Nhà khoa học sẽ có tiền, có quyền
Các nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia sẽ được hưởng cơ chế tài chính đặc biệt, tự trả lương cho những người cùng hợp tác, có thể mua bán kết quả nghiên cứu, góp vốn hoặc lập doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh.... Đó là một phần nội dung đề án do Bộ KH&CN đang soạn thảo.
Ông Nguyễn Quân, Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN), đã có cuộc trao đổi xung quanh đề án “Một số chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN, giai đoạn 2006-2010”.
Thưa ông, cụ thể các nhà khoa học sẽ được hưởng những ưu đãi gì?
Theo dự thảo đề án, Nhà nước sẽ ưu đãi, hỗ trợ các nhà khoa học ở hai nhóm.
Đối với nhóm đối tượng thứ nhất, hằng năm Bộ KH&CN sẽ nghiên cứu và lựa chọn 10-20 nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia, sau đó giao cho các nhà khoa học đầu ngành thực hiện và yêu cầu các nhà khoa học phải có sản phẩm để bàn giao lại cho Nhà nước. Đi đôi với việc đó, Nhà nước sẽ giao cho các nhà khoa học quyền tự chủ khoản kinh phí hoạt động thường xuyên.
Các nhà khoa học chủ trì những nhiệm vụ này sẽ được tự chủ sử dụng nguồn kinh phí đó để tăng thu nhập cho chính mình và trả lương theo hợp đồng đối với những người cùng hợp tác, mua sắm tài liệu, mời các nhà khoa học quốc tế, đăng ký bản quyền, công bố kết quả trên các tạp chí trong nước và quốc tế, đi dự hội nghị quốc tế... Ngoài ra, các nhà khoa học loại này sẽ được xem xét giao cho sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản trí tuệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Khi đó, nhà khoa học có thể sử dụng tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu để mua bán, chuyển nhượng, góp vốn hoặc lập doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh.
Đối với nhóm cán bộ khoa học trẻ, nếu họ có ý tưởng, các viện, các trường sẽ thành lập những nhóm ươm tạo công nghệ hoặc ươm tạo doanh nghiệp dưới sự tổ chức, chỉ đạo, tư vấn của một nhà khoa học đầu ngành.
Chúng tôi dự kiến hằng năm sẽ đưa ra vài chục nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia và khoảng 50-60 nhóm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và Nhà nước sẽ đầu tư khoảng 100 tỉ đồng cho những đối tượng này.
Những nhà khoa học được hưởng ưu đãi từ đề án trên sẽ có mức thu nhập như thế nào so với các nhà khoa học khác?
Nếu được Thủ tướng chấp nhận về nguyên tắc, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án cụ thể trình Thủ tướng. Được biết, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng ủng hộ quan điểm này. Chúng tôi sẽ đề nghị các nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp nhà nước có thu nhập tương đương khoảng 1.000-2.000 USD/tháng.
Chúng tôi tính sơ bộ một nhiệm vụ cấp quốc gia có thể được giao kinh phí hoạt động thường xuyên là 2,3-2,5 tỉ đồng/năm. Một nhóm nghiên cứu có khoảng 20-25 người và với mức kinh phí như trên thì những người chủ trì có thể hưởng mức thu nhập trên dưới 1.000 USD, những người khác có thể hưởng lương từ 100-500 USD. Các nhóm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp thì thu nhập ít hơn.
Với một mức thu nhập cao như vậy, cơ chế nào để những nhà khoa học phải đưa ra được kết quả nghiên cứu, không làm lãng phí tiền của Nhà nước, bởi trên thực tế số lượng các đề tài nghiên cứu thời gian qua được ứng dụng không nhiều?
Nhà nước đặt hàng về thời hạn và kết quả. Các nhà khoa học cũng phải cam kết về thời hạn và kết quả. Khi đã nhận và cam kết thì phải có kết quả nghiên cứu. Những người không thực hiện đúng tiến độ, không có kết quả nghiên cứu để bàn giao thì Nhà nước sẽ có chế tài để thu hồi một phần lớn kinh phí đó. Những đề tài nào không thực hiện được do thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực thì phải xử lý.
Tất nhiên, cũng có yếu tố mạo hiểm và rủi ro vì không ai dám chắc 100% nhiệm vụ được giao đều thực hiện thành công. Khoa học mang tính mạo hiểm, rủi ro, chúng tôi cho rằng trong số 10-20 nhiệm vụ cấp quốc gia thì 50% nhiệm vụ có kết quả cũng là chấp nhận được. Hiện nay mỗi năm có hàng ngàn đề tài cấp nhà nước và cấp bộ nhưng số đề tài có thể ứng dụng vào thực tế và được thương mại hóa chỉ khoảng 10%.
Vậy làm thế nào để chọn được những nhà khoa học thật sự xuất sắc tham gia thực hiện nhiệm vụ trọng điểm cấp quốc gia, bởi ngay cả trong tổ chức đấu thầu các đề tài khoa học cũng vẫn còn nhiều bất cập?
Cơ chế hoàn toàn minh bạch vì số lượng nhiệm vụ không nhiều. Đầu tiên Nhà nước xác định nhiệm vụ cấp quốc gia, sau đó kêu gọi các nhà khoa học nhận nhiệm vụ. Thậm chí nếu trong trường hợp không có nhà khoa học nào đủ khả năng nhận nhiệm vụ thì Nhà nước có thể kêu gọi các nhà khoa học quốc tế hoặc tạm gác nhiệm vụ đó lại, chứ không thể giao cho người không đủ năng lực thực hiện.
Người chủ trì có quyền mời các nhà khoa học từ đơn vị khác đến cùng làm việc nếu thấy họ làm được việc và người chủ trì thực hiện nhiệm vụ tự quyết định mức lương trả cho họ chứ không phải hưởng lương theo ngạch bậc thông thường... Như thế, tập thể các nhà khoa học hoàn toàn năng động, hoàn toàn chủ động.
Tôi cho rằng cái khó không phải là làm sao xác định được nhà khoa học chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia mà là làm sao xác định đúng nhiệm vụ trọng điểm. Xác định sai thì nghiên cứu xong chẳng để làm gì.
Có ý kiến e ngại rằng tỉ lệ thất bại sẽ cao vì các nhà khoa học thường chỉ giỏi chuyên môn, yếu về năng lực quản lý tài chính mà ở đây họ lại được quản lý một khoản tiền lớn trong tay?
Chúng tôi sẽ xây dựng một cơ chế tài chính với một số khung định mức để áp dụng. Ví dụ sẽ qui định trong khoản kinh phí đấy bao nhiêu phần trăm chi cho con người, bao nhiêu chi cho việc mua tài liệu, phương tiện làm việc... Như thế, kinh phí trả lương cho người chủ trì và những người cộng tác có trần tối đa và người chủ trì chỉ được chi trả trong phạm vi đó.
Theo Khiết Hưng
Tuổi Trẻ