Thanh Hoá:

Nguy cơ mất rừng phòng hộ ven biển

(Dân trí) - Mặc dù đang là thời điểm mùa mưa bão, thế nhưng vừa qua, trên địa bàn xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã xảy ra tình trạng nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị người dân ngang nhiên chặt phá.

Phá rừng tại nơi từng vỡ đê

Nhiều bà con xã Đa Lộc không khỏi lo ngại việc rừng phòng hộ ven biển với hàng trăm cây phi lao đang dần bị chặt phá hết trong khi đó mùa mưa bão đang đến gần. Không những thế, chính tại nơi đây, trong lịch sử đã xảy ra trận vỡ đê năm 2005 khiến hàng ngàn hộ dân của các xã Đa Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc chìm trong biển nước.

Được biết, những cây phi lao này có độ tuổi khoảng 10 - 15 năm tuổi, nhiều cây đường kính rất to đến 20cm, thậm chí có những cây chỉ mới bằng cổ tay cũng bị người dân đốn hạ để bán. Điều đáng nói là việc chặt phá phi lao chắn sóng ven biển của người dân diễn ra một cách công khai mà không một sự can thiệp nào của chính quyền sở tại.

Hàng trăm gốc cây phi lao bị đốn hạ
Hàng trăm gốc cây phi lao bị đốn hạ

Không những chặt cây bán, người dân còn tận thu hết cả gốc về làm củi vì thế mỗi lần sóng đánh vào có thể thấy rất rõ hiểm hoạ rất lớn khi mưa bão đổ về. Ngay điểm đê ở thôn Ninh Phú, nước biển đã ngấp nghé chân đê.

Một người dân ở xã Ngư Lộc, giáp ranh xã Đa Lộc lo lắng: “Ở các xã ven biển chỉ có duy nhất còn xã Đa Lộc là có rừng phi lao nhưng có lẽ tình trạng này thì rừng phi lao cũng chỉ còn là bãi đất trống thôi. Mùa mưa bão đến rồi không biết sẽ tính sao đây”.

 Rừng bị phá nơi điểm xung yếu, bị biển ăn sâu vào chân đê
 Rừng bị phá nơi điểm xung yếu, bị biển ăn sâu vào chân đê

Hiện toàn xã Đa Lộc có 372 ha rừng phòng hộ, trong đó có 16,36 ha rừng phi lao ven biển, còn lại là rừng ngập mặn sú, vẹt. Trong tổng số diện tích rừng phi lao của xã Đa Lộc, có 9 ha được trồng theo dự án 661.

Chính quyền lúng túng

Qua tìm hiểu, được biết, toàn bộ diện tích rừng phi lao ven biển của xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc đã được đưa vào danh mục rừng phòng hộ từ năm 2007 theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5/12/2005 về việc quy hoạch, rà soát lại 3 loại rừng: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất của Thủ tướng Chính phủ.

Trong Chỉ thị này cũng nêu rõ, các loại rừng thuộc diện tích rừng quốc gia bao gồm: Rừng phòng hộ, rừng đặc dùng và rừng sản xuất tự nhiên có trữ lượng giàu, trung bình nhưng phải đóng cửa rừng, cấm khai thác, làm rừng dự trữ quốc gia.

Tỉnh Thanh Hoá cũng đã có quyết định ban hành, sau đó UBND huyện Hậu Lộc rà soát và đưa toàn bộ diện tích đất rừng phi lao ven biển của xã Đa Lộc vào rừng phòng hộ.

Phải vài chục năm mới có được những gốc phi lao như thế này
Phải vài chục năm mới có được những gốc phi lao như thế này

Ông Nguyễn Văn Long, Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã yêu cầu dừng toàn bộ việc khai thác để xem xét, xứ lý. Mặc dù đã được quy hoạch là rừng phòng hộ nhưng trước đó xã đã cho các hộ dân thuê đất và trồng diện tích rừng trên, giờ quy hoạch mà không có chính sách đền bù thì rất khó để xử lý, rừng do họ trồng nên họ có quyền khai thác”.

Ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hà Trung (đơn vị bảo vệ rừng các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn và thị xã Bỉm Sơn), giải thích: “Diện tích rừng trên đã được quy hoạch là rừng phòng hộ, đã là rừng phòng hộ thì phải khai thác theo quy định và kiểm tra nghiêm ngặt việc khai thác. Nhưng cái khó ở đây là trước đó xã Đa Lộc đã cho 28 hộ dân thuê đất từ năm 2000 đến 2014, thu tiền 1 lần với giá 400.000 đồng/sào, vì thế diện tích rừng trên do người dân trồng và bảo vệ, nên rất khó xử lý”.

Đến tháng 6/2014, diện tích thuê đất sẽ hết hạn, nếu không có phương án xử lý thì người dân phá những diện tích rừng còn lại sẽ không thể tránh khỏi. Nguy cơ rừng phòng hộ tuổi đời hàng chục năm sẽ bị xoá sổ trong nay mai.

Nguyễn Thùy- Nguyễn Thanh