1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhà nhà cúng giỗ Bác Hồ

Năm nay, bàn thờ Bác Hồ trong nhiều gia đình nghi ngút khói hương từ sớm. Nhiều nhà làm lễ trang trọng hơn mọi năm, bởi giỗ Bác lần thứ 38 trùng cả lịch âm lẫn lịch dương (2/9 Dương lịch, và 21/7 Âm lịch).

Căn nhà tập thể đã úa màu vôi vữa của bà Ngân và ông Lừng trong một con ngõ nhỏ thuộc khu tập thể Phòng không - Không quân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thoảng mùi trầm nhang từ đêm qua.

 

Một lọ hoa tươi, vài chén chè kê. Thêm một đĩa hoa quả và 3 nén hương, bà Ngân bùi ngùi cắm lên bàn thờ Bác từng nén trang trọng, sau khi thắp nhang bái tổ tiên.

 

Ông Lừng (nguyên là một đái tá quân đội) bộc bạch: "Nhà tôi, 38 năm nay, năm nào cũng làm giỗ Bác Hồ. Thử hỏi non sông đất nước này, có ai thân với mình bằng Bác? Tôi còn là lính của Cụ hơn 40 năm; Cụ còn hơn cả cha mình!".

 

Bức ảnh Bác trên bàn thờ nhà ông Lừng - bà Ngân là một tấm ảnh lụa đen trắng anh trai ông được tặng sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Sau này, khi hoà bình lập lại trên miền Bắc, ông bà xin ảnh về thờ.

 

38 năm nay, ngày giỗ Bác bao giờ cũng là dịp đoàn tụ của gia đình ông bà; các con ông bà đưa trẻ nhỏ về ăn bữa cơm cúng Bác, bao giờ cũng có xôi chuối, chè oản, trái cây. Con cháu cũng thắp nhang, thậm chí châm thuốc lá mời Người liên tục trên bàn thờ.

 

Cách Hà Nội 90km, tại TP Nam Định, nhiều bàn thờ Bác Hồ cũng bắt đầu nghi ngút khói hương từ khi trời chưa sáng.

 

Nhà chị Đinh Thanh Vân ở đường Hưng Yên, nơi mà bát hương thờ Người được lấy đất từ những nơi linh thiêng nhất: Pác Bó (Cao Bằng), nhà sàn Khu di tích Hồ Chủ tịch, đỉnh núi Tản, Ba Vì (nơi có bàn thờ Bác)..., cũng rộn ràng chuẩn bị lễ cúng từ đêm qua. Năm nay, chị Vân làm lễ trang trọng hơn cả, bởi giỗ Bác trùng cả lịch âm - dương.

 

Theo chị Vân, chị là người hiếm hoi được gặp Bác khi còn trong bụng mẹ. Mùa hè năm 1963, mẹ chị khi đó là nhân viên nhà ăn Nhà máy Dệt Nam Định, đang ăn dở bữa cơm sớm (bắt buộc phải lệch giờ với công nhân, để còn phục vụ) thì được tin Bác Hồ tới thăm. Bà (khi đó mới 23 tuổi) hoảng hốt "chạy trốn" theo lối nhà vệ sinh ở cổng sau nhà máy, bất ngờ gặp Bác và nghiễm nhiên được thay mặt cả ngàn công nhân chuyện trò cùng Người.

 

Câu chuyện chạy trốn mà được gặp Bác Hồ trở thành một kỷ niệm tuyệt đẹp suốt đời mẹ chị Vân và gia đình.

 

Chị Vân, đến hôm nay, vẫn bùi ngùi ngắm tấm ảnh mẹ chị, bụng vượt mặt, đôi đũa dắt cạp quần, đứng trò chuyện với Bác Hồ cạnh mấy thúng gạo vo ve ruồi nhặng và bị Bác phê bình năm ấy. Trong lễ giỗ Bác, chị kêu tên mẹ, với hy vọng những người thân yêu của chị lại có dịp gặp nhau...

 

Người người thờ Cha

 

Chị Vân bảo, hầu hết các tiểu thương chợ Mỹ Tho nơi chị kiếm sống đều lập bàn thờ Bác; trang trọng cúng giỗ Người vào ngày 2/9.

 

Chị em tiểu thương bảo nhau, Bác Hồ là Cha của cả nước, lại là một vị thánh; cúng giỗ Bác để răn dạy bản thân sống thiện tâm, cũng để được Người độ trì nhiều may mắn.

 

Con em của các tiểu thương này, phần lớn đang học đại học tại Hà Nội, cũng theo cha mẹ thờ Bác Hồ.

 

Tại Kí túc xá Học viện Quan hệ quốc tế (phố Chùa Láng, Hà Nội) ảnh chân dung Hồ Chủ tịch được treo trang trọng trong nhiều phòng 303, 503, 504, 403...

 

Loan Phương, sống tại phòng 303 nhà C, tâm sự: Mấy năm trước, phòng của cô chơi thân với một anh cùng trường người Huế tên là Nguyễn Lê Hoàng Vũ. Bức chân dung Bác Hồ mà Phương đang treo chính giữa căn phòng là kỉ vật theo Vũ suốt thời sinh viên.

 

Nhà Vũ ở Huế, bên cạnh bàn thờ tổ tiên là bàn thờ Bác. Ngày Bác mất hằng năm cũng là ngày con cháu về gia đình bố mẹ đoàn tụ, tổ chức cúng người.

 

Sau câu chuyện của Vũ, Phương và bạn học treo ảnh Bác như một lẽ tự nhiên thật thiêng liêng, mà không ai tự hỏi tại sao...

 

Theo Hà Lê - Quảng Hạnh

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm