1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nguồn lực nào để đảm bảo TPHCM tiếp tục đầu tư phát triển?

(Dân trí) - TPHCM cần khoảng 1,8 triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển cho giai đoạn 2016-2020, song ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 20%. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực xã hội khác cũng có những khó khăn nhất định.

Ngày 27/4, Thường trực HĐND TPHCM khoá IX tổ chức phiên họp giải trình về giải pháp huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư và phát triển thành phố giai đoạn 2016-2020.

HĐND TPHCM cho rằng hiện nay nguồn lực từ đất đai chưa được quản lý chặt chẽ, gây lãng phí
HĐND TPHCM cho rằng hiện nay nguồn lực từ đất đai chưa được quản lý chặt chẽ, gây lãng phí

Theo báo cáo khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, nhu cầu phục vụ đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước cho giai đoạn 2016-2020 là 326.556 tỷ đồng. Trong đó, vốn cho giai đoạn 2018-2020 là 278.456 tỷ đồng.

Tại phiên họp, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố đang có dấu hiệu chững lại. Theo ông, Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia nhận lượng kiều hối lớn, vậy thành phố có chính sách gì để định hướng nguồn lực này phù hợp với các lĩnh vực đầu tư phát triển thành phố.

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng lượng kiều hối được gửi về TPHCM là nguồn lực đáng kể cho đầu tư phát triển
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng lượng kiều hối được gửi về TPHCM là nguồn lực đáng kể cho đầu tư phát triển

Trong khi đó, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang băn khoăn, liệu trong giai đoạn 2018-2020, TP có đảm bảo cân đối nguồn ngân sách Nhà nước để chi cho đầu tư phát triển.

Theo ông Quang, từ khi có Nghị định của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) cho đến năm 2017, TPHCM mới hoàn tất ký kết hợp đồng và triển khai 9 dự án theo hình thức này với tổng mức đầu tư hơn 23.600 tỷ đồng. TP chưa phát huy được hiệu quả mô hình này.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang băn khoăn vấn đề cân đối ngân sách đảm bảo cho đầu tư phát triển
Ông Lê Nguyễn Minh Quang băn khoăn vấn đề cân đối ngân sách đảm bảo cho đầu tư phát triển

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh đề nghị UBND TP chỉ ra những giải pháp để hấp dẫn nhà đầu tư tham gia dự án PPP. Theo bà, hiện nay các nhà đầu tư chỉ tập trung vào dự án BT (xây dựng – chuyển giao) vì có thanh toán bằng đất đai. Nhưng hiện thành phố đâu còn nhiều quỹ đất để trao đổi cho mô hình BT.

Trả lời thắc mắc của đại biểu, bà Lê Ngọc Thuỳ Trang – Phó Giám đốc Sở Tài chính TP - cho biết, dự kiến nguồn thu cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước từ 2018-2020 là 67.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu từ sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước bổ sung vào chi đầu tư phát triển đạt khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, đáp ứng 1-2% số chi đầu tư mỗi năm. Ngoài ra, còn có một số nguồn được bổ sung từ cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Ngọc Thuỳ Trang cho biết nguồn thu từ thực hiện Nghị quyết 54 sẽ bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển cho thành phố
Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Ngọc Thuỳ Trang cho biết nguồn thu từ thực hiện Nghị quyết 54 sẽ bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển cho thành phố

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề việc phát huy nguồn lực từ sắp xếp nhà đất có lãng phí không? Theo bà, thực tế giá cho thuê rất rẻ so với giá thị trường, nhiều đất công còn bỏ trống. Ngoài ra, trong quá trình sắp xếp lại có công khai, minh bạch, đấu thầu không cũng là nội dung cử tri thành phố rất quan tâm.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh cho rằng, hiện lượng kiều hối của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, riêng thành phố hút hơn 5 tỷ USD mỗi năm, trong đó phần lớn là phục vụ đầu tư.

Theo ông Anh, hiện nay các nhà đầu tư tập trung nhiều vào dự án BT cũng là vấn đề “đau đầu”, vì thành phố thiếu đất, giá đền bù giải tỏa cũng cao so với các địa phương khác. Ông cho rằng làm dự án BT thì chỉ có nhà đầu tư lớn có uy tín và năng lực mới làm được, không bao giờ nhà đầu tư nhỏ dám làm.

Ông cho rằng với những dự án Nhà nước mà tư nhân làm được thì nên nới dần ra để huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng khi thực hiện dự án thì “thành phố thiệt kép”. “Vậy tại sao mình chỉ chăm bẵm BT và nhà đầu tư chỉ quan tâm hình thức đầu tư này?”, bà Tâm đặt câu hỏi.

Theo bà Quyết Tâm, các sở, ngành cần có phương án huy động tiền nhàn rỗi trong dân để phục vụ đầu tư phát triển. Muốn vậy, trước tiên là phải công khai, minh bạch, làm sao để người dân tin tưởng để đầu tư vào dự án của thành phố thay vì mang tiền đi gửi ngân hàng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, theo tính toán, giai đoạn 2016-2020, TPHCM cần huy động nguồn lực toàn xã hội phục vụ đầu tư khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản hơn 850.000 tỷ đồng. Nhưng khả năng ngân sách đáp ứng được rất thấp, chỉ đạt 20%.

Song về cơ cấu đầu tư vốn, theo ông Liêm, xu hướng những năm qua cho thấy tỷ trọng vốn ngân sách trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm xuống, đây là tín hiệu tích cực. Điều đó cho thấy, vốn ngân sách chỉ là “vốn mồi” và tạo sự lan toả huy động nguồn vốn đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết tỷ trọng vốn ngân sách trong tổng vốn đầu tư xã hội có xu hướng giảm là tính hiệu tích cực
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết tỷ trọng vốn ngân sách trong tổng vốn đầu tư xã hội có xu hướng giảm là tính hiệu tích cực

Ông Liêm đưa ra hàng loạt giải pháp của thành phố trong thời gian tới để đảm bảo nguồn vốn đầu tư như cụ thể hoá Nghị quyết 54 của Quốc hội; rà soát và công khai quy hoạch đất đai, đấu giá công khai các nguồn lực đất đai. Đồng thời, huy động nguồn lực kiều hối, hoàn thiện quy trình dự án hợp tác công tư, đẩy mạnh cải cách hành chính...

Kết thúc phiên họp, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị cần làm rõ nguồn thu từ cơ chế đặc thù hàng năm như thế nào để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho thành phố. Ngoài ra, phải làm rõ cho người dân thấy được thụ hưởng gì từ cơ chế đặc thù vì hiện người dân mới thấy tăng một số phí.

Một lần nữa, bà Quyết Tâm đề nghị thành phố phải chặt chẽ trong công tác quản lý và phát huy các nguồn lực từ nhà đất.

Quốc Anh