1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà máy xử lý nước thải trăm tỷ "khóc ròng" vì... không đủ nước thải

Thái Bá

(Dân trí) - Nhà máy xử lý nước thải KCN Khánh Phú (Ninh Bình) được đầu tư trăm tỷ đồng hiện đang "khóc ròng" vì không đủ nước thải để xử lý, nguy cơ "chết yểu" sau 10 năm hoạt động.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, nhà máy xử lý nước thải Thành Nam trong Khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) liên tục phải bù lỗ vì không đủ nước thải để xử lý. Tuy nhiên, nhà máy vẫn phải duy trì hoạt động để đảm bảo môi trường cho KCN rộng trên 300 ha này.

Nhà máy xử lý nước thải trăm tỷ khóc ròng vì... không đủ nước thải - 1

Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam trong KCN Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Dự án nhà máy xử lý nước thải này được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động năm 2010 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 225 tỷ đồng với công suất xử lý trên 45.000 m3 nước thải/ngày đêm. Hiện nhà máy đã hoàn thành và đang hoạt động giai đoạn 1 với công suất 15.000 m3/ngày đêm.

Đây là nhà máy xử lý nước thải đầu tiên trong cả nước thực hiện xã hội hóa về đầu tư, nhằm xử lý nước thải cho các nhà máy, xí nghiệp của các doanh nghiệp trong KCN Khánh Phú từ loại B về loại A rồi thải ra môi trường, đảm bảo môi trường trong KCN cũng như dân cư sống xung quanh.

Nhà máy xử lý nước thải trăm tỷ khóc ròng vì... không đủ nước thải - 2

Thời gian gần đây, nhà máy xử lý nước thải hoạt động cầm chừng vì không đủ nước thải để xử lý.

Nhà máy xử lý nước thải này hiện đang "khóc ròng" nhiều năm qua do lượng nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp đấu nối về để xử lý không đủ so với công suất thiết kế. Từ khi đi vào hoạt động, công suất xử lý nước thải của nhà máy chỉ đạt 15 - 20%. Thời điểm hiện tại nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng từ 7 - 10% công suất.

Ông Phạm Thành Nam, chủ đầu tư nhà máy cho biết: "Hiện có khoảng 20 công ty, doanh nghiệp trong KCN Khánh Phú ký hợp đồng và đấu nối đường ống nước thải với nhà máy. Những năm trước lượng nước thải vào nhà máy mỗi ngày đạt từ 13.000 - 14.000 m3/ngày đêm, nhưng hiện nay chỉ đạt bình quân từ 4.000 - 5.000 m3/ngày đêm".

Nhà máy xử lý nước thải trăm tỷ khóc ròng vì... không đủ nước thải - 3

Trước đây, mỗi ngày nhà máy xử lý từ 13.000 - 14.000 m3 ngày đêm, hiện chỉ còn 4.000 - 5.000 m3/ngày đêm.

Theo ông Nam, một số nhà máy trước kia có lượng nước thải lớn như: Nhà máy đạm Ninh Bình, Công ty may Nienhing… hiện lượng nước thải về nhà máy xử lý chỉ còn 1/3. Lượng nước thải dù không đủ để xử lý nhưng nhà máy vẫn phải duy trì hoạt động cho dù phải bù lỗ (chi phí đầu tư, tiền điện, tiền hóa chất…) vì toàn KCN chỉ có duy nhất nhà máy xử lý nước thải của đơn vị.

Chị Trần Thị Hoa, nhân viên quản lý nhà máy cho hay: "Do lượng nước thải ít nên nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, không đủ chi phí để hoạt động nên hiện nay chỉ còn 7 công nhân thay nhau duy trì hoạt động nhà máy. Ban lãnh đạo nhà máy từng kiến nghị xin dừng hoạt động nhà máy do không có nguồn nước thải vào để xử lý".

Nhà máy xử lý nước thải trăm tỷ khóc ròng vì... không đủ nước thải - 4

Bể chứa nước thải đầu vào của nhà máy luôn trong tình trạng cạn kiệt nước do các nhà máy, xí nghiêm trong KCN Khánh Phú "không chịu" thải nước thải.

Một nghịch cảnh là lượng nước thải vào nhà máy xử lý liên tục sụt giảm nhưng những năm gần đây, tình trạng một số công ty, doanh nghiệp tại KCN Khánh Phú vẫn lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường. Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình liên tục phát hiện, xử lý các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường như: Nhà máy đạm Ninh Bình, Công ty TNHH may Nienhsing Ninh Bình...

Theo ông Nam, phía nhà máy chỉ có thể kiểm tra lượng nước thải đổ về nhà máy để xử lý qua đồng hồ công tơ chứ không thể kiểm tra trực tiếp từng công ty hay doanh nghiệp. Nguồn nước thải của các công ty, nhà máy được thải đi đâu thì không ai nắm được.

Nhà máy xử lý nước thải trăm tỷ khóc ròng vì... không đủ nước thải - 5

Nhà máy không đủ nước thải để xử lý khiến các công nhân của nhà máy dần thất nghiệp.

UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức nhiều buổi làm việc, tìm biện pháp nhằm duy trì và đảm bảo cho hoạt động của nhà máy xử lý nước thải. Sau đó, chỉ đạo Ban quản lý các KCN tỉnh làm việc với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng trong KCN, nhất là hệ thống dẫn nước thải từ các doanh nghiệp về nhà máy; tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong KCN, nghiêm cấm xả thải trực tiếp ra môi trường… Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho hoạt động của nhà máy, nhất là trong giai đoạn hiện tại.