1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhà báo Mỹ tìm lại được ngôi làng Việt Nam 40 năm sau chiến tranh

Ông Robert Hodierne không thể tin nổi rằng mình có thể tìm gặp lại được những người dân tại một ngôi làng mà ông từng chụp ảnh 40 năm trước.

“Tôi không nghĩ mình biết tên ngôi làng đó bởi lúc đó tôi chỉ chụp ngẫu nhiên một vài mái nhà”, ông Hodierne chia sẻ.

Ông Robert Hodierne (Ảnh AP)

Ông Robert Hodierne (Ảnh AP)

Quyết định để đời

Nhưng sau đó, ông Hodierne không chỉ tìm lại được ngôi làng bị binh lính Mỹ phóng hỏa mà còn tìm thấy người phụ nữ và đứa con gái mà ông chụp ảnh khi ngôi nhà của họ bị cháy ngay sau lưng họ.

Cuộc gặp mặt 40 năm sau đã hình thành lên ý tưởng để ông Hodierne viết một cuốn sách mới có tựa đề: “The American Experience in Vietnam: Reflections on an Era” (tạm dịch: Trải nghiệm của một người Mỹ tại Việt Nam: Nhìn lại một thời kỳ).

Cuốn sách này được coi là phần tiếp theo của bộ sách lịch sử 25 tập có tựa đề: “The Vietnam Experience” (tạm dịch: Trải nghiệm tại Việt Nam) được xuất bản trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Cuốn sách của ông Hordierne sẽ được xuất bản nhân dịp 50 năm bộ binh Mỹ lần đầu tiên tham chiến tại Việt Nam và 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bức ảnh mà ông Hodierne chụp tại Việt Nam năm 1967 (Ảnh Reuters)

Bức ảnh mà ông Hodierne chụp tại Việt Nam năm 1967 (Ảnh Reuters)

Một vài bức ảnh do ông Hodierne chụp tại Việt Nam đã xuất hiện trong bộ sách The Vietnam Experience và ông sẽ công bố thêm nhiều bức ảnh khác trong cuốn sách mới phát hành của ông, trong đó có một bức ảnh một binh sĩ Mỹ trên chiến trường năm 1969 và cả hai bức ảnh chụp bà Nguyen Thi Hoai và con gái của bà Lan Thi Tho. Trong đó bức đầu tiên chụp ngày 20/2/1967 và bức thứ hai khi họ gặp nhau năm 2005.

Ông Hodierne, hiện là Phó Giáo sư về Nhiếp ảnh và Trưởng khoa Nhiếp ảnh tại Đại học Richmond, đã sang Việt Nam để làm nhiếp ảnh gia tự do từ năm 1967 sau khi bỏ học Đại học từ năm thứ nhất.

Lúc đó, ông Hodierne mới 21 tuổi và ông đưa ra quyết định có phần đột ngột này là bởi ông sợ rằng, đến khi ông tốt nghiệp thì cuộc chiến tại Việt Nam đã kết thúc và có thể ông sẽ để lỡ mất “câu chuyện quan trọng nhất trong đời mình”.

“Không may là, tôi luôn có những tiên đoán sai lầm trong suốt cuộc đời mình”, ông Hodierne nói.

Bộ sách lịch sử về chiến tranh Việt Nam có nhiều bức ảnh do ông Hodierne chụp (Ảnh AP)

Bộ sách lịch sử về chiến tranh Việt Nam có nhiều bức ảnh do ông Hodierne chụp (Ảnh AP)

Những năm tháng tại Việt Nam

Ngay khi có mặt tại Việt Nam, ông Hodierne đã đến xin làm việc tại văn phòng của Hãng tin United Press International có trụ sở ở Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Chỉ 24 giờ sau đó, ông đã được giao nhiệm vụ làm tin về một vụ bạo động tại đây.

Vào tháng 2/1967, ông Hodierne đã theo chân các phi công Mỹ trên một chiến trực thăng y tế đến một ngôi làng nhỏ để hỗ trợ cho các binh sĩ Mỹ bị thương trong trận đánh quyết liệt diễn ra vào đêm hôm trước. Khi ông Hordierne đến nơi, binh sĩ Mỹ đã bao vây ngôi làng này và phóng hỏa thiêu rụi nhiều nóc nhà tại đó.

Ông Hordierne cho biết, ông không bao giờ quên được sự sợ hãi hiện hữu trên nét mặt của người dân làng, điều mà ông cũng cảm nhận được nhiều năm sau đó khi tham gia làm phóng viên trong cuộc chiến tranh Iraq và theo chân binh sĩ Mỹ gõ cửa từng nhà người dân Iraq để săn lùng phiến quân.

Trải nghiệm hãi hùng ấy đã thôi thúc ông quay trở lại Việt Nam năm 2005 để tìm kiếm ngôi làng từng bị lính Mỹ thiêu cháy nói trên, gặp gỡ những người dân tại đây và lắng nghe những suy nghĩ của họ 40 năm sau khi cuộc chiến trang kết thúc.

Việc đầu tiên ông làm là tìm kiếm thông tin về ngôi làng này tại Thư viện Quốc gia ở College Park, bang Maryland. Tại đó, ông đã tìm thấy nhiều ghi chép của quân đội Mỹ kèm theo những tấm bản đồ giúp ông có thể xác định được tên ngôi làng là Lieu An. Tuy nhiên, liệu ngôi làng này còn tồn tại hay không lại là một vấn đề khác.

Quay lại chốn xưa

Sau đó, ông Hodierne và con trai ông, Cutter, 19 tuổi, đã quay trở lại thành phố Hồ Chính Minh.

Họ thuê một chiếc xe cùng một người lái xe và một phiên dịch và thực hiện một chuyến đi 2 ngày đến một vùng nông thôn ở miền Trung Việt Nam.

Khi họ đến nơi mà họ nghĩ là ngôi làng trước kia, ông Hodierne bước ra khỏi xe và bắt đầu kiểm tra thiết bị định vị toàn cầu (GPS) của mình để khẳng định rằng suy nghĩ của họ là chính xác.

Trong khi đó, người phiên dịch cho hai bố con ông bắt đầu đi hỏi han khắp làng và chỉ 5 phút sau thì họ đã tìm ra được những người mà ông Hodierne chụp trước đó.

Diện mạo ngôi làng lúc này đã hoàn toàn thay đổi, những mái nhà tranh lụp xụp đã được thay thế bằng những ngôi nhà mái ngói khang trang. Người dân ở đây đã có điện để sử dụng và cuộc sống tại đây đã tốt hơn rất nhiều.

Bố con ông Hodierne được đón tiếp rất chân tình. Ông Hodierne chia sẻ: “Tôi không phải là người mau nước mắt nhưng sự chân tình của họ đã khiến tôi cảm thấy xúc động nhất là sau những gì họ đã trải qua”.

Theo Trần Khánh 
VOV
(Theo Richmond Times Dispatch)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm