1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhà công vụ thực chất là bao cấp giá cho người có điều kiện?

(Dân trí) - “Nhà công vụ hiện nay thực chất là bao cấp cho một số ít cán bộ với giá rẻ. Thực tế, ngay tại Hà Nội, số cán bộ, công chức trẻ rất lớn nhưng chưa được hưởng lợi gì từ chính sách nhà ở công vụ” - đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

Ngày 18/6, Quốc hội có phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Nhà ở.

Về chính sách phát triển nhà công vụ, báo cáo giải trình, tiếp thu của Bộ Xây dựng ghi nhận, có một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về đối tượng, tiêu chí được thuê nhà ở công vụ, thời hạn sử dụng nhà công vụ. Nhiều đề xuất cũng cho rằng chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, còn các đối tượng khác thì thực hiện chính sách nhà ở cho thuê để tránh lãng phí, dàn trải.

Cũng có ý kiến đặt vấn đề, chỉ nên đầu tư xây nhà công vụ ở khu vực vùng sâu vùng xa. Đối với các cán bộ ở các thành phố lớn, chế độ nhà ở cần đưa vào lương để họ tự thuê nhà ở.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu tại hội trường.

Phát biểu trực tiếp tại hội trường về nội dung này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận xét, thời gian qua, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở nhà công vụ. Điều này đã gây dư luận không tốt trong xã hội. Cử tri cũng cho rằng chính sách này không đảm bảo công bằng xã hội.

Nêu cảm giác nhà công vụ đang hướng tới phục vụ cho một số ít người, ông Vinh cho rằng, nhà công vụ hiện nay thực chất là bao cấp cho một số ít đối tượng với giá rẻ, trong khi số đông cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu thực sự thì không được đáp ứng.

Thực tế, ngay tại Hà Nội, số cán bộ, công chức trẻ đang công tác rất lớn nhưng chưa được hưởng lợi gì từ chính sách nhà ở công vụ. Ông Vinh đặt câu hỏi, tại sao không phát triển nhà công vụ nhằm hướng tới mọi đối tượng thực hiện công vụ, thay vì chỉ phục vụ một số đối tượng nhất định?

Nếu ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu, đại biểu đề nghị giới hạn lại đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo yêu cầu về mặt an ninh. Các đối tượng khác nên áp dụng cách khoán đưa vào tiền lương để họ tự hoàn toàn về nhà ở, ngân sách không phải bỏ ra một số tiền quá lớn để xây dựng và giá trị đất có thể chuyển thành tiền dùng vào việc khác. Giảm số lượng nhà công vụ đồng nghĩa với việc không phải duy trì một cơ quan quản lý về nhà ở công vụ vừa tiết kiệm chi phí, vừa chấm dứt tình trạng biến tướng nhà công vụ chuyển thành nhà ở cá nhân.

Giải trình vấn đề này, cơ quan soạn thảo phân tích, việc tạo lập Quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho người thuê nhà ở yên tâm công tác. Đây cũng là một trong những chính sách cán bộ đang được triển khai trên thực tế.

Tuy nhiên, để tránh lãng phí, dàn trải trong hoạt động này, dự thảo Luật cũng đã quy định rõ về kế hoạch đầu tư xây dựng nhà công vụ, quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà ở công vụ; đặc biệt là quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện được thuê nhà ở công vụ, cũng như các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng nhà ở công vụ.

Mặt khác, thực tế hiện nay, thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ của Nhà nước thì rất nhiều cán bộ đã được điều động, luân chuyển từ trung ương về địa phương hoặc từ địa phương lên trung ương hoặc từ địa phương này đến địa phương khác công tác. Nếu chỉ bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ tại khu vực vùng sâu, vùng xa mà không bố trí nhà ở công vụ cho các cán bộ tại các thành phố lớn thì không bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong chính sách.

Việc đưa tiền thuê nhà vào tiền lương của cán bộ theo Bộ Xây dựng cũng không khả thi do điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị được giữ quy định về nhà công vụ như trong dự thảo luật.

Người không đủ ăn, đừng nghĩ đến việc sở hữu nhà

Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần giữ vai trò chính trong việc này và bảo đảm để nhà xã hội được sử đụng đúng mục đích, tránh lợi dụng ưu đãi để hưởng lợi. Đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội theo đó cũng phải được quy định rõ để tránh hiện tượng bao cấp, tràn lan.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) tán thành hướng đặt vấn đề của ban soạn thảo để xử lý hiện tượng thị trường nhà ở, trong đó có loại hình nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước đang phát triển méo mó hiện nay. Ông Lịch khuyến cáo nguyên tắc để thị trường điều tiết.

“Quan điểm là nhà nước làm sao mọi người dân có chỗ ở chứ nhà nước không khuyến khích, không làm những động tác mà mọi người sở hữu chỗ ở, nhà ở, hai vấn đề khác nhau. Chúng ta muốn những người làm không đủ ăn vẫn sở hữu nhà ở là quan điểm không đúng” – ông Lịch lập luận.

Đại biểu đề nghị tập trung chính sách để phát triển nhà cho thuê đối với tất cả đối tượng, không ưu tiên với quy trình bán nhà, nhà đã bán thì phải theo thị trường, chỉ hỗ trợ nhà cho thuê. Nhà nước cũng có thể điều tiết nhà ở thương mại theo hướng tập trung phát triển loại nhà phổ thông, như ở TPHCM, Hà Nội, loại căn hộ 1-1,5 tỷ đồng, ở các tỉnh thành khác là 500-600 triệu đồng là phù hợp sức mua thị trường.

Thống nhất quan điểm không trở lại bao cấp nhà ở, cơ quan soạn thảo nêu rõ, trên thực tế, do phát triển nhà ở xã hội không thu được nhiều lợi nhuận và thu hồi vốn chậm nên hầu hết các thành phần kinh tế đều không quan tâm và tích cực tham gia đầu tư xây dựng loại nhà ở này. Phát triển nhà ở xã hội lại cần có một nguồn lực lớn nên cơ quan soạn thảo cho rằng, không thể quy định vấn đề này là thuộc trách nhiệm của Nhà nước hoặc là trách nhiệm của người dân mà phải có sự tham gia của cả Nhà nước, cả người dân và của xã hội.

Điều 50, 52, 53 của dự thảo luật cũng quy định cụ thể về các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, điều kiện, tiêu chí cụ thể để được hưởng, nguyên tắc thực hiện chính sách này để xử lý các vấn đề đặt ra.

P.Thảo