1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nguy cơ sóng thần vùng bờ biển Việt Nam

Có bờ biển dài đến 3.000 km, động đất và sóng thần ở Việt Nam là yếu tố cần tính đến để tránh những thảm họa.

Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang thực hiện công trình nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm của động đất và sóng thần vùng bờ biển Việt Nam.

 

Theo Viện Vật lý - Địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Việt Nam nằm ở rìa phía đông nam lục địa châu Á, trải dài trên 2.000 km, được coi là có tính địa chấn trung bình. Tuy vậy, miền Bắc Việt Nam cũng đã xảy ra hai trận động đất mạnh tới 6,7-6,8 độ Richter (vào năm 1935 và 1983) gây phá hủy trên một vùng rộng lớn tới 13.000 km2. Gần đây nhất, vào năm 2001, một trận động đất 5,3 độ Richter xảy ra tại phía tây thành phố Điện Biên đã gây hư hại hơn 2.000 nhà cửa.

 

Mới đây nhất, trận động đất mạnh gây ra những đợt sóng thần chiều 17/7 đã phá huỷ nhiều nhà cửa và làm hơn 300 người trên đảo Java của Indonesia thiệt mạng. Con số nạn nhân sẽ tiếp tục tăng lên bởi hiện hơn 160 người vẫn bị mất tích.

Năm 2005, chuỗi động đất 4,5 - 5,1 độ Richter xảy ra liên tiếp trong các tháng 8, 10 và 11 ở vùng biển Vũng Tàu - Phan Thiết đã làm rung chuyển trên diện rộng khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ gây hoảng loạn không chỉ tại nơi gần tâm động đất là Vũng Tàu - Phan Thiết mà còn lan rộng đến TPHCM.

 

Bên cạnh các yếu tố tự nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo về các yếu tố con người trong quá trình khai thác tài nguyên có tác động đến môi trường địa chất làm tăng các khả năng xuất hiện các động đất kích thích, ví dụ như: khai thác dầu khí. Một yếu tố quan trọng khác là, Việt Nam có dải bờ biển dài đến 3.000 km, nguy cơ sóng thần cũng cần được tính đến để tránh những thảm họa.

 

Các nhà khoa học của Viện Vật lý - Địa cầu - những người thực hiện đề tài "Đánh giá độ nguy hiểm động đất và sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam", cho biết: với bờ biển Việt Nam, nguy cơ sóng thần xuất phát từ một số vùng nguồn trong biển Đông. Vùng nguồn sóng thần lớn nhất trong vùng biển Đông là các đới hút chìm ở vùng biển phía tây Philippines.

 

Động đất trong đới này và trong vùng biển Đông nói chung có đặc điểm: động đất trên 5 độ Richter là 3 năm/lần; trên 5,5 độ Richter là 7 năm/lần; trên 6 độ Richter là 20 năm/lần; trên 6,5 độ Richter là 60 năm/lần. Động đất cực đại được dự báo là 7 độ Richter. Tuy nhiên, tần suất động đất trong vùng biển Việt Nam thấp hơn trong toàn vùng biển Đông rất nhiều, chỉ bằng 1/20. Nó cũng thấp hơn nhiều so với tần suất lặp lại động đất trên đất liền (chỉ bằng 1/2).

 

Mặc dù chưa phát hiện thấy sóng thần ở Việt Nam trong các trận động đất sóng thần ở các đới hút chìm tây Philippines, nhưng vẫn phải coi các đới này là nguồn sóng thần đe dọa vùng bờ biển Việt Nam.

 

PGS.TS Phạm Văn Thục, nguyên cán bộ khoa học của Viện Vật lý - Địa cầu, người nhiều năm nghiên cứu về động đất, sóng thần đã có ước tính về thời gian, độ cao cực đại sóng thần truyền từ đới này đến một số vùng của bờ biển Việt Nam. Kết quả cho thấy: sóng truyền đến Nha Trang mất 2 giờ 12 phút, độ cao 1,5m; đến bờ biển đồng bằng sông Hồng là 5 giờ 30 phút, độ cao 2m; đến bờ biển đồng bằng sông Cửu Long là 5 giờ 25 phút, độ cao 4m.

 

Theo Liên Châu
Thanh Niên