1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Tĩnh:

Nguy cơ ô nhiễm hồ chứa nước Ngàn Trươi: Tắc trách của chủ đầu tư?

(Dân trí) - Một trong những yêu cầu bắt buộc mà Bộ TN&MT đưa ra cho chủ đầu tư hồ chứa nước Ngàn Trươi (thuộc Đại dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang) là phải thu dọn vệ sinh lòng hồ đảm bảo sau khi tích nước đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã làm trái quyết định khiến hồ Ngàn Trươi đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng.

Làm trái quyết định của Bộ TN-MT

Hồ đầu mối chứa nước Ngàn Trươi, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh có dung tích lên đến 775 triệu m3 do BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 (Ban thủy lợi 4, Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 3.212 tỷ đồng. Đây là công trình được Bộ Chính trị, Chính phủ xác định là một trong những công trình hạ tầng trọng điểm, cấp bách, đa mục tiêu. Còn Bộ NN&PTNT xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của Bộ trước Đảng, nhà nước và nhân dân.

Mặc dù có tầm quan trọng như vậy, nhưng mục tiêu khi dự án được phê duyệt “công trình đa mục tiêu” khó lòng đạt được khi nguồn nước của hồ sau khi tích nước đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng do việc thực hiện thu dọn vệ sinh lòng hồ không đảm bảo. Đặc biệt ở một số địa điểm, các đơn vị thi công không thực hiện việc nạo vét khiến cây cối bị nhấn chìm, phân hủy khiến nước đổi màu nâu đen, bốc mùi hôi thối.

Ngoài ra, khối lượng gỗ và tre nứa trong hồ rất nhiều, do đó, sau khi tích nước, một thời gian sau sẽ dồn về thân đập, cống và tràn xả lũ gây cản trở dòng chảy và mất an toàn công trình.

Một lượng lớn cây cối, thực bì trôi nổi trong lòng hồ Ngàn Trươi. Đây chính là nguyên nhân khiến nước trong hồ không thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt của người dân.
Một lượng lớn cây cối, thực bì trôi nổi trong lòng hồ Ngàn Trươi. Đây chính là nguyên nhân khiến nước trong hồ không thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt của người dân.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng lo ngại nêu trên xuất phát từ việc chủ đầu tư khi làm trái với yêu cầu bắt buộc mà Bộ TN-MT đưa ra đối với dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang.

Tại điểm 2, điểm 3, điều 2 trong Quyết định 1335/QĐ-BTNMT do phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang” do Vụ trưởng vụ Thẩm định và Đánh giá tác động Môi trường Nguyễn Khắc Kinh ký ngày 2/7/2008 về việc nêu rõ: “Chủ dự án có trách nhiệm tổ chức thu dọn khu vực lòng hồ đảm bảo nguồn nước sau khi tích nước có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước phục vụ mục đích sinh hoạt; Thực hiện việc tích nước vào hồ theo nguyên tắc đảm bảo các loại khoáng sản, tài nguyên rừng trong khu vực lòng hồ đã được khai thác, tận thu một cách tối đa và các di tích lịch sử văn hóa trong lòng hồ đã được di dời khỏi lòng hồ”. Thế nhưng, yêu cầu có tính bắt buộc nêu trên đã không được chủ đầu tư Ban thủy lợi 4, Bộ NN&PTNT nghiêm túc thực hiện.

Quyết định của Bộ TNMT đã không được chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc. Đấy cũng là lí do khiến hồ chứa nước Ngàn Trươi khó trở thành công trình đa mục tiêu.
Quyết định của Bộ TNMT đã không được chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc. Đấy cũng là lí do khiến hồ chứa nước Ngàn Trươi khó trở thành công trình đa mục tiêu.

Theo tính toán để nguồn nước trong lòng hồ sau khi tích nước đảm bảo cả phục vụ sinh hoạt cho người dân hưởng lợi như dự án được phê duyệt chủ đầu tư cần phải dọn dẹp hơn 3.500 ha rừng trong lòng hồ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chủ đầu tư chỉ cho nhà thầu Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thực hiện dọn dẹp 1.659 ha, đạt 47%, gần 2.000 ha còn lại đã và sẽ chìm dưới nước.

Không những thế, số diện tích đã dọn dẹp cũng không làm đúng như yêu cầu mà Bộ TN-MT đặt ra. Tại nhiều khoảnh rừng thuộc vùng thượng huyện Vũ Quang, do việc thu dọn vệ sinh không đảm bảo nên hiện có rất nhiều thân cây gỗ, lá cây, mảng thực bì nổi trôi dập dềnh trong lòng hồ Ngàn Trươi.

Sai phạm nêu trên được ông Trần Văn Minh – Phó BQL Dự án đầu tư và XD Thuỷ lợi 4 (Bộ NN&PTNT) thừa nhận trong buổi làm việc với PV Dân trí chiều ngày 29/3. Tuy nhiên, theo ông Minh, sai phạm của chủ đầu tư là do Bộ NN&PTNT đến nay chỉ phê duyệt cho dọn dẹp 1.659 ha rừng.

"Chúng tôi đã khảo sát, trình Bộ NN&PTNT xin chủ trương dọn dẹp, vệ sinh hơn 3.500 ha lòng hồ, tuy nhiên, Bộ NN&PTNT chỉ cho dọn dẹp 1.659 ha, còn lại gần 2.000 ha không được phê duyệt" - ông Minh nói.

PV Dân trí làm việc với BQL Dự án đầu tư và XD Thuỷ lợi 4, chủ đầu tư Hồ chứa nước Ngàn Trươi (ảnh: Tiến Hiệp)
PV Dân trí làm việc với BQL Dự án đầu tư và XD Thuỷ lợi 4, chủ đầu tư Hồ chứa nước Ngàn Trươi (ảnh: Tiến Hiệp)

Về thực trạng một lượng rất lớn cây cối, mảng thực bì nổi trôi dập dềnh trong lòng hồ, ông Minh nêu ra hai lí do. Đầu tiên là quá trình dọn dẹp, nạo vét 1.659 ha (kinh phí khoảng 35 tỷ đồng, do Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thực hiện) gặp khó khăn về điều kiện thời tiết, một số diện tích đã chặt dọn không được đốt, thực bì chưa được dọn, khi tích nước gỗ tạp và thực bì đã nổi lên lòng hồ.

Ngoài ra, trước đó do quá trình khảo sát, đơn vị chủ đầu tư đã không tính đến phần cây cối trong vườn, nhà của các hộ dân trong lòng hồ trước khi di dời dẫn đến một số thủ tục phát sinh sau này không được giải quyết và diện tích đó không được chặt dọn.

Một nguyên nhân khác, theo ông Minh, đó là trước khi đơn vị khảo sát lập dự án nạo vét lòng hồ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho 4 công ty đấu thầu tận thu lâm sản trong vùng bị ảnh hưởng. Theo dự tính thì có gần 75.000 m3 gỗ, tuy nhiên các nhà thầu chỉ đốn hạ được khoảng 23.000 m3 và mới chỉ vận chuyển ra khỏi khu vực lòng hồ là 11.000 m3.

“Một khối lượng lớn gỗ chưa được chuyển ra ngoài, cộng với cành ngọn không được thu dọn, nên khi chặn dòng nước trong hồ chứa dâng lên các cây gỗ, thực bì trôi nổi trong lòng hồ” – ông Minh nói.

Ông Minh thừa nhận với những gì đang diễn ra thì hồ chứa nước Ngàn Trươi khó lòng đảm bảo công trình đa mục tiêu khi mà hàm lượng oxy hoà tan trong nước DO (Dessolved Oxygen) không đạt chuẩn D0 bằng 5 để cấp nước cho dân.

“Hiện tại mực tích nước tại hồ chứa khoảng 65 triệu m3, nằm ở cao trình 24,5. Nếu nước dâng lên ở cao trình 52 theo thiết kế thì toàn bộ 2.000 ha rừng bị ảnh hưởng sẽ bị ngập hết. Thực vật phân hủy, khiến nước trong lòng hồ hôi thối và không thể đạt tiêu chuẩn để cấp nước sinh hoạt” – ông Minh nói.

Hà Tĩnh chỉ đạo khẩn

Trước những lo ngại về nguồn nước tại hồ Ngàn Trươi có nguy cơ bị ô nhiễm, không đạt tiêu chuẩn để cấp nước sinh hoạt cho người dân và sai với dự án được phê duyệt là đa mục tiêu, mới đây Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh tiến hành kiểm tra thực tế tại dự án này.

Năm 20145, Hà Tĩnh từng đề nghị chủ đầu tư chọn phương án thu dọn 100% lòng hồ để bảo đảm an toàn, thế nhưng chủ đầu tư đã không thực hiện.
Năm 20145, Hà Tĩnh từng đề nghị chủ đầu tư chọn phương án thu dọn 100% lòng hồ để bảo đảm an toàn, thế nhưng chủ đầu tư đã không thực hiện.

Trao đổi với PV Dân trí vào sáng ngày 31/3, ông Sơn cho hay, thực trạng mà người dân và báo chí phản ánh là có cơ sở, nếu hiện trạng như thế này không được chủ đầu tư là Ban Thủy lợi 4 và Bộ NN&PTNT điều chỉnh thì hồ chứa nước Ngàn Trươi khó lòng đảm bảo công trình đa mục tiêu. Vì thế, ông Sơn cho biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu Ban Thủy lợi 4 phải hoàn thành việc thu dọn, vệ sinh lòng hồ Ngàn Trươi đúng với phê duyệt, đảm bảo môi trường nguồn nước.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT cho sử dụng nguồn vốn kết dư từ dự án “Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang” để tiếp tục thu giọn lòng hồ Ngàn Trươi đúng như báo cáo đánh giá tác động môi trường mà Bộ TNMT đã phê duyệt.

Văn Dũng – Tiến Hiệp