1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Nhà máy nước sạch lao đao vì dự án chăn nuôi bò "khủng" nhất miền Trung

(Dân trí) - Cuộc sống của hơn 1,9 vạn dân của thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và nhiều xã phụ cận của huyện Cẩm Xuyên đang bị đảo lộn hoàn toàn do nguồn cung cấp nước sinh hoạt liên tục bị gián đoạn. Nguyên nhân chính là do hồ chứa nước của nhà máy cung cấp nước sạch trên địa bàn đã bị Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, chủ đầu tư dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt "khủng" nhất miền Trung chặn dòng, cào xới, gây ô nhiễm nặng nề.

Khốn đốn vì liên tục mất nguồn nước sinh hoạt

Từ nhiều tháng nay, về thị trấn Cẩm Xuyên và nhiều xã phụ cận của huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đi đâu cũng nghe người dân kêu trời vì tình trạng nguồn nước sinh hoạt liên tục bị ngừng cung cấp đột ngột hoặc ô nhiễm nặng nề.

Cuộc sống của người dân thị trấn Cẩm Xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do nhà máy xử lí nước sạch Cẩm Xuyên liên tục ngưng cấp nước.
Cuộc sống của người dân thị trấn Cẩm Xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do nhà máy xử lí nước sạch Cẩm Xuyên liên tục ngưng cấp nước.

Mới 16h chiều, nhưng chị Bùi Thị Nhung, chủ một nhà hàng tại thị trấn này đã phải loay hoay bơm nước từ giếng khoan để chuẩn bị phục vụ khách hàng. Việc phải để khách sử dụng nước bơm từ giếng khoan là một điều chị Nhung không hề mong muốn, vì nước từ giếng bơm chưa qua xử lí có mùi tanh, váng phèn rất khó chịu. Nhưng không sử dụng nguồn nước bơm chị Nhung biết lấy đâu nguồn nước để phục vụ khách hàng khi mà nguồn nước sạch do nhà máy trên địa bàn cung cấp cứ hoạt động phập phù, có tuần bị cắt liên tục 2-3 ngày.

“Khổ hết nói em à. Nguồn nước sạch cứ liên tục bị cắt khiến cuộc sống của những người kinh doanh như gia đình chị gặp quá nhiều khó khăn. Đây là điều ít khi xẩy ra một vài năm trước đây”- chị Nhung bức xúc nói.

Nhà máy nước sạch lao đao vì dự án chăn nuôi bò "khủng" nhất miền trung

Tại xã Cẩm Quan, có thể cảm nhận được nỗi khốn đốn của hàng ngàn người dân qua những gì mà cụ bà Nguyễn Thị Nơ, trú tại xóm 6 đang phải chịu đựng. Không nước sạch, bà phải sử dụng nguồn nước giếng để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Bà Nơ thở dài trong nỗi ngao ngán: “Từ mấy tháng nay, nắng cũng như mưa, nước sinh hoạt tuần nào bị cắt. Nhà có mấy đứa cháu nhỏ, mất nước rất bất tiện. Tắm rửa, vệ sinh chi cũng phải dùng nước giếng. Vừa rồi mùa nắng, nước giếng cạn rặc, chắt mãi mới đủ để tắm rửa, vệ sinh”.

Nước sạch bị cắt liên tục nên cụ Nơ chỉ còn cách phải dùng nước giếng.
Nước sạch bị cắt liên tục nên cụ Nơ chỉ còn cách phải dùng nước giếng.

Đáng chú ý, theo cụ Nơ, nguồn nước giếng không hiểu sao thời gian gần đây cứ đục ngầu, hôi tanh rất khó chịu. “Tui già rồi không lên rú (rừng) được, nhưng nghe dân làng, các cháu nó nói do nguồn nước trên hồ chứa bị vấy bẩn, chặn dòng, nhà máy không hoạt động được”- cụ Nơ phản ánh.

Mất nước sạch vì dự án nuôi bò

Tình trạng nước sinh hoạt liên tục bị cắt khiến chính quyền huyện Cẩm Xuyên đã phải vào cuộc. "Thủ phạm" được cơ quan chức năng của huyện "điểm mặt" là Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (liên doanh giữa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với Công ty CP An Phú Bình Định-PV), chủ đầu tư dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt lớn nhất miền Trung, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 5.000 tỷ đồng.

Theo đó, nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Cẩm Xuyên có công suất 2.000 m3/ngày đêm, phục vụ cho hơn 1,9 vạn dân thị trấn Cẩm Xuyên, xã Cẩm Quan, xã Cẩm Huy và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn được lấy từ đập Đá Hàn với hai nguồn chính là Khe Đá Thâm (chiếm 75%) và Khe Cát (chiếm 25%). Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay Công ty Bình Hà đã đắp, chặn dòng hai khe nước nói trên để lấy nước tưới các đồi cỏ phục vụ chăn nuôi bò. Hậu quả là nhà máy xử lí nước sạch Cẩm Xuyên luôn rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung.

Những khu đồi bị cạo trọc, để trồng cỏ phục vụ nuôi bò được xác định là tác nhân khiến hồ chứa nước Đá Hàn cạn kiệt, ô nhiễm.
Những khu đồi bị cạo trọc, để trồng cỏ phục vụ nuôi bò được xác định là tác nhân khiến hồ chứa nước Đá Hàn cạn kiệt, ô nhiễm.

Ngoài ra, việc Công ty Bình Hà cày xới đất tại các sườn đồi để triển khai trồng cỏ, dẫn tới hậu quả là khi trời mưa bùn đất, cây cối, phân bón cỏ chảy xuống gây lắng đọng, bồi lấp, làm giảm diện tích trữ nước, cũng như khiến nguồn nước ở đây bị vấy đục, ô nhiễm nặng nề.

Ông Trần Văn Bé - Giám đốc Chi nhánh nước sạch Cẩm Xuyên bức xúc - trước đây, độ đục của nguồn nước tại đập Đá Hàn giao động từ 6 – 15 NTU (đơn vị đo độ đục khuếch tán Nephelometric Turbidity Units), nhưng nay tăng lên từ 15 – 50 NTU, thậm chí có thời điểm độ đục dao động ở mức từ 700 - 1.000 NTU. “Do nguồn nước bị đục nên việc xử lý cũng khó khăn hơn, chi phí sản xuất tăng quá cao. Dù rất thấu hiểu nỗi khổ của người dân, nhưng nhà máy không còn cách nào khác là buộc phải ngưng hoạt động khi mưa lớn” – ông Bé nói.

Từ khi Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà tiến hành cạo trọc đồi để trồng cỏ, nguồn nước từ đập Đá Hàn cung cấp cho nhà máy nước sạch Cẩm Xuyên luôn ở trong tình trạng đục ngầu như thế này.
Từ khi Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà tiến hành cạo trọc đồi để trồng cỏ, nguồn nước từ đập Đá Hàn cung cấp cho nhà máy nước sạch Cẩm Xuyên luôn ở trong tình trạng đục ngầu như thế này.

Theo ông Bé, trước thực trạng nêu trên Nhà máy nước sạch Cẩm Xuyên đã nhiều lần có kiến nghị huyện, tỉnh yêu cầu Công ty Bình Hà chấm dứt ngay chặn dòng, cào nạo sườn đồi tránh bồi lắng, ô nhiễm, cũng như tìm giải pháp lâu dài cung cấp nguồn nước ổn định cho hồ chứa Đá Hàn. “Nếu không giải quyết được vấn đề này chắc chắn nhà máy chỉ còn nước đóng cửa”- ông Bé lo lắng.

Báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh của UBND huyện Cẩm Xuyên phản ánh, nguyên nhân khiến đời sống của người dân thị trấn Cẩm Xuyên và vùng phụ cận là do Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà chặn mất nguồn cung cho nhà máy nước Cẩm Xuyên.
Báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh của UBND huyện Cẩm Xuyên phản ánh, nguyên nhân khiến đời sống của người dân thị trấn Cẩm Xuyên và vùng phụ cận là do Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà chặn mất nguồn cung cho nhà máy nước Cẩm Xuyên.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, hiện đã có một phương án được UBND huyện Cẩm Xuyên đề xuất và đang được UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét nhằm cứu lấy nhà máy nước sạch nói trên, đó là thi công một đường ống có nguồn vốn đầu tư 30 tỷ đồng để lấy nước trực tiếp từ hồ Kẻ Gỗ thay cho nguồn nước từ đập Đá Hàn.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất nằm ở chỗ, Công ty Bình Hà hiện chưa chấp nhận các phương án về vốn mà tỉnh Hà Tĩnh đưa ra.

Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm