1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nguy cơ khủng hoảng đáng lo hơn lạm phát

Vấn đề đáng quan tâm nhất lúc này của Việt Nam có lẽ không phải là lạm phát, mà là tìm cách tránh nguy cơ một cuộc “khủng hoảng tài chính tiềm ẩn”.

Những tín hiệu xấu

 

Thâm hụt thương mại của Việt Nam 4 tháng đầu năm ước tính 11,2 tỷ USD. Đây là con số thực sự báo động nếu xét theo khả năng xấu đi về các nguồn tài trợ vốn ngoại tệ hiện tại.

 

Tính đến hết quý I/2008, Việt Nam nhập siêu 7,4 tỷ USD. Như vậy chỉ riêng trong tháng 4/2008, nhập siêu đã là 3,8 tỷ USD. Nhập siêu với tốc độ tiếp tục tăng cho thấy khả năng kiềm chế nhập siêu dưới 20 tỷ USD của Việt Nam theo kế hoạch khó thành hiện thực.

 

Quan trọng hơn, nhập siêu đang gia tăng trong bối cảnh nguồn tài trợ vốn vào Việt Nam đang ngày một bất ổn và chứa đựng nhiều rủi ro hơn. Tính đến cuối năm 2007, thâm hụt thương mại là 17% GDP. Với tốc độ thâm hụt như hiện nay, ước tính năm 2008 thâm hụt sẽ đạt khoảng 23-25% GDP.

 

Dự báo năm 2008, thâm hụt vãng lai sẽ tăng mạnh theo thâm hụt thương mại, đạt khoảng 15% GDP vào cuối năm 2008. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đây là mức đáng báo động, và là dấu hiệu khủng hoảng của hầu hết các nước châu Á năm 1997. 

 

Dấu hiệu “Thái lan 1997”

 

So sánh với tình hình Thái Lan giai đoạn cuối năm 1996 đầu 1997, trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính Đông Á, ta thấy Việt Nam hiện đang chứa một số dấu hiệu khá tương đồng.

 

Tăng trưởng nóng sau một thời gian dài, GDP tăng trung bình > 8%. Tại Thái Lan nền kinh tế phát triển mạnh thành tình trạng bong bóng khi được bơm bởi các nguồn vốn “nóng”.

 

Dòng vốn ngoại đổ vào mạnh do hấp dẫn về lãi suất và lợi nhuận. Tại Thái Lan vốn đặc biệt đổ vào đầu tư tư nhân nội địa, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chảy quá nhiều vào những lĩnh vực có tính đầu cơ cao như bất động sản (BĐS) và xây dựng văn phòng.

 

Vốn ngắn hạn nước ngoài chiếm phần lớn: Tại Việt Nam chính là các dòng vốn gián tiếp đầu tư qua các Quỹ.

 

Bong bóng bất động sản: rủi ro tiềm tàng lớn nhất, khi khủng hoảng sẽ tác động trực tiếp lên hệ thống tài chính ngân hàng khi hàng loạt người vay mất khả năng trả nợ. Tại Việt Nam hiện nay cho vay BĐS chiếm trên 10% tổng tài sản ngân hàng, song BĐS thế chấp lên tới 50-60% tổng tài sản ngân hàng.

 

Thâm hụt thương mại ngày càng lớn do nhu cầu nhập khẩu tăng trong khi xuất khẩu sụt giảm. Tại Thái Lan và các nước Đông Á xuất khẩu sụt giảm do bị cạnh tranh khốc liệt từ phía Trung Quốc. Hơn nữa việc neo tỉ giá vào USD trong lúc đồng USD lên giá càng làm giảm sự cạnh tranh đối với xuất khẩu.

 

Cơ chế tỷ giá cố định, neo theo đồng USD. Điều này làm cho công cụ chính sách tiền tệ trở nên kém hiệu quả theo quy tắc “bộ ba bất khả thi”  trong lý thuyết tiền tệ, đặc biệt trong trường hợp dòng vốn nước ngoài không ổn định

 

Sự khác nhau đáng chú ý nhất giữa Việt Nam và Thái Lan có lẽ là cơ chế kiểm soát dòng vốn. Thái Lan đã mở cửa tự do dòng vốn bằng việc bãi bỏ kiểm soát vốn từ những năm 90, trong khi tại Việt Nam việc lưu thông dòng vốn ngoại vẫn có những cản trở nhất định (đặc biệt với nguồn vốn đầu tư qua các Quỹ, nhà đầu tư vẫn phải quy đổi sang VND mới có thể đầu tư). Ngoài ra, các quy định hành chính, quy định trên thị trường ngân hàng… khiến cho dòng vốn này chưa thể ra vào tự do và “dễ dãi” được.

 

Đây có thể coi như là Việt Nam đang được mặc một cái “áo giáp” bảo vệ, tuy nặng nề song có khả năng hạn chế được phần nào những cú sốc về cán cân thanh toán.

 

Các nguồn vốn tài trợ

 

Một trong những nguồn đặc biệt quan trọng là nguồn vốn gián tiếp (FII). Đây là nguồn vốn ngắn hạn đầu tư chủ yếu qua các Quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nó cũng chính là nguồn vốn đã kích thích sự nóng lên của thị trường chứng khoán.

 

Nguồn vốn này càng được lưu tâm hơn khi mà tất cả các dòng vốn khác không thể đáp ứng kịp tốc độ thâm hụt thương mại của Việt Nam, đặc biệt trong năm 2008.

 

Dòng vốn FII chảy mạnh vào Việt Nam thông qua thị trường trái phiếu, thị trường vốn, bất động sản. Như vậy có thể thấy dòng vốn FII mang tính đầu cơ cao, và chảy mạnh vào Việt Nam với kỳ vọng mang lại lợi nhuận nhanh chóng và tạo rất nhiều bong bóng kinh tế.

 

Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một số liệu chính xác về dòng vốn FII. Tính đến cuối năm 2007, số liệu của IMF và CEIC ước tính nguồn vốn này khoảng 6-6.5 tỷ USD, và tăng đặc biệt mạnh trong năm 2007.

 

So sánh với lượng vốn FDI ròng giải ngân, có thể thấy vốn FII đã vượt xa và là nguồn tài trợ chính cho lượng thiếu hụt ngoại tệ của Việt Nam hiện nay. Đó là một vấn đề lo ngại.

 

Một vấn đề của dòng vốn FII là sự phản ứng rất mạnh với tính ổn định cũng như minh bạch của chính sách điều hành vĩ mô tại nước sở tại. Đây có lẽ là nguy cơ lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối phó.

 

Bên ngoài những tích cực, tính tiêu cực của dòng vốn này nằm ở chỗ, với chỉ mục tiêu kỳ vọng lợi nhuận và khả năng quy mô và linh động cao, dòng vốn này sẽ tận dụng những khe hở thiếu kinh nghiệm và khả năng quản lý còn yếu của Việt Nam để kiếm lợi nhuận nhanh, đầu cơ chèn ép thị trường.

 

Lạm phát đã không còn là câu chuyện của riêng Việt Nam, mà là vấn đề toàn cầu khi mà nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng đang là nỗi lo của nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Cùng với tình trạng thiên tai, dịch bệnh trong nước, giá cả hàng hóa đã không ngừng tăng lên. Lạm phát do đó đã chứa đựng yếu tố khách quan và xu thế. Các yếu tố chủ quan của con người sẽ chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. Không nên quá duy ý chí để rồi sử dụng “quá liều, giật cục” công cụ của mình để kỳ vọng lên những kết quả mà nó nằm ngoài tầm kiểu soát của chúng ta. Có như vậy mới tránh được sự “bất ổn định” trong chính sách điều hành, làm méo mó sự phát triển tự nhiên của nền kinh tế.

 

Ths Tống Minh Tuấn
(Chuyên gia kinh tế VNDS)
Theo Cafe F