1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà máy Dệt Nam Định - biểu tượng 118 năm tuổi không thể nào quên

(Dân trí) - Hơn 1 thế kỷ tồn tại, Nhà máy Dệt Nam Định đã trở thành một biểu tượng của Nam Định, gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây, từ tiếng còi tầm giao ca đến những bức tường ố màu thời gian…. Dù sắp bị phá bỏ, nhưng với người thành Nam, Nhà máy Dệt sẽ mãi là một kỷ niệm đẹp không thể nào quên.

Tới đây, người dân thành Nam sẽ không còn nghe mỗi ngày 3 lần tiếng còi tầm giao ca của Nhà máy Dệt Nam Định hú vang cả thành phố. Những mảng tường bao kéo dài bong tróc ố vàng sẽ nhường chỗ cho một khu đô thị dệt may hiện đại.

Khi thời khắc Nhà máy Dệt bị phá bỏ đang đến gần, những ký ức một thời lại ùa về khiến nhiều người dân đã gắn bó cả đời với nhà máy không khỏi bùi ngùi, nuối tiếc.


Nhà máy Dệt Nam Định đang được phá bỏ

Nhà máy Dệt Nam Định đang được phá bỏ

Vào năm 1898, Toàn quyền Pháp Paul Doumer đã đồng ý cho ông Dadre - một phái viên nghiên cứu vấn đề tơ lụa Đông Dương - thành lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước tại thành phố Nam Định, nằm gần bờ con sông Đào chạy qua thành phố.

Năm 1900, một số tư bản Pháp trong Công ty bông, vải, sợi Bắc Kỳ, đứng đầu là Dupré đã hùn vốn với một tư sản người Hoa là Bá Chính Hội cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh… Đến năm 1954, Nhà máy Dệt Nam Định được Nhà nước tiếp quản từ phía thực dân Pháp.

Cổng Nhà máy dệt Nam Định
Cổng Nhà máy dệt Nam Định

Nhà máy Dệt Nam Định được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Vào năm 1924, số công nhân của nhà máy đã lên tới 6.000 người. Đến năm 1929, nhà máy có quy mô 135 máy dệt. Năm 1939, nhà máy phát triển lên với quy mô 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng động lực...

Cùng với tháp Phổ Minh (nằm trong khu di tích đền Trần - Chùa tháp), Nhà máy Dệt là một trong hai địa danh của tỉnh Nam Định được in trên đồng tiền mệnh giá 100 đồng và 2000 đồng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam…


Những bờ tường bao kéo dài của Nhà máy Dệt sắp tới sẽ chỉ còn lại trong ký ức.

Những bờ tường bao kéo dài của Nhà máy Dệt sắp tới sẽ chỉ còn lại trong ký ức.

Cũng tại Nhà máy Dệt Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 3 lần về thăm và nói chuyện với các cán bộ, công nhân ở đây. Nhiều công nhân của Nhà máy Dệt Nam Định từng được phong danh hiệu “đôi bàn tay vàng”, Anh hùng Lao động, trong đó có Anh hùng Lao động Đào Thị Hào, phu nhân của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Một số cán bộ, công nhân của nhà máy cũng từng được bầu làm đại biểu Quốc hội. Người gần đây nhất được bầu là đại biểu Nguyễn Thị Băng Thanh, đại biểu Quốc hội khóa 11, vốn là một thợ giỏi của nhà máy.


Bác Hồ trong một lần đến thăm công nhân Nhà máy Dệt Nam Định (ảnh tư liệu)

Bác Hồ trong một lần đến thăm công nhân Nhà máy Dệt Nam Định (ảnh tư liệu)

Sau 118 năm tồn tại cùng thăng trầm đất nước, Nhà máy Dệt Nam Định được xem là một biểu tượng của người dân nơi đây. Hơn 1 thế kỷ tồn tại trong lòng thành phố Nam Định, Nhà máy Dệt đã không chỉ đơn thuần là một cái tên, một nhà máy sản xuất mà còn là ký ức yêu thương trong lòng người dân Nam Định.

Những đứa trẻ từng được sinh ra ở Bệnh viện Nhà máy Dệt, đi nhà trẻ trong Nhà máy Dệt… giờ đã lên chức bố, mẹ, thậm chí ông bà... Với họ, Nhà máy Dệt là một biểu tượng không thể nào quên.

Những ngày gần đây, mỗi buổi sáng, bài hát “Mùa xuân trên thành phố Dệt” do Đài phát thanh thành phố Nam Định lại vang lên khiến nhiều người càng ngậm ngùi tiếc nuối. Vẫn còn tiếng còi tan ca vang lên, nhưng có những người đã cả một đời gắn bó với Nhà máy Dệt chia sẻ rằng, sao tiếng còi tầm mấy hôm nay buồn đến vậy!

Nhà máy Dệt Nam Định - biểu tượng 118 năm tuổi không thể nào quên - 5


Những chiếc máy vang bóng một thời đang được trưng bày trong Bảo tàng Dệt may.

Những chiếc máy "vang bóng một thời" đang được trưng bày trong Bảo tàng Dệt may.


Những căn nhà xưởng đã ố màu thời gian sẽ được thay thế bằng những nhà xưởng hiện đại.

Những căn nhà xưởng đã ố màu thời gian sẽ được thay thế bằng những nhà xưởng hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Hồng (51 tuổi) ở phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, là công nhân trong Nhà máy Dệt Nam Định, chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nhà máy trên 30 năm, có rất nhiều kỷ niệm ở đây, khi biết nhà máy sẽ bị phá bỏ, nhường chỗ cho khu đô thị dệt may mới, không những tôi mà còn rất nhiều chị em công nhân cảm thấy bùi ngùi và tiếc nuối, vì nơi đây tôi xem như là ngôi nhà thứ 2 của mình vậy”.

Không chỉ những công nhân, nhiều người dân thành Nam dù không quá bất ngờ về việc Nhà máy Dệt sẽ bị phá bỏ nhưng họ vẫn tiếc nuối vì biết một trong những biểu tượng của thành phố sẽ không còn.


Bà Nguyễn Thị Hồng từng là công nhân trong Nhà máy Dệt Nam Định chia sẻ, Nhà máy Dệt giống như ngôi nhà thứ 2 của bà.

Bà Nguyễn Thị Hồng từng là công nhân trong Nhà máy Dệt Nam Định chia sẻ, Nhà máy Dệt giống như ngôi nhà thứ 2 của bà.

Ông Vũ Quang Liên, người dân sống gần Nhà máy Dệt Nam Định, cho biết: “Thật sự là rất tiếc về một quá khứ vẻ vang của Nhà máy Dệt Nam định. Cứ 6 giờ sáng hàng ngày là lại nghe âm vang tiếng còi tầm của nhà máy, những lần dẫn các con đi dạo qua hàng tường bao,... Nhưng cái gì cũng cần có đổi mới, chỉ hi vọng phía nhà máy sẽ giữ lại một phần để làm kỷ niệm”.

Nhiều người lớp cao tuổi không khỏi bùi ngùi khi nhớ đến những kỳ phát lương, công nhân vui như trẩy hội; hay thời điểm tiếng còi tầm tan ca lúc 6 giờ sáng hú inh ỏi, những đứa trẻ háo hức chờ mẹ đi làm về...

Nhà máy dệt Nam Định xưa sẽ mãi là một kỷ niệm đẹp không thể nào quên trong ký ức của những người con thành Nam
Nhà máy dệt Nam Định xưa sẽ mãi là một kỷ niệm đẹp không thể nào quên trong ký ức của những người con thành Nam

Bà Nguyễn Thị Sâm, phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định, từng là công nhân Nhà máy Dệt Nam Định cho hay: “Cứ nhớ đến mỗi lần nhà máy phát lương ai cũng mừng, tôi vẫn còn giữ một tấm vải dài con công dài tầm 10 m. Giờ nghĩ lại thời điểm ấy dù khó khăn vất vả, nhưng vui lắm, anh chị em công nhân đều động viên nhau làm. Biết nhà máy bị phá bỏ tôi cũng buồn. Nhà máy đã cũ, cũng cần phải đổi mới, dù sao Nhà máy Dệt sẽ mãi tồn tại trong tâm trí người dân Nam Định chúng tôi”.

Căn phòng ở Bảo tàng Dệt may được Bác Hồ đến ở 3 lần
Căn phòng ở Bảo tàng Dệt may được Bác Hồ đến ở 3 lần

Bảo tàng Dệt may nơi có cây Muỗm (bên phải ảnh) do chính tay Bác Hồ trồng
Bảo tàng Dệt may nơi có cây Muỗm (bên phải ảnh) do chính tay Bác Hồ trồng

Đất nước mỗi ngày một phát triển, Nhà máy Dệt Nam Định sẽ được thay thế bằng Dự án Khu đô thị Dệt may Nam Định với nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi và phát triển kinh tế cho Nam Định.

Nhưng quá khứ, lịch sử, kỷ niệm của hơn 100 năm với tiếng còi tầm tan ca, những bức tường bao bong tróc, ố vàng, tiếng con thoi... sẽ mãi là một kỷ niệm đẹp trong ký ức những người dân Nam Định.

Vào năm 2012, Bảo tàng Dệt may được xây dựng, nằm ở 5 đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Nam Định, trên Khu Nhà truyền thống của Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định. Bảo tàng có tổng diện tích 1,2 ha. Khu nhà trưng bày chính được cải tạo, xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp cổ gồm nhiều gian trong đó mỗi gian có một chủ đề trưng bày riêng biệt, hiện vật trưng bày là sự hài hoà giữa truyền thống và hiện đại phản ánh sự phát triển của ngành Dệt may Nam Định nói riêng và ngành Dệt may Việt Nam nói chung qua các thời kỳ với tinh thần anh dũng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và những thành tựu đạt được trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, Bảo tàng còn trưng bày những hiện vật quý về chủ tịch Hồ Chí Minh sau những lần Người về thăm và làm việc tại Nhà máy Dệt Nam Định.

Toàn bộ hệ thống sân vườn, cây xanh, cụm tượng đài của Bảo tàng được quy hoạch và thể hiện theo lối đăng đối đảm bảo công năng sử dụng cũng như kết hợp giữa các yêu cầu về mỹ thuật với mục tiêu bảo tồn tối đa các cảnh quan hiện có.

Đức Văn