Nguy cơ “cháy” lái xe chuyên nghiệp?
(Dân trí) - Theo ý kiến của một số chuyên gia trong ngành vận tải, đây là điều có thể xảy ra nếu đề xuất của Bộ GTVT về đào tạo, cấp, đổi, nâng hạng giấy phép lái xe (GPLX) đặc biệt là nâng độ tuổi lái xe chuyên nghiệp trở thành hiện thực.
Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về vấn đề này.
Ông Hùng cho biết: “Quy định như hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Bởi 21 tuổi mới được thi lấy bằng C (lái xe tải), lái xe khách ít nhất 24 tuổi. Muốn chuyển từ hạng C lên hạng D, E thì phải có thâm niên. Như vậy, muốn có bằng D, E ít nhất người lái phải từ 23 tuổi trở lên.
Trên thực tế không thể có người nào 21 tuổi đã có thể có bằng lái xe chở khách. Ngày nay lớp trẻ có thể lực và trí tuệ tốt hơn nhiều so với thế hệ trước nên họ có đủ khả năng để làm việc trong những môi trường căng thẳng như nghề lái xe.
Luật Giao thông đường bộ hiện nay quy định, lái xe tải phải đủ 21 tuổi, lái xe khách ít nhất 24 tuổi và thời hạn nâng hạng giấy phép lái xe là 3 năm. Bộ Giao thông vận tải đang dự kiến đưa ra quy định lái xe tải phải ít nhất từ 23-25 tuổi còn lái xe khách ít nhất phải ở tuổi từ 28-30 và thời hạn để nâng hạng giấy phép lái xe là 5 năm. |
Có ý kiến cho rằng, nếu Bộ GTVT đưa ra quy định mới về nâng tuổi lái xe chuyên nghiệp sẽ gây nên tình trạng “khan hiếm” lái xe. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Hiện nay tốc độ phát triển ô tô ở ta là trên 10% nhưng số lái xe được đào tạo mới chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp vận tải hiện nay rơi vào tình trạng thiếu lái xe. Nhiều doanh nghiệp xe tải hiện phải đưa xe vào bãi để bảo quản vì chưa có lái xe.
Nếu nâng độ tuổi lái xe cao hơn nữa chắc chắn sẽ gây nên sự căng thẳng về cung cầu và dồn ép các doanh nghiệp vào tình thế bỏ qua quy trình kiểm tra, tuyển chọn mà chỉ “nhặt” cho đủ lái xe.
Tuổi không phải là giải pháp quyết định. Ý kiến chung của các doanh nghiệp vận tải là Bộ GTVT cần thận trọng trước khi ban hành chính thức quy định này.
Vậy còn việc lái xe phải có thâm niên tay nghề 2 năm mới được lái xe chạy tuyến dài trên 300km, thì sao?
Thâm niên là rất cần thiết vì có GPLX rồi mà không lái thì coi như bằng không. Nhưng trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, chứng nhận thâm niên lại rất khó vì không phải ai cũng lái xe cho các doanh nghiệp mà có thể lái cho gia đình, khi đó ai cấp giấy chứng nhận cho mình.
Thậm chí có lái xe nay làm ở đây, mai làm ở nơi khác, khi đó, ai sẽ xác định thâm niên cho lái xe.
Nhưng thưa ông, việc Bộ GTVT đưa ra những quy định mới về tuổi lái xe và thời gian nâng hạng GPLX để nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ?
Chúng ta thường nói đến nguyên nhân của tai nạn giao thông đường bộ là do lái xe chạy lấn làn, chạy quá tốc độ… Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao họ phải làm như vậy? Đó là vì công tác tổ chức vận tải chưa tốt và cẩn phải chấn chỉnh.
Trên một tuyến đường có rất nhiều tuyến xe chạy. Người lái xe được chủ xe thuê khoán doanh thu, nếu không đảm bảo sẽ bị sa thải. Đó chính là nguyên nhân gốc gây ra tai nạn giao thông.
Trên thực tế, khi tai nạn xảy ra thì chỉ có lái xe phải ra toà. Luật quy định ngày làm việc không quá 10 tiếng, thời gian cầm vô lăng không quá 4 tiếng/ngày. Nhưng nhiều vụ tai nạn xảy ra vì lái xe quá mệt, buồn ngủ và điều khiển xe gây tai nạn. Rõ ràng cơ quan chức năng cần phải xem xét, truy cứu cả chủ xe nếu có hiện tượng sử dụng lao động quá giờ lao động!
Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn tai nạn do xe khách gây ra, theo ông?
Trước hết, ngoài việc thắt chặt công tác đào tạo, nâng cao tay nghề của đội ngũ lái xe thì vấn đề quy định khám sức khoẻ, kể cả khám thi lấy bằng hay đổi bằng cho lái xe cần được coi trọng hơn nữa.
Hiệp hội đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn cho những đơn vị có đủ khả năng khám sức khoẻ, cần đặc biệt kiểm tra phản ứng chân tay, thị lực và nghiện hút. Bởi lái xe mà sức khỏe kém là tai nạn xảy ra ngay.
Bộ Y tế dường như chưa thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Như vậy, vấn đề ở đấy không phải là nâng độ tuổi của lái xe mà phải là các biện pháp để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong công tác đào tào và khám sức khỏe cho đội ngũ lái xe.
Phúc Hưng