1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nhà lưu trú cho công nhân: Không người ở cũng phải xây!

(Dân trí) - Tại TPHCM, nhà lưu trú chỉ đủ chỗ cho khoảng 5% số công nhân. Nhưng trong nhà lưu trú, chỗ trống vẫn chiếm gần một nửa vì công nhân không vào ở. Dẫu vậy, theo kế hoạch của TP, vẫn phải xây thêm.


Nhà lưu trú cho công nhân: Không người ở cũng phải xây!  - 1

Tại khu lưu trú Tân Thuận, hơn 50% số phòng đang trống
 
Quá thiếu nhưng vẫn… thừa

 

Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện TPHCM có gần 900.000 công nhân (CN), trong đó có trên 620.000 CN ngoại tỉnh. Đến nay, TP cũng chỉ mới xây được 1,3 triệu m2 diện tích nhà ở CN, đáp ứng cho khoảng 431.000 chỗ ở (trung bình 3m2/người). 

 

Tuy nhiên, chủ yếu là do tư nhân xây dựng để kinh doanh, diện tích nhà lưu trú cho CN do nhà nước và doanh nghiệp xây dựng chỉ gần 73.000m2, đáp ứng 16.000 chỗ ở (trung bình 4,5m2/người); chiếm tỷ lệ 5,6% về diện tích và 3,7% về số chỗ ở so với tổng số diện tích và chỗ ở cho CN hiện nay.

 

Nhưng tính về nhu cầu cho CN trọ (chỉ tính riêng cho 620.000 CN ngoại tỉnh) thì chỉ mới đáp ứng được 2,5% số chỗ ở cần thiết. 

 

Ngày 28/5, báo cáo Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, ông Trần Mạnh Châu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (chủ đầu tư khu lưu trú Tân Thuận) cho biết: “Hiện khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) có gần 60.000 CN (đã giảm so với thời gian cao điểm năm 2008), nhưng nhà lưu trú chỉ đáp ứng được hơn 1.100 chỗ ở”. 

 

Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 7, thì cho biết: “Hiện quận 7 có gần 2.000 hộ kinh doanh nhà trọ với hơn 13.000 phòng đáp ứng chỗ ở cho 40.000 CN. Nếu so sánh hai con số thì là một trời một vực”.

 

Như vậy, tình hình nhà lưu trú đang thiếu trầm trọng, CN phải chấp nhận sống tại các nhà trọ tư nhân với các điều kiện sinh hoạt thấp, kém vệ sinh, mất an toàn cháy nổ, diện tích sinh hoạt tối thiểu không đạt (dưới 2,9m2/người)… Tuy nhiên, cũng trong buổi giám sát ngày 28/5 của HĐND TP, ông Châu cho biết: “Hiện chỉ có gần 600 CN sống trong khu lưu trú”. 

 

Tuy do ảnh hưởng suy giảm kinh tế, số CN giảm mạnh nên con số trên có phần thấp, nhưng ông cũng cho biết là từ trước đến nay, thời điểm cao nhất khu lưu trú chỉ đạt 90% công suất, chưa bao giờ hết chỗ, năm đầu tiên mới xây xong thì chẳng ai vào ở, nên thực tế là vẫn thừa chỗ.

 

Nhưng theo kế hoạch UBND TP giao, cuối năm nay Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn phải xây dựng thêm 2 blook nhà với hơn 1.000 chỗ ở, 70% vốn là do ngân sách cho vay với lãi suất 0%.

 

Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, lo ngại: “Thực tế cho thấy chúng ta rất thiếu nhà lưu trú cho CN, xây thêm là cần thiết. Nhưng tình hình hiện nay là nhà lưu trú không đủ người ở. Vậy chúng ta phải tính xem là xây trong giai đoạn này thì có khi nào xây xong mà CN không có nhu cầu ở, phải bỏ trống không?”.

 

Ông Châu biện bạch: Hiện công ty ông phải bù lỗ cả tỷ đồng/năm để duy trì hơn 1.000 chỗ lưu trú hiện có, riêng quý 1/2009 đã lỗ hơn 300 triệu. Vì vậy, do TP bắt buộc làm, giao chỉ tiêu làm thì công ty mới làm thôi, chứ thật ra chẳng muốn làm vì quá lỗ!

 

Cần xem lại cách tổ chức đời sống

 

Theo báo cáo của Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn thì giá cho thuê ở khu lưu trú bình quân là 110.000 đồng/tháng đối với khu nam, 130.000 đồng/tháng đối với khu nữ. Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Giá đó chỉ bằng mức giá thấp nhất của giá thuê trọ ở ngoài tại quận 7”.
 
Nhà lưu trú cho công nhân: Không người ở cũng phải xây!  - 2
Phòng tuy chật chội nhưng cũng khang trang hơn nhà trọ bên ngoài

 

Trong khi đó, điều kiện sinh hoạt tại khu lưu trú cũng rất thuận tiện, tại mỗi tầng đều có khu xem tivi; mỗi blook nhà có tiệm tạp hóa, quán cà phê; cả khu có một phòng hát karaoke… Nhưng CN vẫn chẳng chịu vào.

 

Chị Trần Ánh Quyên, quê ở Bến Tre, CN Công ty Nidec Copal, hiện đang sống trong khu lưu trú Tân Thuận, cho rằng: “Sống quen rồi nên thấy cũng bình thường, không có gì bất tiện hơn bên ngoài”. Điều không hài lòng duy nhất của chị là khu lưu trú không thiết kế chỗ phơi đồ.
 

Hỏi công nhân Nguyễn Văn Hải, làm tại công ty Nidec Copal, hiện thuê nhà trọ bên ngoài, lý do vì sao “chê” khu lưu trú, Hải cho biết: “Em làm ca tối quen rồi, sáng ngủ tối thức, ngày nghỉ cũng vậy. Bạn bè em quen cũng vậy, cuối tuần thường tụ tập nhau tại phòng ai đó chơi đến khuya. Khu lưu trú mới 11h tối đã đóng cửa thì làm sao. Đành ra ngoài ở!”.

 

Một nhân viên quản lý khu lưu trú Tân Thuận cho biết: “Điều kiện sinh hoạt ở đây rất tốt. Nhưng do là ký túc xá nên phải có những quy tắc như 23h phải đóng cổng, không cho tiếp khách nữa, ăn nhậu vui chơi trong phòng cũng phải hạn chế… nên nhiều CN thấy mất tự do”.

 

Theo ông Nghĩa, nhu cầu có chỗ ở tốt vẫn là nhu cầu rất lớn của CN. Nhưng quan trọng là chúng ta tổ chức đời sống CN như thế nào. Vì với cách làm hiện nay của chúng ta, chỉ là đáp ứng chỗ để ở chứ không phải chỗ để sống. Nếu CN chỉ có chỗ tốt để sau khi đi làm về ngả lưng ra ngủ thì họ không thể chịu nổi lối sống tẻ nhạt như thế, họ là những thanh niên đầy sức sống.

 

Ông Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc Ban quản lý Khu lưu trú Tân Thuận cũng đồng tình: “Có những cuộc chia tay rơi nước mắt. Các em ấy đều là những CN năng nổ, hoạt bát, gây dựng phong trào trong khu rất tốt. Nhưng tụi nó yêu thương nhau rồi cưới nhau thì phải ra ngoài ở thôi chứ biết làm sao giờ. Mình chia tay tụi nó cũng buồn!”.

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm