Nhà sư đam mê sưu tầm và bảo tồn tre trúc Việt Nam

(Dân trí) - Trong khu vực Suối Đá thuộc tiểu khu 64 rừng bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) có một vườn bảo tồn tre trúc Việt Nam được hình thành bởi niềm đam mê của thầy Thích Thế Tường.

Mong muốn bảo tồn giống tre trúc Việt Nam

Đến khu vực Suối Đá hỏi thăm đường lên vườn tre trúc của thầy Thích Thế Tường ai cũng biết. Là vườn tre trúc nên ngay từ cổng bước vào được làm bằng tre, hai bên lối vào vườn cũng được trồng nhiều tre, đầu cổng có dòng chữ Vườn bảo tồn tre trúc Việt Nam “Sơn Trà tịnh viên”. Bước vào khu vườn, một không an yên tĩnh, thoáng mát bởi các loài tre, trúc. Phía giữa khu vườn là một cái chòi nhỏ, nơi thầy sống những ngày bình yên với tre trúc ở đây.


Theo thầy Thích Thế Tường, trong vườn của thầy hiện có hơn 100 loài trong đó các các loại tre trúc quý như: mai xanh, dùng phấn, tầm vong, vầu đắng (Nghệ An), mạy cần, mò o, tre la ngà ở Sóc Sơn – nơi đặt đền thờ Thánh Gióng… Mỗi loài được thầy cắm bảng ghi rõ tên bằng tiếng Việt và tiếng La tinh.

Thầy Thích Thế Tường đam mê các loài tre trúc Việt Nam 
Thầy Thích Thế Tường đam mê các loài tre trúc Việt Nam 

Đó là thành quả của hơn chục năm trời thầy khai phá núi đồi, lặn lội khắp nơi để sưu tầm. Thầy Tường cho biết, khu vườn của thầy trước đây là rẫy trồng keo, bạc hà của người dân với hơn 1 ha. Tuy nhiên do tuổi già sức yếu họ không thể làm được nên đã để lại cho thầy. Những ngày đầu, một mình thầy lụi hụi phát cây, đào ao, tạo dòng chảy, đắp đường. Khi khu vườn tạm ổn thầy bắt đầu đi sưu tầm tre, trúc.


Biết ở đâu có giống tre mới là thầy lặn lội lên đường. Có chỗ cho, có chỗ phải mua nhưng tốn kém nhất là kinh phí vận chuyển. Có những loài thầy phải đặt ươm trước cả năm trời rồi mới mang về trồng được. Tuy nhiên, cũng có những giống khi lấy về trồng bị chết mất nên phải đi lại lần khác. 

 

Nói về việc sưu tầm tre, trúc, thầy cho biết: “Trước tiên là do yêu thích và đam mê. Tuổi thơ của mình gắn liền với lũy tre làng, hình ảnh cây tre luôn gắn trong tâm trí mình. Cây tre còn là biểu tượng của người Việt, là văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa cũng làm cho các loài tre mất dần, còn giới trẻ thời này đa số chạy theo cái hiện đại mà quên đi bản sắc dân tộc”.


Ban đầu thầy sưu tầm theo yêu thích, đam mê nên thấy giống gì mới thì đưa về. Thời gian sau, thầy mua sách nghiên cứu và được Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam hướng dẫn nên việc sưu tầm của thầy bài bản hơn.
 

Cũng theo thầy Tường trên cả nước hiện chỉ có 3 vườn tre: ở miền Bắc có vườn trẻ của Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam ở Phú Thọ, ở miền Nam có làng tre Phú An (Bình Dương) và ở miền Trung có vườn tre của thầy. Tuy nhiên, vườn tre của thầy chưa được nhà nước hay tổ chức nào công nhận. Thầy Tường mong muốn một ngày nào đó vườn tre của mình được công nhận để công việc sưu tầm được dễ dàng hơn.


Mối duyên với tre quý


Theo thầy Tường, việc sưu tầm tre trúc nhiều lúc là cơ duyên, không chủ đích đi tìm nhưng lại gặp được tre quý.


Trên sách vở của Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam, loài trúc Hóa long chỉ có ở Bắc Cạn nhưng thầy chưa có dịp lên đó. Có một lần, thầy đi vào Đà Lạt gặp một vị tiến sĩ phân loại tre để học thêm. Khi làm việc buổi sáng do về muộn nên người bạn lớn tuổi đã nghỉ trưa. Là khách nên thầy không gọi người bạn dậy mở cửa mà đi lang thang trong hẻm. Đi về cuối hẻm thì có một vườn bỏ hoang trong đó có loại trúc đó. “Nếu căn theo sách vở thì đâu thấy loại tre đó ở đây, hoặc nếu ông bạn dễ tính thì mình cũng không gặp được tre quý ở đấy”, thầy Tường cho biết.

Cũng nhân chuyến đó, thầy gặp một kỳ thú. Có một cái chùa có trồng trúc Đà Lạt, đẹp lắm. Ông thầy trụ trì đó bảo không cho bất kỳ ai giống tre này. Hôm thầy đến chùa thì ông trụ trì đi TP. Hồ Chí Minh và thầy cũng không gọi điện cho ông. Thầy vào chùa gặp bà già quét rác ở cổng, rồi xin phép đi lễ phật và tham quan. Thầy đi tham quan vườn trúc và khen trúc đẹp quá chứ không xin vì biết thầy trụ trì đã bảo không cho. Khi ra về đến cổng thì bà già hỏi thầy có thích trúc đó không, con cho bứng cho.

 
Thầy Thích Thế Tường chia sẻ: “Trong suy nghĩ của nhiều người, tre trúc của có khoảng từ 5 – 10 loài thôi nhưng thực tế tre trúc Việt Nam có hơn 230 loài, trong đó có nhiều loài có giá trị rất lớn. Có những loài có đường kính lên đến 25cm (bương Điện Biên), có thể dùng làm bàn ghế”.

Một số hình ảnh tre, trúc tại Vườn bảo tồn tre trúc Việt Nam của thầy Thích Thế Tường: 

Trúc quân tử Huế 
Trúc quân tử Huế 
Vầu đắng Nghệ An
Vầu đắng Nghệ An
Tre sọc vàng
Tre sọc vàng
 
Diễn đá Hà Giang
Diễn đá Hà Giang
Cơm lam Tây Bắc.
Cơm lam Tây Bắc.

Khánh Hồng