1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà Quốc hội - nhìn lại 5 năm và những con số

(Dân trí) - Từ ngày khởi công đến khi đưa vào hoạt động tại kỳ họp thứ 8 này, công trình nhà Quốc hội qua trọn 5 năm xây dựng. Rất nhiều con số “kỷ lục” liên quan tới công trình trụ sở cơ quan nhà nước lớn nhất từ ngày lập nước tới nay…

Báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ gửi tới Quốc hội điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình thi công Nhà Quốc hội. Được sự chấp thuận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, công trình được khởi công xây dựng vào ngày 12/1/2009.

Đến nay, khối tượng thi công phần kết cấu công trình và hoàn thiện Hạng mục công trình Nhà Quốc hội khoảng hơn 92.000m3 bêtông và 16.000 tấn thép; khoảng 676 tấn thép kết cấu mái; khối lượng ốp, lát đá khoảng 43.000m2.

Riêng vách kính mặt đứng của toà nhà cũng khoảng 12.000m2, kính nội thất khoảng 5.000m2, trần và vách thạch cao khoảng 49.000m2. Công trình cũng ngốn khoảng 24.000m2 tường gỗ; 22.000m2 thảm; 1.220 bộ cửa (cửa gỗ, cửa thép và khung nhôm kính).

Phòng họp Quốc hội có 575 ghế có bàn của đại biểu phòng họp Quốc hội và 339 ghế khách mời; 1.200m2 vách gỗ tường; khoảng 4.100m2 trần kim loại. Tính toàn bộ các phòng làm việc và phòng họp thì có khoảng 8.000 bộ bàn, ghế, đồ đạc nội thất đã được lắp đặt.
 
Nhà Quốc hội - nhìn lại 5 năm và những con số

 

Về khối lượng thi công phần cơ điện, hệ thống cáp điện các loại dài khoảng 970km, 94 km đường ống gió, đường ống nước lạnh thuộc hệ thống điều hòa không khí. Khoảng 53,7 km đường ống cấp thoát nước, đường ống cấp nước chữa cháy và khoảng 410 km cáp tín hiệu, cáp mạng.

Toà nhà có 10 máy biến áp công suất 1.600KVA/máy; 4 máy phát điện dự phòng 2.000KVA. Hệ thống thang máy gồm 10 thang, 12 thang cuốn; 2 thang nâng cho người tàn tật.

Khoảng 21.000 bộ đèn nội thất cũng đã được lắp đặt cho toàn bộ toà nhà cùng hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn, hệ thống điều khiển chiếu sáng. Toà nhà có tổng cộng 4.800 nút mạng; 625 thiết bị hội thảo và biểu quyết; hệ thống âm thanh các phòng họp Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội, Trung tâm báo chí và các phòng họp tổ, đoàn, 128 bộ camera quan sát…

Hệ thống bếp trong toà nhà đảm bảo năng lực phục vụ hơn 1.000 suất ăn.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng báo cáo cụ thể về công tác giải ngân của dự án. Cụ thể, đến thời điểm này, tổng số vốn bố trí thực tế là hơn 5.500 tỷ đồng trong tổng số gần 7.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư được duyệt sau khi đã điều chỉnh (trong đó năm 2014 Dự án được bố trí 1.600 tỷ đồng). Đến nay dự án đã giải ngân được gần 4.400 tỷ đồng, từ đầu năm 2014 đến nay được 1.000 tỷ đồng.

Công trình đã được nghiệm thu theo thực tế các hạng mục đã hoàn thành để phục vụ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Hội đồng nghiệm thu nhà nước yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về kết cấu chịu lực, an toàn điện, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo vận hành các hệ thống kỹ thuật như điều hòa, thông gió, âm thanh, ánh sáng đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ kỳ họp.

Việc nghiệm thu tổng thể toàn bộ toà nhà sẽ được thực hiện sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội theo đúng yêu cầu của thiết kế và Hợp đồng ký kết giữa Chủ đầu tư và các Nhà thầu.

Đến thời điểm này, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã tổ chức 7 phiên họp chính thức và nhiều buổi kiểm tra công trường, kiểm tra quá trình chạy thử các hệ thống kỹ thuật công trình. Ngoài ra sẽ còn nhiều phần việc kiểm định độc lập đối với một số hạng mục, hệ thống kỹ thuật quan trọng của công trình như hệ thống âm thanh và hệ thống điều hòa không khí của công trình.

Đánh giá chung đối với công tác thi công, hoàn thiện nhà Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh nhận định, quy mô công trình và khối lượng hoàn thành rất lớn, hệ thống thiết bị phức tạp, công nghệ hiện đại. Do tính chất đặc biệt của công trình nên nhiều loại vật tư, vật liệu, thiết bị phải nhập khẩu; một số vật tư, thiết bị không có sẵn trên thị trường, phải sản xuất đơn chiếc, theo đơn đặt hàng riêng như đèn chiếu sáng, thiết bị hội nghị, hội thảo... cần nhiều thời gian để sản xuất, gia công chế tạo.

Đó là một trong những lý do khiến dù cố gắng và nỗ lực phấn đấu thi công nhưng công trình sau hoàn thiện vẫn còn những hạn chế. Thiết kế điều chỉnh cuối cùng của công trình cuối năm 2013 mới hoàn thành. Việc thi công hoàn thiện phần còn lại và vận hành chạy thử công trình, vì vậy đáng ra thông thường phải từ 12-15 tháng nhưng thực tế đã được thực hiện trong 9 tháng, dẫn đến một số chi tiết hoàn thiện công trình còn chưa thật sự đảm bảo yêu cầu mỹ thuật, thời gian vận hành chạy thử còn ít.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, sau kỳ họp thứ 8, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các Nhà tư vấn, các Nhà thầu sẽ hoàn thiện lần cuối, vệ sinh sạch sẽ, căn chỉnh thiết bị, chạy thử liên động toàn bộ công trình... phấn đấu bàn giao toàn bộ công trình trước Tết Nguyên đán năm Ất Mùi 2015, đảm bảo đáp ứng đầy đủ công năng, các điều kiện sử dụng, vận hành và mỹ thuật.

P.Thảo