NĐT nước ngoài ráo riết săn dự án bất động sản
Các NĐT nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư đang “lùng sục” các dự án căn hộ, văn phòng, trung tâm mua sắm, sân golf để đầu tư. Phần lớn các NĐT nước ngoài chỉ chú ý đến các dự án xây dựng cao ốc ở trung tâm Hà Nội và TPHCM, hay những dự án khu đô thị lớn đã hoàn thành giải phóng mặt bằng ...
Những khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm và giải phóng mặt bằng khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đang ráo riết săn lùng để mua lại các dự án bất động sản của các nhà đầu tư trong nước.
Để tận dụng cơ hội này, một số NĐT trong nước đã chọn cách bán lại dự án bằng cách liên doanh với NĐT nước ngoài, nhưng cũng có không ít nhà đầu tư lựa chọn phương thức kêu gọi vốn từ trong nước.
Chỉ trong một tháng, Công ty Keppel Land (Singapore) đã ký 2 hợp đồng liên doanh với các đối tác trong nước để phát triển các dự án nhà ở tại TPHCM.
Vào giữa tháng 4, Harrisonburg, thành viên của Keppel Land, đã thành lập liên doanh với An Phú Corporation để đầu tư dự án khu căn hộ cao cấp trên diện tích 1,74 ha ở quận 2 (Tp.HCM) với vốn pháp định là 14,4 triệu USD, trong đó, Harrisonburg góp 60%. Liên doanh sẽ đầu tư 80 triệu USD xây dựng 500 căn hộ cao cấp để bán vào đầu năm tới.
Trước đó 2 tuần, Keppel Land cũng ký hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH Tiến Phước để đầu tư 106 triệu USD xây dựng 1.500 - 1.600 căn hộ cao cấp để bán tại quận 2.
Hai dự án trên là những ví dụ điển hình cho xu hướng NĐT nước ngoài mua lại dự án của các nhà đầu tư trong nước có vị trí tốt. Vì việc chuyển nhượng hoàn toàn dự án cho phía đối tác nước ngoài không khả thi trong thời điểm hiện nay, nên hình thức phổ biến là các nhà đầu tư nước ngoài thành lập liên doanh với các đối tác trong nước, trong đó, cổ phần chi phối thuộc về các NĐT nước ngoài.
Những minh chứng cho việc “thôn tính” dự án bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều. Cách đây 2 năm, Hải An Corporation đã tung ra thị trường dự án căn hộ cao cấp Orchard Garden tại Quận 2.
Nhưng do thị trường ảm đạm nên tình hình kinh doanh không sáng sủa và hiện nay, cái tên “Orchard Garden” không còn xuất hiện trên thị trường. Nhưng không phải dự án đã biến mất, mà tái xuất hiện với cái tên mới là River Garden sau khi Indochina Land Holding mua lại trên 90% cổ phần của dự án 206 căn hộ này.
Theo ghi nhận, các NĐT nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư đang “lùng sục” các dự án căn hộ, văn phòng, trung tâm mua sắm, sân golf để đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Công ty Indochina Capital, các nhà đầu tư nước ngoài không thể “nhảy dù” vào các khu đất để làm dự án, mà việc tìm kiếm những khu đất có vị trí tốt là thách thức lớn nhất đối với họ.
Sức ép giải ngân của các quỹ đầu tư nước ngoài cũng rất lớn, vì khi gây quỹ, các công ty quản lý quỹ thường phải cam kết với các nhà đầu tư là sẽ giải ngân hết trong một thời gian ngắn, thông thường là một năm. Vì chưa có nhiều dự án đã hoạt động để mua lại, nên các NĐT nước ngoài thường chọn cách liên doanh với các đối tác trong nước để cùng phát triển dự án từ đầu.
Xu hướng đó là cơ hội đối với các nhà đầu tư trong nước đang gặp khó khăn về vốn để phát triển dự án. Mặc dù vậy, không phải dự án nào cũng được nhà đầu tư nước ngoài “để mắt” đến.
Phần lớn các NĐT nước ngoài chỉ chú ý đến các dự án xây dựng cao ốc ở trung tâm Hà Nội và TPHCM, hay những dự án khu đô thị lớn đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, hoặc đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chỉ cần có vốn là tiến hành đầu tư ngay.
Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp trong nước nào cũng phải bắt tay với các NĐT nước ngoài, thì mới có vốn để phát triển dự án bất động sản. Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách huy động vốn trong nước bằng cách chuyển đổi hình thức doanh nghiệp từ trách nhiệm hữu hạn sang cổ phần, hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Công ty TNHH Thuỳ Dương, chủ đầu tư của dự án tháp đôi căn hộ và trung tâm mua sắm TD Plaza tại Hải Phòng, đã chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Đầu tư Thuỳ Dương và chính thức ra mắt cuối tuần qua với sự tham gia của các cổ đông chiến lược là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential, Quỹ Đầu tư tài chính Vina và Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái.
Ông Nguyễn Văn Luân, Tổng giám đốc Thuỳ Dương, cho biết, sự chuyển đổi này là một tiến triển tất yếu để có thể hợp lực được vốn, kinh nghiệm kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
Theo Ngọc Sơn
Báo Đầu tư