Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Hội thảo khoa học Quốc gia "Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay", vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Chiều 5/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia "Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay".

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động báo chí - truyền thông.

Ông Minh cho rằng, chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông, để vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của báo chí - truyền thông nước nhà.

Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số - 1

Quang cảnh hội thảo chiều 5/6 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Tổng biên tập báo Nhân Dân nhận định, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu trong hoạt động báo chí, mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số.

Do vậy, ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào, thì khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí - truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số.

Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Trong hành trình gần 100 năm của Báo chí cách mạng Việt Nam, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí luôn được Đảng ta hết sức coi trọng, là tiền đề để sản sinh ra những thế hệ nhà báo: "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc".

Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số - 2

Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân dân phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí - truyền thông số ở nước ta,...

Thực tế trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông đã sớm tích hợp, đưa các nội dung của chuyển đổi số vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các chương trình khung, chương trình chi tiết của từng chuyên ngành, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Tuy nhiên, bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới; sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông của quốc gia, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đây là những thách thức mới đặt ra đối với công tác đào tạo báo chí, truyền thông trong nước, nhất là trong bối cảnh chất lượng đào tạo có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc chậm được đổi mới về phương pháp, việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực, xây dựng cơ chế riêng cho đào tạo báo chí, truyền thông còn nhiều bất cập, thiếu thốn...

Hội thảo khoa học Quốc gia "Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay" có ý nghĩa rất thiết thực, diễn ra trong bối cảnh những người làm báo trên cả nước đang hướng tới chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1924-21/6/2024).

Đồng thời, hội thảo góp phần triển khai hiệu quả chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.