DNews

Nguyên nhân tai nạn vì cao tốc "tối om"?

Ngọc Tân

(Dân trí) - Đèn chiếu sáng là hạng mục không bắt buộc trên đường cao tốc. Tuy nhiên, các vụ tai nạn thảm khốc vào ban đêm gần đây đang khiến cơ quan quản lý suy xét lại.

Nguyên nhân tai nạn vì cao tốc "tối om"?

Sau khi Dân trí đăng tải chùm ảnh hiện trường vụ tai nạn 2 người chết trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhiều độc giả thắc mắc về việc đường cao tốc không có đèn chiếu sáng.

Hình ảnh của phóng viên hiện trường gửi về khiến các độc giả cảm thán: "Cao tốc gì mà tối mò mò vậy?", "Không có đèn... bó tay với cao tốc"...

Cao tốc không bắt buộc có đèn đường

"Đường cao tốc có cần đèn chiếu sáng không?" là một chủ đề được bàn luận trên toàn thế giới. Khi đặt câu hỏi này cho Google, 10 kết quả hiện ra đầu tiên đều khẳng định "không cần". Thậm chí, có những phân tích sâu hơn cho rằng đèn chiếu sáng trên cao tốc gây phiền toái, "lợi bất cập hại".

Nguyên nhân tai nạn vì cao tốc tối om? - 1

Cao tốc ở nước ngoài cũng không có đèn chiếu sáng (Ảnh: EXC).

Tại Việt Nam, đèn chiếu sáng không phải là hạng mục bắt buộc trên đường cao tốc. Theo tiêu chuẩn thiết kế cao tốc (TCVN 5729:2012), đèn chiếu sáng chỉ được yêu cầu lắp đặt tại trạm thu phí và ở trong hầm. Ngoài ra, đèn chiếu sáng nên được bố trí (không bắt buộc) ở các nút giao liên thông, ở các đoạn ra khỏi đường cao tốc, ở các biển báo chỉ dẫn quan trọng... 

Thay vì sử dụng đèn chiếu sáng, các tuyến cao tốc sử dụng sơn phản quang để sơn vạch kẻ đường, hộ lan và biển báo. Với tính năng phản xạ ánh sáng, sơn phản quang phát huy tác dụng khi có ánh đèn từ phương tiện chiếu vào.

Cũng vì lẽ đó, việc bật đèn xe rất quan trọng khi đi cao tốc ban đêm. Các tài xế thường được khuyến cáo kiểm tra kỹ mức nhiên liệu, hệ thống đèn chiếu sáng cũng như phanh của xe trước khi đi vào cao tốc.

Các tài xế có văn hóa giao thông sẽ chuyển đổi giữa đèn chiếu xa (pha) và đèn chiếu gần (cos) để đảm bảo không ảnh hưởng đến xe đi ngược chiều và vẫn nhìn rõ được làn đường phía trước. Trên hết, họ phải chấp nhận duy trì tốc độ tương ứng với tầm nhìn xa của mình.

Bất cập của cao tốc 2 làn xe

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khẳng định với các đoạn cao tốc có hạ tầng đầy đủ, việc không có đèn chiếu sáng vào ban đêm không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề an toàn.

Tuy nhiên, Cam Lộ - La Sơn không phải là tuyến cao tốc có "hạ tầng đầy đủ". Trong cuộc họp khắc phục hậu quả vụ tai nạn khiến 3 người chết hôm 18/2, các cơ quan đã kiến nghị bổ sung đèn chiếu sáng trên cao tốc này. 

Nguyên nhân tai nạn vì cao tốc tối om? - 2

Nhiều ý kiến cho rằng cao tốc Cam Lộ - La Sơn không đảm bảo an toàn vì thiếu điện chiếu sáng (Ảnh: Vi Thảo).

Đơn vị quản lý đường cũng đã tiếp thu đề nghị. Nhưng họ còn chưa kịp lắp thêm đèn chiếu sáng, vụ tai nạn thảm khốc thứ 2 đã xảy ra vào đêm 10/3, cướp thêm 2 mạng người.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy lỗi chủ quan từ cả 2 người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, trong công điện gửi đi sau đó, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam rà soát và tăng cường tổ chức giao thông hợp lý trên cao tốc 2 làn xe.

Thượng Tá Phạm Việt Công khẳng định đèn chiếu sáng không phải là hạng mục bắt buộc trên các tuyến cao tốc ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ thực tiễn vận hành khai thác, nếu phát sinh bất cập thì cần bổ sung hạng mục này.

"Nhìn trên con mắt an toàn giao thông, nếu có đầy đủ đèn chiếu sáng thì tốt hơn", Thượng tá Phạm Việt Công chia sẻ.

Nguyên nhân tai nạn vì cao tốc tối om? - 3

2 vợ chồng sắp cưới thiệt mạng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, để lại đứa trẻ 7 tháng tuổi mồ côi bố mẹ (Ảnh: Long Sơn).

Một vấn đề cũng được thảo luận nhiều ở Việt Nam là đi cao tốc thì sử dụng đèn chiếu xa hay đèn chiếu gần. Thói quen chung của tài xế là sử dụng đèn pha để bao quát được phía trước và làm nổi rõ hơn các vạch sơn phản quang.

Tuy nhiên, việc sử dụng đèn pha chỉ thuận lợi khi đi trên các tuyến cao tốc rộng rãi, có dải phân cách giữa đủ cao (như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), có trồng cây chắn sáng (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) hoặc có lưới chống lóa để tránh ảnh hưởng đến xe đi ngược chiều. 

Trên các cao tốc không có dải phân cách giữa như Yên Bái - Lào Cai hay Cam Lộ - La Sơn, làm thế nào để vẫn duy trì được tầm nhìn xa vào ban đêm nhưng không làm ảnh hưởng đến xe chạy ngược chiều là điều không đơn giản.

Nguyên nhân tai nạn vì cao tốc tối om? - 4

Tình huống tài xế bị lóa mắt vì ánh đèn pha của xe đối diện lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn không có dải phân cách giữa).

Trong một báo cáo gửi Quốc hội Mỹ vào năm 2007 về "Độ chói ban đêm và hiệu suất lái xe", Cục An toàn giao thông đường cao tốc Mỹ đã nhấn mạnh đường cao tốc 2 làn xe (không có dải phân cách giữa) có nhiều rủi ro nhất khi lái xe vào ban đêm.

Loại đường này thường không có điện chiếu sáng và tài xế không thể tránh được việc bị lóa mắt vì đèn pha của xe đi ngược chiều.