1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Nhà thầu khuyến cáo giải thể công trường cầu Thủ Thiêm 2

Quốc Anh

(Dân trí) - Sau nhiều tháng tạm ngưng thi công, dự án cầu Thủ Thiêm 2 (TPHCM) được khuyến cáo gặp rủi ro, bất lợi khó lường nếu không được sớm thi công trở lại từ 15/4.

Dự án còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Dự án cầu Thủ Thiêm thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), hợp đồng được ký ngày 19/6/2015 giữa UBND TPHCM với Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh, với tổng mức đầu tư 3.082 tỷ đồng.

Nhà thầu khuyến cáo giải thể công trường cầu Thủ Thiêm 2 - 1

Lễ động thổ dự án cầu Thủ Thiêm 2 diễn ra ngày 3/2/2015 và được khởi công ngày 10/4/2017.

Lễ động thổ dự án cầu Thủ Thiêm 2 diễn ra ngày 3/2/2015 và được khởi công ngày 10/4/2017. Thời gian thực hiện dự án là 30 tháng và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2019. 

Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Sau đó, phía TPHCM thông báo sẽ thu hồi mặt bằng và bàn giao trong tháng 9/2019. Nhà đầu tư cũng cam kết hoàn thành dự án vào tháng 9/2021 nếu nhận toàn bộ mặt bằng sạch.

Song dự án tiếp tục gặp vướng mắc và mặt bằng cũng không thể giao đúng thời hạn. Do đó, mới đây, nhà đầu tư đã có công văn gửi UBND TPHCM báo cáo tình trạng rất nghiêm trọng có thể gây nguy hại cho công trình do thời gian tạm ngừng thi công kéo dài (tạm ngưng từ tháng 9/2020 khi đạt 70% khối lượng).

Dự án cần được tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý (điều chỉnh dự án, điều chỉnh phụ lục gia hạn thời gian hợp đồng BT), đơn giá thanh toán hợp đồng BT và công tác giải phóng mặt bằng.

Công trình đối diện rủi ro, bất lợi

Nhà thầu khuyến cáo về một số rủi ro, bất lợi không thể lường trước nếu không sớm thi công trở lại.

Nhà thầu khuyến cáo giải thể công trường cầu Thủ Thiêm 2 - 2

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 tạm ngưng thi công từ tháng 9/2020 khi đạt 70% khối lượng công việc.

Cụ thể, nhịp cầu chính đã lắp đặt 11/17 đốt dầm thép và 36/56 bó cáp dây văng với thiết kế cầu chỉ 1 trụ tháp. Cầu dây văng không được tính toán để tồn tại ở trạng thái chưa hoàn thành trong khoảng thời gian dài (chưa xác định). Thực tế này có thể gây ra các chuyển động vặn/xoay.

Các dây văng dài hơn 80m hiện chưa được lắp đặt các thiết bị giảm chấn có thể chịu được hiệu ứng dao động, điều này có thể trầm trọng hơn do chịu chuyển động không mong muốn ở trên.

Trong quá trình tạm ngưng thi công, công trường vẫn được quan trắc thường xuyên, kết quả các chỉ số quan trắc hiện trong phạm vi cho phép. Nhưng việc tiếp tục dừng thi công cùng với thời tiết mùa mưa bão sắp tới, việc đảm bảo ổn định các nhịp, dây văng đã lắp đặt sẽ khó khăn.

Nhà thầu khuyến cáo giải thể công trường cầu Thủ Thiêm 2 - 3

Cầu Thủ Thiêm 2 nhìn từ công trường ga Ba Son tuyến metro số 1 của TPHCM.

Hệ thống dầm cầu được gia công tại Hải Phòng đã vận chuyển vào Vũng Tàu. Toàn bộ hệ dầm (mỗi đốt nặng hơn 90 tấn), đặt trên hệ gối kê, với điều kiện kho bãi không được tính toán cho việc lưu giữ lâu dài. Nền bãi không bằng phẳng có thể tạo ra biến dạng kết cấu thép sẽ không sử dụng được cho công trình.

Theo tiến độ dự án, toàn bộ cáp dây văng đã được nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 2/2020. Một số bó cáp đã được lắp đặt nhưng chưa hoàn chỉnh vì vậy chưa thể bơm sáp vào các bó cáp, theo thời gian sẽ bị ảnh hưởng. Các bó cáp chưa được lắp đặt và vật liệu này sau 1,5 năm sẽ phải tiến hành thí nghiệm lại trước khi sử dụng cho công trình.

Liên danh nhà thầu kiến nghị đến 15/4 nếu không được thi công trở lại sẽ giải thể công trường, nhất là thiết bị đặc chủng để thi công giàn nâng sẽ chuyển sang thi công công trình tại Singapore, thiết bị dây văng sẽ chuyển sang thi công công trình ở Nam Phi.

Việc di chuyển 2 thiết bị ra khỏi công trình sẽ gây bất lợi cho dự án (giàn nâng đang là tải đối trọng để đảm bảo cầu cân bằng). Nếu huy động trở lại sẽ mất khoảng 6 tháng. Liên danh nhà thầu sẽ bàn giao cầu ở trạng thái hiện tại cho nhà đầu tư và sẽ không chịu trách nhiệm bảo hành các rủi ro có thể phát sinh cho dự án.

Thi công trở lại vào ngày 15/4

Nhà thầu khuyến cáo giải thể công trường cầu Thủ Thiêm 2 - 4

Nhà thầu "dọa" giải thể công trường cầu Thủ Thiêm 2 nếu không thể thi công trở lại vào ngày 15/4.

Ngày 2/4, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, cho biết đã cùng với UBND quận 1 làm việc với nhà đầu tư.

Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình đã chủ trì buổi họp với các bên liên quan để tháo gỡ khó khăn cho dự án cầu Thủ Thiêm 2. Tại buổi họp, tất cả thống nhất là trước 15/4, công trình sẽ được thi công trở lại.

Phía Quận 1 cũng khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, các nội dung theo kiến nghị của nhà đầu tư cũng đã được giải quyết. Và nhà đầu tư cam kết đến 30/4/2022 sẽ hoàn thành dự án và đưa vào khai thác.

Nhà thầu khuyến cáo giải thể công trường cầu Thủ Thiêm 2 - 5

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng dự án bị vướng mắc mặt bằng từ công ty Ba Son trước đây.

Liên quan tới dự án, tại buổi làm việc với UBND quận 1 chiều 2/4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thực tế công trình bị vướng mặt bằng từ công ty Ba Son trước đây.

"Việc này chậm một chút, dẫn đến sau này làm công tác bồi thường, di dời cũng chậm lại ảnh hưởng đến tiến độ thi công… chứ không phải TPHCM trì trệ trong việc này", ông Phong nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM báo cáo Hội đồng đặt tên đường sửa lại, đặt tên khác cho cầu Thủ Thiêm 2 và báo cáo HĐND TPHCM vào kỳ họp vào tháng 7/2021.

Cầu Thủ Thiêm 2 có quy mô 6 làn xe (4 làn xe ô tô và 2 làn xe tổng hợp), với tổng chiều dài là hơn 1,4km. Trong đó, phần cầu dài gần 890m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, là biểu tượng cổng chào từ Trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Nhà thầu khuyến cáo giải thể công trường cầu Thủ Thiêm 2 - 6

Cầu Thủ Thiêm 2 được thiết kế với tuổi thọ 100 năm, chịu được động đất cấp 7.

Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật thì Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và về đêm. Cầu Thủ Thiêm 2 được thiết kế với tuổi thọ 100 năm, chịu được động đất cấp 7.