1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Nguy cơ thị trường BĐS bị “thôn tính”?

Tình hình thiếu vốn của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nội do ảnh hưởng của chủ trương thắt chặt tiền tệ đang mở ra cơ hội cho luồng vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường nhắm đến BĐS.

Khả năng bị “thôn tính” khó xảy ra

Kịch bản chung cho các chủ đầu tư dự án trong nước hiện nay là phải mời thêm người góp vốn hoặc chuyển nhượng dự án, và nhà đầu tư nước ngoài đang có ưu thế để đàm phán mua hàng giá rẻ.

Theo ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty Thương mại Địa ốc Thanh Bình, có một số trường hợp chủ đầu tư thậm chí muốn bán dưới giá vốn nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn... không vội vàng gì, vì họ cho rằng vẫn chưa tới thời điểm giá hàng (bất động sản) tụt đến đáy!

Thời gian gần đây, thị trường đã chứng kiến sự xuất hiện của những dự án vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ riêng quí 1-2008, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản lên đến 5,1 tỉ USD, chiếm 88% trong tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Con số này thậm chí nhỉnh hơn cả tổng vốn FDI đổ vào bất động sản năm 2007.

Trước tình hình đó, một số người tỏ ra lo ngại thị trường sẽ mau chóng bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng con số vốn đầu tư nước ngoài ở trên chỉ là vốn đăng ký, chưa phản ánh được thực chất thị trường. Số vốn này còn phải giải ngân trong nhiều năm.

Hơn nữa, phần lớn diện tích dự án được cấp phép đầu tư được lấy từ quỹ đất “sạch” và chỉ chiếm phần nhỏ trong quy hoạch sử dụng đất của quốc gia. Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng dự án của các chủ đầu tư trong nước cũng không dễ, không phải cứ muốn bán giá rẻ là được, mà phần lớn dự án đều chưa xong khâu đền bù giải tỏa, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn...“đất sạch”!

Theo ông Hồ Đắc Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn bất động sản Vinaland, nhà đầu tư nước ngoài thường rất cẩn trọng. Họ chỉ tìm kiếm những đối tác có năng lực và đáng tin cậy cũng như chỉ đổ tiền vào những dự án có pháp lý minh bạch trong khi số dự án thỏa những điều kiện này trên thực tế không nhiều.

Hành lang pháp lý gỡ rối cho Luật Đất đai 2003 vốn khá khắt khe với đầu tư nước ngoài lẫn hoạt động chuyển nhượng dự án cho đến nay vẫn chưa được bổ sung đầy đủ. Điều này cũng phần nào lý giải cho sự “đủng đỉnh” của nhà đầu tư nước ngoài trước sự mời mọc chuyển nhượng dự án.

Hại ít, lợi nhiều

Hiện đang có luồng ý kiến cho rằng Nhà nước phải nhanh chóng có chính sách tiền tệ phù hợp, quy định mức dư nợ cho vay bất động sản an toàn để mở tín dụng đầu tư trở lại cho doanh nghiệp trong nước. Theo luồng ý kiến này, một khi doanh nghiệp trong nước phải rút lui gần hết thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ thống lĩnh thị trường.

Lợi nhuận đầu tư, khai thác sản phẩm bất động sản là rất lớn sẽ được người nước ngoài chuyển hết về nước. Và sau khi đã khai thác kiệt quệ dự án trong vòng vài chục năm, những thứ còn lại chỉ còn là cái xác!

Một nhà doanh nghiệp bất động sản trong nước băn khoăn: “Nếu Nhà nước không khống chế vốn đầu tư nước ngoài ở mức an toàn thì thị trường sẽ bị họ lũng đoạn, khả năng họ sẽ thao túng giá cả ở những phân khúc sản phẩm có thế mạnh mà doanh nghiệp Việt Nam chưa vươn tới được là rất lớn”.Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng đồng quan điểm như vậy.

Ông Hoàng Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Conic, cho rằng thị trường có sự tham gia của những tập đoàn bất động sản dày dạn kinh nghiệm từ nước ngoài sẽ nhanh chóng hình thành những khu đô thị, khu dân cư bài bản, đẹp đẽ, những công trình kiến trúc đẳng cấp, chất lượng. Doanh nghiệp trong nước qua đó có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm quản lý và công nghệ hiện đại.

Đó là chưa kể sự tham gia này có thể giúp giải quyết bài toán nan giải về vốn đầu tư hiện nay. Điều này vẫn tốt hơn khuynh hướng thay đổi thiết kế, quy hoạch kiến trúc nhằm cắt giảm đầu tư mà một số chủ dự án trong nước chuẩn bị thực hiện.

Theo ông Dũng, lợi nhuận là quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư miễn là Nhà nước kiểm soát được hoạt động đầu tư, kinh doanh của họ theo đúng pháp luật, “bởi nhà đầu tư nào cũng phải có nghĩa vụ về thuế, cũng góp phần tạo công ăn việc làm và là một phần trong cơ cấu phát triển kinh tế”.

Ông Đặng Hoàng Vũ cũng cho rằng vốn trong nước hay nước ngoài, ai đầu tư bao nhiêu không quan trọng. Vấn đề là Nhà nước phải có quy hoạch sử dụng đất dài hạn, nắm được nhu cầu về bất động sản nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và trung thành với quy hoạch đó.

Theo Thanh Phương
Thời báo Kinh tế Sài Gòn