1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà báo - Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân

(Dân trí) - “Mỗi bài báo như một thông điệp của tác giả, có khi là sự yêu thương nhưng có lúc là sự hủy hoại” - nhà báo Hữu Thọ chia sẻ trong chương trình giao lưu kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội), tối qua 17/6, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức chương trình giao lưu kỷ niệm 85 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 chủ đề Nhà báo - Trách nhiện xã hội và nghĩa vụ công dân.
 
Nhà báo - Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân - 1
Đồng chí Trương Tấn Sang tặng hoa chúc mừng các nhà báo trong buổi giao lưu kỷ niệm ngày 21/6
 
Tham dự lễ kỷ niệm có ông Trương Tấn Sang (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư), ông Đinh Thế Huynh (Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam), các nhà báo kỳ cựu như Hữu Thọ, Hà Đăng; các Tổng biên tập, phóng viên đến các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương…

Với chủ đề Nhà báo - Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, chương trình là cuộc hội ngộ và chia sẻ chuyện nghề của những nhà báo lão thành qua các thời kỳ lịch sử, trong công cuộc đổi mới và thời kỳ mới.
 
Nhà báo - Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân - 2
Ông Phạm Huy Hoàn (Tổng biên tập Báo điện tử Dân trí)  đại diện cho loại hình báo điện tử được mời tham dự buổi giao lưu
 
Những câu chuyện kể về khó khăn, vất vả nhưng rất đỗi hào hùng và tràn đầy kỷ niệm của các cựu phóng viên chiến khu Việt Bắc, Liên khu 5, phóng viên chiến trường miền Nam chống Mỹ ác liệt năm xưa, khi vừa làm nhà báo vừa là chiến sỹ chiến đấu… đã để lại nhiều nỗi xúc động cho các thế hệ người làm báo.
  
Mỗi loại hình báo chí gắn với những đặc thù riêng. Họa sỹ Tôn Đức Lượng (hoạ sỹ đầu tiên của báo Tiền phong), từng được Bác Hồ khen ngợi, đến với cuộc giao lưu để tâm sự về những ngày đầu đặt bút vẽ trên trang giấy của báo Tiền Phong và những thiếu thốn về vật liệu, dụng cụ để làm nghề. Nhà báo Đậu Ngọc Đản kể lại những ngày làm báo ở chiến trường miền Nam khói lửa năm xưa, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và ghi lại bức ảnh cô Nhíp để đời.
 
Nhà báo - Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân - 3
MC Diễm Quỳnh và PVT Kim Cúc (ở giữa), nữ PV chiến trường năm xưa Lê Thị Kim Thoa

Trong buổi giao lưu, phát thanh viên Kim Cúc (Đài Tiếng nói Việt Nam) tái hiện lại thời khắc lịch sử khi cầm micro đọc thẳng trên sân Nhà Hát Lớn bản tin chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng; nữ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam những năm 1973 - 1975 Lê Thị Kim Thoa bước vào nghề báo vì lí do yêu nước và muốn tác nghiệp trên chiến trường…

Đặc biệt, cuộc đối thoại của nhà báo Hữu Thọ với 3 nhà báo đại diện cho thế hệ trẻ ở 3 loại hình báo chí phát triển là báo hình, báo điện tử và báo in đã khiến cho khán đài của Nhà Hát Lớn trở nên sôi động hơn với không khí ngày kỷ niệm 21/6.
 
Nhà báo - Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân - 4
Nhà báo Hữu Thọ đối thoại với các nhà báo trẻ

Từ chiêm nghiệm khi muốn dùng “dao sắc” trong những vấn đề nóng của xã hội, về sự phát triển như vũ bão của nhiều loại hình báo chí, thậm chí bàn đến “sạn” trong các bài báo, nhà báo Hữu Thọ đã đối thoại thẳng thắn với nhà báo trẻ Phạm Tuấn Anh (Báo điện tử Dân trí), nhà báo Văn Thành (Đài THVN) và nhà báo Minh Thùy (báo Tuổi trẻ) về những ưu tiên cho những phóng viên trẻ sắc sảo mà không sợ đứt tay, người làm báo trung thực nhưng ngòi bút phải chừng mực, tấm lòng có thẳng thì ngòi bút mới thẳng, tương lai của báo chí gắn liền với hoạt động nghề nghiệp của nhà báo trẻ…

Nhà báo Hữu Thọ nhắn nhủ người làm báo trẻ: “Thóc cũ ăn mãi cũng hết, vì vậy không nên dựa lưng vào vụ mùa đã có sẵn mà phải bước xuống cánh đồng để tìm kiếm và sản xuất những mùa lúa mới…”.
 
Nhà báo - Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân - 5
Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ về chuyện nghề

Là “cây đại thụ” trong làng báo Việt Nam, nhà báo Hữu Thọ chia sẻ về chuyện nghề nhưng không đặt ra tiêu chí để so sánh thế hệ làm báo xưa và nay mà mượn lời của 1 học giả để nói về tác động của báo chí: “Mỗi bài báo như một thông điệp của tác giả, có khi là sự yêu thương nhưng có lúc là sự hủy hoại”. Dù con người thay đổi, thời đại thay đổi nhưng kim chỉ nam của báo chí cách mạng Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi.

Như Quỳnh - Thu Dung