1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Nghiên cứu Biển Đông mới ở bề nổi

(Dân trí) - Tại lễ ra mắt Quỹ nghiên cứu Biển Đông vào sáng nay 27/3 tại Học viện Ngoại giao, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cố vấn cấp cao của Hội đồng quản lý Quỹ, cho biết, nghiên cứu về Biển Đông ở Việt Nam hiện nay rất sôi động nhưng còn ở bề nổi là chính.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Nghiên cứu Biển Đông mới ở bề nổi

Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, phát biểu tại lễ ra mắt Quỹ Nghiên cứu Biển Đông sáng nay.

Sáng nay, tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội), Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đã được ra mắt. Đây là quỹ xã hội phi lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ, tài trợ cho nghiên cứu, viết bài về Biển Đông của tầng lớp trí thức, đặc biệt là các học giả, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, sinh viên trong và ngoài nước cũng như những cá nhân trong và ngoài nước có tâm huyết muốn đóng góp sức lực và trí tuệ cho công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, thúc đẩy các biện pháp gìn giữ hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Biển Đông. Quỹ cũng đồng thời là kênh tập hợp, tìm kiếm, phát triển các cá nhân có năng lực và phẩm chất tốt để phục vụ cho công tác nghiên cứu Biển Đông, phổ biến tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Cũng tại buổi lễ ra mắt, 13 bài nghiên cứu xuất sắc đã được tuyển chọn từ khoảng 200 bài viết về Biển Đông năm 2013 đã được trao giải. Trong số này có 3 bài viết được trao giải đặc biệt và đáng lưu ý là bài viết về Giáo dục của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong bộ môn lịch sử ở trường PTTH hiện nay: Thực trạng và một số đề xuất.

Cũng tại lễ ra mắt, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cố vấn cấp cao của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, đã có cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí xung quanh Quỹ mới thành lập này.


Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Nghiên cứu Biển Đông mới ở bề nổi

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về Quỹ Nghiên cứu Biển Đông sáng 27/3.

PV: Xin ông cho biết kỳ vọng của ông khi Quỹ Nghiên cứu Biển Đông được thành lập?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề trung tâm của những nghiên cứu quốc tế, không những ở Việt Nam mà còn ở trên trường quốc tế. Riêng ở Việt Nam tôi đánh giá cao những đóng góp của giới truyền thông, báo chí. Không có sự quan tâm và ủng hộ của các bạn, thì vấn đề nghiên cứu Biển Đông không được sôi động như hiện nay.

Tuy nhiên, sự sôi động đó còn đang mang tính chất về lượng và bề nổi là chính. Vấn đề Biển Đông lại vô cùng rộng lớn, phức tạp, nên không thể dừng lại ở số lượng, bề nổi được, mà rất cần những nghiên cứu căn cơ hơn, cơ bản hơn, rộng lớn hơn và lâu dài hơn.

Kỳ vọng của chúng tôi khi lập Quỹ nghiên cứu Biển Đông là thúc đẩy quá trình đó, để có những nghiên cứu sâu rộng hơn, sâu sắc hơn và có đông đảo người tham gia hơn. Những người tham gia ở đây không chỉ ở trong nước mà còn cả những bà con người Việt sinh sống ở nước ngoài, đang rất quan tâm đến vấn đề biển đảo.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải tìm cách kết hợp những nghiên cứu của chúng ta với những nghiên cứu của thế giới. Nghiên cứu Biển Đông được qua tâm rất lớn và rất sôi động, ở Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Tây Âu và thậm chí ở cả Nga. Vì vậy chúng tôi mong muốn những nghiên cứu của Việt Nam hòa nhịp, mà nói như từ hay dùng hiện nay, là hội nhập với nghiên cứu Biển Đông trên thế giới.

Như vậy chúng tôi có hai kỳ vọng lớn. Thứ nhất là nâng tầm hơn nữa quy mô, chất lượng nghiên cứu ở trong nước và thứ hai là thúc đẩy những nghiên cứu này gắn kết với những nghiên cứu của toàn cầu, để góp phần cho ngân hàng dữ liệu về vấn đề Biển Đông phong phú hơn, làm cho thế giới hiểu hơn lập trường của chúng ta, đồng thời cũng hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao của chúng ta, để bảo vệ cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta.

Nhân nói về kỳ vọng đưa các nghiên cứu của Việt Nam hòa nhịp với thế giới, sắp tới Quỹ có hoạt động cụ thể nào để đưa những nghiên cứu được trao giải vào thực tiễn?

Trên thực tế nghiên cứu của chúng ta từ trước đến nay không đứng tách biệt mà đã có sự hội nhập từ lâu, mặc dù mới chỉ ở mức ban đầu.

Còn ở khía cạnh đưa những nghiên cứu của chúng ta mang tính thiết thực hơn, góp phần củng cố những chứng cứ, đề ra những phương pháp để xử lý, giải quyết những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, 13 công trình nghiên cứu được trao giải vừa qua mới chỉ ở mức độ nhất định, nhưng mỗi công trình đều có ý nghĩa riêng.

Ví dụ công trình được trao giải thưởng đặc biệt hôm nay, là vấn đề Biển Đông trong học đường, trong giáo dục, là chuyện chúng ta thiếu vắng hiện nay. Chúng tôi sẽ chuyển những công trình như thế cho Bộ Giáo dục, cho các lãnh đạo Bộ giáo dục trong thời gian tới khi viết lại sách giáo khoa thì cũng có thể tận dụng những ý tưởng trong nghiên cứu đó.

Quỹ cùng với Học viện Ngoại giao sẽ nghiên cứu từng công trình nghiên cứu, để chuyển sang ứng dụng. Tôi cho rằng những công trình đoạt giải hôm nay đều mang ý nghĩa thực tiễn và nhiều khía cạnh có thể ứng dụng được ngay.

Các công trình nghiên cứu xuất sắc hiện nay có được công bố ra nước ngoài không để đóng góp vào quá trình đấu tranh cho chủ quyền biển đảo, thưa ông?

Tôi nghĩ việc làm này là cần thiết nhưng nó cũng đòi hỏi một thời gian nhất định. Các công trình nghiên cứu đoạt giải vừa qua viết bằng tiếng Việt, vì vậy để có thể truyền bá ra nước ngoài cần phải có sự chuyển tải về ngôn ngữ, thì mới có thể phát huy tác dụng. Chúng tôi cũng đưa lên trang web của Quy nghiên cứu Biển Đông các công trình nghiên cứu này, để độc giả nước ngoài chuyên sâu nghiên cứu về Biển Đông, trong đó nhiều người biết tiếng Việt, có thể tiếp cận.

Quỹ có ý định thu hút các học giả, các nghiên cứu từ nước ngoài hay không? Nếu có thì sẽ triển khai như thế nào?

Thực ra cho đến bây giờ Học viện Ngoại giao nói chung và Viện nghiên cứu Biển Đông, thuộc Học viện Ngoại giao, nói riêng và các bộ phận hữu quan của Bộ Ngoại giao đã có các mối quan hệ với các học giả, nghiên cứu nước ngoài và đã tranh thủ được rất nhiều tiếng nói của họ. Không có tiếng nói của họ, tiếng vang rất hạn chế. Lâu nay, ta đã tổ chức nhiều hội thảo về Biển Đông ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, và ta đã tham gia các cuộc hội thảo ở Hoa Kỳ, Úc, Nga, thậm chí ở cả Trung Quốc. Vì vậy việc lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của nước ngoài ta đã làm rồi, Quỹ nghiên cứu Biển Đông chỉ là hỗ trợ thêm, là điểm tập trung, đầu mối, thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác.

Vấn đề tôi cũng tâm tư từ lâu là ở Việt Nam, vấn đề Biển Đông được nghiên cứu rất rộng, viện nào cũng nghiên cứu, địa phương nào cũng nghiên cứu, nhưng sự phối hợp, điều phối, chỉ đạo thành một chương trình thật thống nhất, nhằm bổ trợ cho cho nhau cũng là vấn đề cần quan tâm của Quỹ. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh là Quỹ đóng vai trò góp phần chứ không phải có vai trò điều phối. Và chúng tôi sẽ bày tỏ nguyện vọng đến cơ quan của nhà nước để có sự chỉ đạo chung. Chúng tôi sẽ phát huy tính chủ động, tích cực để đề xuất, tham mưu để làm sao có sự điều phối, chỉ đạo cho thống nhất, nhằm tạo sức mạnh lớn hơn.

Ông có thể cho biết khó khăn và thuận lợi trong việc thu hút các nhà tài trợ cho Quỹ?

Thực ra hôm nay chúng tôi mới ra đời, nhưng cũng đã được các cơ quan, tổ chức ủng hộ hơn 100 triệu đồng. Số lượng này không lớn nhưng rất đáng quý. Cá nhân tôi mong muốn mở rộng diện hỗ trợ, không chỉ ở cơ quan của nhà nước. Quan trọng hơn là xã hội, là những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ví dụ các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam họ cũng có lợi ích trong vấn đề nghiên cứu Biển Đông, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến biển. Các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực biển đảo, cũng vô cùng nhiều, do phần lớn các tỉnh ở nước ta là có liên quan đến biển. Ngoài ra, rất nhiều cá nhân cũng quan tâm đến biển đảo. Cũng mong sự quan tâm đó biến thành sự hỗ trợ thông qua Quỹ cho việc nghiên cứu, góp phần cho cuộc đấu tranh ngoại giao, bảo vệ độc lập chủ quyền của chúng ta.

Chia sẻ với báo chí tại lễ ra mắt, ông Vũ Trung Quyết, đại diện một trong những cơ quan, tổ chức đã hỗ trợ cho Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, bày tỏ hi vọng đóng góp của ông sẽ góp được một phần nhỏ bé vào việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu về Biển Đông. Đồng thời ông cũng mong Quỹ sẽ triển khai hoạt động một cách hiệu quả, đúng hướng, nâng cao khả năng nghiên cứu về Biển Đông của các cá nhân và tập thể, phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

Vũ Quý

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm