Nhà kiểu chuồng cọp liên tiếp cháy, cảnh sát đi hướng dẫn mở lối thoát nạn

Trần Thanh

(Dân trí) - Nhiều vụ cháy xảy nhà dân có kiểu chuồng cọp gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để phòng, tránh việc này, lực lượng công an đã xuống tận nhà dân để hướng dẫn mở lối thoát hiểm.

Thời gian qua, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy nhà dân kiểu chuồng cọp, gây thiệt hại lớn về cả tài sản lẫn con người. Đơn cử, vụ cháy hồi tháng 4/2022, tại ngôi nhà ở khu tập thể phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) làm 5 người tử vong.

Hay gần đây nhất là vụ cháy nhà 4 tầng ở quận Hà Đông hôm 13/5, khiến 4 bà cháu tử vong. 

Nhà kiểu chuồng cọp liên tiếp cháy, cảnh sát đi hướng dẫn mở lối thoát nạn - 1

Ngôi nhà dạng chuồng cọp - nơi xảy ra vụ cháy khiến 4 bà cháu tử vong ở quận Hà Đông vừa qua.

Đáng nói, những vụ cháy kể trên đều xảy ra tại những ngôi nhà kiểu chuồng cọp, hay dạng nhà ống được làm hàng rào sắt khá kiên cố phía trước nhà. 

Để phòng, tránh những sự việc đáng tiếc như trên có thể xảy ra, ngày 20/5, Công an phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), thành lập tổ công tác đi tới tận nhà những hộ dân xây, lắp kiểu chuồng cọp để tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn.

"Lắp khung sắt, chuồng cọp để chống trộm"

Tổ công tác tới hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Bình (67 tuổi, ở phố Nguyễn Vĩnh Bảo, phường Trung Hòa). Theo quan sát, ngôi nhà của ông Bình xây 5 tầng, dạng nhà ống, phía trước nhà lắp hệ thống khung sắt kiểu chuồng cọp bao quanh.

Ông Bình cho biết, ông lắp rào sắt kiểu chuồng cọp để phòng, tránh kẻ xấu đột nhập vào nhà.

Nhà kiểu chuồng cọp liên tiếp cháy, cảnh sát đi hướng dẫn mở lối thoát nạn - 2

Ngôi nhà lắp chuồng cọp của gia đình ông Bình (Ảnh: Trần Thanh).

"Sau khi lắp xong hệ thống rào sắt, phía bên công an phường đã tới và tuyên truyền cho gia đình mở lối thoát nạn. Sau đó, tôi cũng đã cắt khung sắt và mở được 3 lối thoát nạn tại 3 tầng nhà", ông Bình nói.

Nhà kiểu chuồng cọp liên tiếp cháy, cảnh sát đi hướng dẫn mở lối thoát nạn - 3

Cảnh sát nhắc nhở ông Bình phải để lối thoát hiểm xung quanh chuồng cọp luôn thông thoáng, tránh vật cản, để khi xảy ra hỏa hoạn có thể dễ dàng thoát nạn an toàn (Ảnh: Trần Thanh).

Ngoài ra, ông cũng hướng dẫn tất cả các thành viên trong gia đình biện pháp thoát nạn khi xảy ra cháy. Làm sao để mọi người đều có thể thoát ra từ những lối thoát hiểm một cách an toàn, như trèo sang ban công nhà bên cạnh, sử dụng thang cuốn hoặc bình chữa cháy trong nhà.

Nhà kiểu chuồng cọp liên tiếp cháy, cảnh sát đi hướng dẫn mở lối thoát nạn - 4

Căn nhà lắp chuồng cọp để trồng hoa và cây cảnh của gia đình ông Tiến (Ảnh: Trần Thanh).

Tiếp đó, tổ công tác tới hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (75 tuổi, ở phố Quan Nhân, phường Trung Hòa). Gia đình ông Tiến cũng xây nhà dạng ống, bên ngoài bao bọc bởi khung sắt dạng chuồng cọp.

Theo ông Tiến, do phía trước nhà không có gì che chắn nắng chiếu nên gia đình ông đã lắp đặt hệ thống khung sắt để đặt các chậu hoa, cây cảnh phía trước nhằm chắn nắng, tạo không gian xanh, mát trước nhà.

Nhà kiểu chuồng cọp liên tiếp cháy, cảnh sát đi hướng dẫn mở lối thoát nạn - 5

Cảnh sát kiểm tra lối thoát hiểm sát phòng ngủ tại nhà ông Tiến (Ảnh: Trần Thanh).

Nói với tổ công tác, ông Tiến cho rằng việc lắp đặt khung sắt chuồng cọp như vậy là nguy hiểm nếu xảy ra có hỏa hoạn, nên gia đình ông đã mở các lối thoát hiểm ngay tại vị trí chuồng cọp, và tại mỗi điểm thoát nạn đều có khóa an toàn.

Yêu cầu phải có lối thoát nạn thứ 2

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, trong thời gian qua UBND phường đã giao công an phường rà soát và vận động các gia đình sản xuất kinh doanh, và các hộ gia đình có xây, lắp nhà dạng chuồng cọp, phải mở lối thoát hiểm thứ 2, để khi xảy ra hỏa hoạn, người dân có thể thoát nạn một cách nhanh chóng và an toàn.

Cũng theo ông Hùng, trong thời gian qua, phường Trung Hòa đã thành lập được 61 tổ liên gia PCCC. Thông qua mô hình, tất cả người dân ở hộ gia đình, khu dân cư, các cơ sở trên địa bàn phường đều được hướng dẫn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về an toàn PCCC&CNCH, kết hợp việc khuyến khích các hộ gia đình ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC và triển khai dỡ bỏ chuồng cọp, mở lối thoát nạn thứ 2.

Nhà kiểu chuồng cọp liên tiếp cháy, cảnh sát đi hướng dẫn mở lối thoát nạn - 6

Người dân mở lối thoát nạn thứ 2 tại các căn hộ kiểu chuồng cọp ở phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) (Ảnh: UBND quận Cầu Giấy).

Ngoài ra, UBND phường cũng yêu cầu mỗi gia đình phải có ít nhất một thành viên được tập huấn về công tác thoát nạn, PCCC&CNCH, để có thể ứng phó với các vụ hỏa hoạn. 

Nhà kiểu chuồng cọp liên tiếp cháy, cảnh sát đi hướng dẫn mở lối thoát nạn - 7

Phường Trung Hòa diễn tập PCCC&CNCH cho các tổ liên gia (Ảnh: Trần Thanh).

Thiếu tá Nguyễn Huy Thành - Trưởng Công an phường Trung Hòa cho biết, để đảm bảo công tác PCCC tại các hộ gia đình xây dựng, lắp đặt khung sắt kiểu chuồng cọp, công an phường cũng yêu cầu mỗi gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực) và có thể trang bị thêm mặt nạ phòng độc, dây cứu người, thang dây, máy bơm nước.

Bộ Công an hướng dẫn thoát nạn khi nhà chuồng cọp bốc cháy

Theo đó, đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề.

Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm, hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.

Bộ Công an đặc biệt lưu ý những hộ dân ở những căn nhà này cần thiết trang bị sẵn những thiết bị phục vụ thoát hiểm như kìm cộng lực, búa, rìu...

Khi phát hiện đám cháy, người dân cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm.

Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.

Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm, thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình tìm lối thoát khác như: Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần... để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn.

Tuy nhiên, trước khi dùng dây để leo xuống cần đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc.