1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nguy hiểm từ nguồn khí trong lòng đất

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở Trà Vinh đã sử dụng nguồn khí thiên nhiên từ lòng đất để nấu nướng hằng ngày. Tuy nhiên, loại khí này có thể cháy nổ bất cứ lúc nào và cũng chưa ai thẩm định nó có gây hại gì cho môi trường và sức khỏe hay không.

Khoan giếng nước ra... gas!

 

Ông Trần Văn Vị, ngụ tại ấp Phú Đức 1, xã Bình Phú, huyện Càng Long (Trà Vinh) kể: “Năm 2003, do nguồn nước sinh hoạt ngày càng ô nhiễm, tôi liền khoan giếng. Khi khoan sâu khoảng 40m, đất xung quanh bỗng chuyển động, phát ra tiếng ùng ục khiến nhiều người hoảng sợ bỏ chạy. Lát sau, bùn đất lẫn khí lạnh từ dưới đất phun lên cao gần 20m.

 

Xung quanh khu vực giếng khoan gần 50m2 có nhiều khe nứt, khi châm lửa gần thì phát cháy. Lúc đầu lỗ giếng phá ra chu vi khoảng 3m, sâu khoảng 6m, bên dưới có bùn, cát và chất gì lợn cợn như dầu và rất lạnh...”.

 

Ông Vị cho biết nhiều người dân địa phương đã kéo đến xem, ai nấy đều kinh hoàng vì tiếng kêu hú và chuyển động của khu đất. Khi biết đây là một loại khí thiên nhiên giống gas, ông lấy mô tơ bơm lên nghiên cứu sử dụng. Sau đó, ông đặt ống dẫn khí dùng đun nấu đến nay.

 

Hiện nay, tại ấp Phú Đức 1 và Phú Đức 2 có hàng trăm hộ dân sử dụng khí thiên nhiên này để đun nấu. Nhiều gia đình khoan giếng vừa sử dụng được nước vừa có cả khí để xài.

 

Anh Nguyễn Văn Kiệu, ở ấp Phú Đức 2, phấn khởi: “Thấy có lợi, nhiều người cũng khoan giếng tìm khí”. Nhiều người còn tìm cách trữ khí để kinh doanh, vì sử dụng suốt ngày cũng không hết.

 

Cách làm hệ thống khai thác khí của người dân địa phương khá đơn giản. Chỉ cần khoan giếng hoặc gia cố xung quanh ống dẫn nước của giếng khoan cho dẽ đất, sau đó đặt một ống nhỏ hoặc xô nước, bình nhựa cắt miệng úp xuống, đổ bê tông xung quanh để chứa khí và chế ra bếp nấu.

 

Một cách khác là dẫn khí từ lòng đất qua ống lên trữ vào một bao ni lông, dẫn tiếp qua bếp có van điều chỉnh.

 

Anh Huỳnh Kim Tố, người thiết kế hệ thống lưu dẫn khí cho các gia đình, cho biết: “Chế bếp đun cũng đơn giản thôi, dùng đất nặn lò hoặc lấy tấm bê tông đục lỗ gắn ống đồng, lon sữa vào...”.

 

Nguy hiểm rình rập

 

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng khí thiên nhiên ở 2 ấp tại xã Bình Phú không bảo đảm an toàn. Các phương tiện người dân dùng để chứa khí, nấu nướng rất dễ xảy ra tai nạn. Đó chỉ đơn giản là bao ni lông mỏng và các bếp tự tạo. Nhà nào cũng trữ bao khí vài chục kg; các bếp tự tạo thì trẻ em cũng dùng vô tư. Tuy hệ thống sử dụng khí thiên nhiên của từng hộ có van điều chỉnh có thể xả khi khí đầy, nhưng không ai bảo đảm sự cố không xảy ra.

 

Nhiều người dân ở ấp Phú Đức 1 và Phú Đức 2 tuy hằng ngày vẫn dùng khí thiên nhiên, song cũng không giấu được lo ngại, vì ngoài việc có thể gây hỏa hoạn bất cứ lúc nào, chẳng ai biết loại khí này có gây tác hại gì đến môi trường, sức khỏe hay không.

 

Ông Lữ Quang Sáu, Chủ tịch UBND xã Bình Phú, lo lắng: “UBND xã đã đề nghị cán bộ khoa học về nghiên cứu, phân tích xem loại khí này có ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân hay không. Nếu sử dụng được thì phải tìm cách khai thác, sử dụng, dự trữ an toàn hơn, vì nó rất dễ gây hỏa hoạn, nhất là vào mùa khô”.

 

Hiện tượng thiên nhiên thường gặp

 

Nhiều người dân xã Bình Phú, huyện Càng Long - Trà Vinh cho rằng trước đây ở khu vực ấp Phú Đức 1, Phú Đức 2 có nhiều cây lá bị phân hủy vào lòng đất, lâu ngày tạo thành khí đốt thiên nhiên.

 

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, việc khoan giếng gặp khí đốt ở xã Bình Phú là hiện tượng thiên nhiên thường gặp khi khoan giếng nước ngầm ở khu vực ĐBSCL. Trong quá trình phân hủy, các loại thực vật đầm lầy tạo ra hỗn hợp khí, trữ lượng không nhiều, trải trên một diện tích không lớn, dạng túi. Mái trên và dưới là các tầng đất sét cách ly, khi khoan đụng đến khí này sẽ phụt lên.

 

Theo Sơn Đông - Đức Khánh

Người Lao Động