1. Dòng sự kiện:
  2. Lật tàu thảm khốc ở Quảng Ninh
  3. Bão Wipha (cơn bão số 3)

Nhà chiếu hình vũ trụ TP Vinh bị “bao vây”

(Dân trí) - Vinh là thành phố đầu tiên ở Việt Nam có Nhà chiếu hình vũ trụ. Vậy nhưng thời gian gần đây, công trình khoa học này đang phải “ăn chầu ở chực”, do sự “bao vây” của Công viên trung tâm thành phố khiến hoạt động của dự án bị đình trệ, gây lãng phí…

Theo như bản hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản thì Nhà chiếu hình vũ trụ nằm trong diện viện trợ văn hoá (CGA) của Chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam (đặt ở thành phố Vinh - Nghệ An), về tầm vóc đây là công trình khoa học mang tầm chiến lược Quốc gia.

 

Ngày 29/6/1998, Nhà chiếu hình vũ trụ được chính thức thành lập theo QĐ 2345/QĐ-UB của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Công trình được xây dựng ở phía sau Nhà văn hoá lao động tỉnh với tổng kinh phí 7,4 tỷ đồng, trong đó phần máy móc do phía Nhật Bản tài trợ 5 tỷ đồng, còn 2,4 tỷ đồng là ngân sách UBND tỉnh Nghệ An cấp để xây dựng phần cơ sở vật chất.

 

Ngày 12/9/1998, công trình được đưa vào sử dụng với kiến trúc độc đáo: Dáng một chiếc máy bay tàng hình, bên trong được trang bị máy móc hiện đại.

 

Nhà chiếu hình vũ trụ  trực thuộc UBND TP Vinh quản lý, có bộ máy biên chế 4 cán bộ công nhân viên chức hưởng lương sự nghiệp. Công trình đi vào hoạt động đã thu hút hàng chục vạn lượt học sinh, sinh viên từ các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước và các vị giáo sư đến tham quan, học tập, nghiên cứu.

 

Tuy nhiên ngày 1/4 và 28/6/2004, UBND tỉnh Nghệ An liên tiếp có 2 Thông báo (Số 104/TĐ-UB và 138/TĐ-UB) giao cho UBND TP Vinh phải bàn giao Nhà chiếu hình vũ trụ cho Công ty cổ phần Trung Long quản lý và sử dụng. Sau đó do một số phản ứng từ Ban lãnh đạo Nhà chiếu hình và nhà viện trợ nên “số phận” của Nhà chiếu hình vũ trụ không bị “trao đổi”.

 

Vậy nhưng năm 2004, UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch giao cho Công ty cổ phần Trung Long xây dựng Công viên trung tâm nên số phận Nhà chiếu hình trở thành kẻ “ăn chầu ở chực”. Vì đất Nhà chiếu hình vũ trụ giao cho Công ty Trung Long, hàng rào Công viên đã bao bọc lấy Nhà chiếu hình nên nhân viên hay khách tham quan muốn ra vào đều phải xin phép để được qua cổng của Công ty Trung Long. Bởi vậy hoạt động của Nhà chiếu hình vũ trụ hầu như bị trình trệ, mọi giao dịch bình thường của một đơn vị cơ quan Nhà nước đều đặt dưới sự kiểm tra và cho phép của một công ty tư nhân.

 

Trao đổi với PV Dân trí sáng 13/11, ông Nguyễn Trung Quân - Giám đốc Nhà chiếu hình vũ trụ bức xúc: “Từ khi phải “ở nhờ” đi chung cổng với Công ty Trung Long nhiều nghịch lý đã xảy ra xảy ra: Khách tham quan giảm đáng kể vì họ sợ phiền hà. Khách đến đây phải qua cổng công viên, lại bị gây “khó dễ” nên họ thôi. Ngày thường, nhân viên Nhà chiếu hình đã phải gửi xe ở Bệnh viện TP Vinh hoặc quán ăn Ngọc Châu để đi bộ vào. Nhiều lúc Công ty Trung Long nghỉ thì nhân viên chỉ có nước phải trèo bờ rào để vào…”

 

Mọi rắc rối nảy sinh chỉ vì hai dự án lớn mang tầm vóc quốc gia phải “tiết kiệm” đến mức chỉ đi chung một cái cổng. Phải chăng UBND tỉnh Nghệ An đã làm cái việc “kị” nhất của một nhà “đi buôn”: “Bán trâu nhưng tiếc dây thừng”?!

 

Đặng Nguyên Nghĩa