1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nguyên Chủ tịch Đà Nẵng “cấp phép” cải tạo đất trước khi nghỉ hưu có đúng thẩm quyền?

(Dân trí) - Dư luận đang xôn xao trước việc ông Văn Hữu Chiến - nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - trước khi nghỉ hưu đã ký các văn bản “cấp phép” cho các hộ dân cải tạo đất tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Ông Chiến làm như vậy có đúng thẩm quyền?

Ký trước ngày nghỉ hưu

Trước ngày nghỉ hưu (ông Chiến nghỉ hưu ngày 1/1/2015), ông Chiến đã ký các văn bản đồng ý chủ trương cho các hộ dân khai thác đất trên địa bàn xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang).

Cụ thể, văn bản ông Chiến ký ngày 29/12/2014 đã đồng ý chủ trương theo đề xuất của UBND huyện Hòa Vang tại Tờ trình số 492/TTr-UBND ngày 26/12/2014 về việc cho phép nhóm hộ dân do ông Nguyễn Duy Vinh làm đại diện được cải tạo mặt bằng đất đồi gò thôn Hòa Phước (xã Hòa Phú) để sản xuất nông nghiệp. 

Văn bản cũng giao UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động cải tạo theo chủ trương nêu trên đảm bảo cảnh quan và vệ sinh môi trường khu vực. Yêu cầu nhóm hộ dân do ông Nguyễn Duy Vinh làm đại diện lập phương án cải tạo, vận chuyển đất thừa đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thực hiện; nguồn đất thừa trong quá trình cải tạo chỉ được sử dụng làm vật liệu san lấp các công trình trên dịa bàn huyện Hòa Vang, không được vận chuyển khỏi địa bàn TP Đà Nẵng.

Hoạt động cải tạo, khai thác đất tại thôn Hòa Phước đã bị đình chỉ

Hoạt động cải tạo, khai thác đất tại thôn Hòa Phước đã bị đình chỉ

Tương tự, tại văn bản ký ngày 30/12/2014, ông Chiến đã đồng ý chủ trương về việc cho phép nhóm hộ dân do ông Trần Quá làm đại diện được cải tạo đất nuôi trồng thủy sản tại thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (theo chủ trương của UBND thành phố tại công văn số 7338/UBND-QLĐTh ngày 18/12/2014) và tận dụng lượng đất sét thừa để cung cấp cho các nhà máy gạch trên địa bàn huyện Hòa Vang (phù hợp với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 898/TTr-STNMT ngày 11/11/2014). Giao UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động cải tạo của nhóm hộ dân do ông Trần Quá làm đại diện; yêu cầu nhóm hộ dân do ông Trần Quá làm đại diện lập phương án cải tại, vận chuyển đất thừa phải đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thực hiện…; đồng thời nguồn đất sét dư thừa trong quá trình cải tạo chỉ được cung cấp cho nhà máy gạch trên địa bàn huyện Hòa Vang, không được vận chuyển ra khỏi địa bàn TP Đà Nẵng.

Xe múc đất đã được đưa vào trong góc vì không hoạt động.

Xe múc đất đã được đưa vào trong góc vì không hoạt động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường - cho biết, Sở không tham mưu cho thành phố đồng ý chủ trương cho các hộ dân trên khai thác. Tờ trình của Sở là có thật nhưng Sở chỉ tham mưu cho doanh nghiệp được khai thác nhưng thành phố lại đồng ý cho người dân khai thác.

Sau khi được ông Chiến đồng ý chủ trương cho phép cải tạo đất, các hộ dân ở đây đã bán lại cho các doanh nghiệp.

Ông Trần Quá - đại diện cho nhóm hộ dân được cải tạo đất nuôi trồng thủy sản - cho biết: “Đất ruộng ni trong quá trình làm lúa không đem lại hiệu quả, chuột phá hoại nhiều. Vì thế, người dân đã thống nhất cải tạo để nuôi cá. Tui là người được bầu ra làm người đại diện cho nhóm. Tất cả các giấy tờ thủ tục đều do công ty họ lo (ông Quá không nhớ tên chính xác của công ty) vì chúng tôi là nông dân nên không hiểu mấy cái giấy tờ, thủ tục đó, lại không có thời gian đi lại”.

Chúng tôi đặt câu hỏi: “Tại sao thành phố đồng ý cho mình khai thác mà giấy tờ lại cho công ty lo?”. Ông Quá nói: “Đất thừa mình không biết đổ đi đâu nên mình bán lại cho họ để họ vận chuyển đất đi, trả lại mặt bằng cho mình. Còn họ chở đất đi đâu thì mình không biết”.

Chị Trần Thị Lê (trú thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú) cho biết, chị là một trong hộ số dân trong nhóm được cải tạo đất do ông Trần Duy Vinh làm đại diện. Đất ở đây là đồi cao, người dân trồng cây phải leo cao và phải thường xuyên chặt cây chồi. Mọi người đã thống nhất xin được cải tạo. Đất dư thừa này mọi người bán lại cho một công ty khai thác với giá 200 triệu đồng. Số tiền này được dùng vào việc tu bổ đình làng.

"Đúng thẩm quyền"

Theo ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến ký các văn bản trên là đúng với thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố, dựa trên đơn kiến nghị của người dân và tham mưu của các sở, ngành. Ông Chiến còn 1 ngày làm việc cũng phải làm hết trách nhiệm của mình. Không thể nói sắp về hưu nên không làm gì cả.

Văn bản ông Chiến ký đồng ý cho các hộ dân cải tạo đất trước khi về hưu

Văn bản ông Chiến ký đồng ý cho các hộ dân cải tạo đất trước khi về hưu

Việc UBND huyện Hoà Vang gửi thẳng tờ trình xin thành phố cho cải tạo đất không qua Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn đúng với quy định. Ngoài ra, cải tạo đất còn để lấy đất cung cấp cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị các địa phương giúp đỡ.

“Anh Chiến đồng ý về mặt chủ trương không đồng nghĩa là đã cấp phép. Đúng ra sau khi thẩm định xong mới cho phép khai thác và ai được chọn khai khác. Tuy nhiên ngày 11/3, chúng tôi đi kiểm tra thì thấy các hộ ở đây làm không đúng quy định, tự khai thác trước khi được cấp phép. Các cấp sở tại như UBND xã Hoà Phú, UBND huyện Hoà Vang đã làm việc thiếu trách nhiệm. Vì thế, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ có ký quyết định đình chỉ hoạt động của các hộ dân trên trong ngày 11/3.

Đình chỉ hoạt động cải tạo đất

Ngày 11/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có quyết định đình chỉ ngay hoạt động cải tạo mặt bằng đất đồi gò để sản xuất nông nghiệp, hoạt động cải tạo nuôi trồng thủy sản, tận dụng đất sét dư thừa để cung cấp cho các Nhà máy gạch của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thông Hòa Phước (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang).

Quyết định cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện nghiêm và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Quyết định đình chỉ hoạt động cải tạo đất do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký

Quyết định đình chỉ hoạt động cải tạo đất do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký

Công an các thành phố chỉ đạo các đơn vị và công an các địa phương tăng cường kiểm tra việc khai thác vận chuyển khoáng sản không đúng thẩm quyền. Phối hợp với các ngành chức năng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Kể từ nay, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP trong việc trình các trường hợp cho phép cải tạo mặt bằng, đồi gò cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, khai thác vận chuyển khoáng sản không đảm bảo tiêu chí theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - cho biết, ngày 12/3, huyện đã họp dân và đọc quyết định đình chỉ cho các doanh nghiệp nghe.

Theo quan sát của phóng viên, sáng nay 13/3, những điểm khai thác trên đã ngừng hoạt động.

Khánh Hồng