sẽ, không gian khá yên tĩnh, thuận tiện cho công việc học tập. Sau “chính sách” tăng tiền phòng, tiền nước của chủ nhà trọ, hai phần ba xóm dứt xóm ra đi.

 

Căn phòng mới này, nếu tính tất cả các khoản tối đa cũng chỉ độ 500.000đ một tháng. Ở chưa kịp ấm phòng, Nhung, Lan nhận được thông báo “sét đánh”: “Tháng này các cháu hết năm trăm sáu mươi ngàn”. Ngã người, chưa kịp định thần nhận đó là sự thật thì ông chủ vạch sổ ra vanh vách điểm từng loại: 30 nghìn tiền nước, 60 số điện - 90 nghìn, 10 nghìn tiền vệ sinh -  lý do con gái, con trai chỉ 2 nghìn một người.

 

Cả buổi tối Nhung, Lan không ăn không học, suy đi tính lại: Lẽ nào chỉ dùng một bóng tuýp, một quạt, bốn năm ngày mới đun một ấm nước lại mất đến 60 số điện. Chợt nghĩ ra đầu tháng đến quên không chốt số điện, hay vì thế... Nhưng khi cắm ấm nước thấy công tơ điện quay như... chong chóng, cắm thử ba phòng bên, hai phòng quay chậm hơn hẳn, phòng còn lại công tơ quay cũng phải ngước nhanh mới nhìn thấy chấm trắng trên vòng quay. Đứt ruột nộp tiền, cả hai lại rậm rịch đi tìm chỗ mới.

 

Khác với trường hợp của Nhung và Lan, Minh Hiếu (Khoa Kế toán- ĐH Thương mại) nghe bạn mách có phòng trống ở ngõ 53 phường Dịch Vọng - Cầu Giấy, Hiếu mò đến hỏi. Ban đầu chủ trọ làm cao, lưỡng lự như không muốn cho thuê.

 

Sau một hồi đàm thuận, ông cũng để cho Hiếu thuê với các điều kiện: Không được dẫn bạn về làm ồn, không được đi chơi quá mười giờ, đầu tháng phải đóng tiền đầy đủ,... tiền nhà 380.000đ, tiền nước 30.000đ, tiền điện 2.500đ một số. Ở một thời gian, Hiếu phát hiện các phòng bên cạnh giá chỉ có 350.000đ, tiền nước phòng nữ là 25.000đ, riêng phòng mình là cao nhất.

 

Khi đặt những thắc mắc với chủ, chủ trọ thản nhiên: Phòng trọ đợt này hiếm, ở đâu giá chẳng tăng. Những phòng này thuê một năm rồi chú mới lấy chúng nó như vậy. Còn tiền nước, mùa hè con trai dùng nhiều nên phải lấy nhiều hơn phòng nữ.

 

Cùng với đợt tăng giá hiện nay, hàng loạt nhà trọ cũng ùa tăng theo với giá gấp đôi. Cụ thể tại mỗi nhà trọ giá nước trước kia thu 20.000đ/người/tháng, thì nay họ thu lên 30.000đ/người/tháng; giá điện trước là 1.500đ/số thì nay là 3.000đ/số.

 

Chỗ ở kí túc xá thì không đáp ứng đủ nhu cầu, nhà trọ rẻ thì không có, sinh viên chỉ còn cách cắn răng trả những khoản tiền tăng vòn vọt của chủ nhà trọ,

 

Một số nhà trọ chỉ số điện tiêu thụ công tơ quay rất chênh lệch, số điện tiêu thụ giữa các phòng không tương xứng với việc sử dụng các thiết bị điện. Công tơ cùng một loại, cùng lắp tại một thời điểm, cùng sử dụng một loại thiết bị lại có những cái quay nhanh, có những cái quay chậm.

 

Bởi thế mới có chuyện, có phòng sử dụng nhiều thiết bị: cả máy tính, nấu cơm, đun nước, số điện phải trả cũng chỉ tương đương với phòng dùng ít thiết bị hơn phòng không có máy tính, không nấu cơm; phòng chỉ dùng đèn tuýp, quạt 42W cũng mất đến 50, 60 số điện.

 

Ngọc Anh, sinh viên trường Ngoại ngữ bức xúc: “Nửa ngày đi học, nửa ngày đi làm, tối mới ở nhà, đồ chỉ có một cái quạt, một đèn bàn học nhưng tháng nào cũng xấp xỉ một trăm nghìn, thật không chịu nổi”.

 

Điều vô lý này hẳn phải có nguyên cớ? Liệu có chuyện nhà trọ thông đồng với thợ điện để làm cho công tơ trong phòng trọ quay nhanh hơn.

 

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có ba điểm tập trung lượng sinh viên lớn nhất là: Thanh Xuân, Cầu Giấy và Bách Khoa. Tuy nhiên cả ba trung tâm này cũng như trên toàn thành phố chưa hề có một cơ quan, một tổ chức hay một ban quản lý kiểm tra giám sát việc thu tiền nhà trọ sinh viên, kiểm định công tơ điện, đặc biệt là việc áp đặt hay định ra mức giá đối với từng loại phòng.

 

Nhờ thế mà chủ nhà cứ tự tăng giá “các loại hình phục vụ” để bóp chẹt sinh viên. Đề nghị các ngành chức năng của Hà Nội nên quan tâm đến vấn đề này, khi mà một mùa khai giảng năm học mới đang đến gần.

 

Theo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm