1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

Nguồn khí trên hố nước tự sôi ở Sóc Trăng: Có thể khai thác làm nhiên liệu

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Qua xét nghiệm mẫu khí trên hố nước tự sôi sùng sục ở Sóc Trăng, nhóm nghiên cứu xác định có thể là khí biogas hoặc dầu khí, có tiềm năng khai thác sử dụng làm nhiên liệu.

Ngày 15/7, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo khí gas từ giếng khoan nước sinh hoạt và định hướng nghiên cứu thăm dò, khai thác khí nông tại Sóc Trăng.

Nguồn khí trên hố nước tự sôi ở Sóc Trăng: Có thể khai thác làm nhiên liệu - 1

Hố nước trên cánh đồng tự sôi sùng sục thời điểm hơn 2 tháng trước (Ảnh: CTV).

Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đã lấy mẫu khí từ hố nước tự sôi, có thể đốt cháy ở xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) để xét nghiệm.

Kết quả cho thấy khí này có nguồn gốc phân hủy từ vật liệu hữu cơ, hàm lượng CH4 cao (có thể là khí biogas hoặc dầu khí) có tiềm năng khai thác sử dụng làm nhiên liệu.

Ngoài ra, khí bốc lên có hàm lượng CO2 và H2S thấp, do cách xa khu dân cư nên mức tác động thấp đến sinh hoạt của cư dân, môi trường sinh thái.

Trước đó ngày 12/5, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng đổ xô đến một cánh đồng (cách khu dân cư 100m) ở xã Thuận Hưng để xem một hố nước có khả năng tự sôi; khi châm lửa trên miệng hố thì lập tức bốc cháy.

Nhiều người cho rằng đây là hiện tượng siêu nhiêu nên đã mang hoa quả đến, thắp hương cúng bái trên miệng hố.

Theo chính quyền địa phương, nơi này là giếng khoan cũ của gia đình ông Lý Thol và việc có ở đây có khí cháy đã xuất hiện từ lâu, không có gì huyền bí.

Ông Lý Thol cho biết, năm 2002 ông làm nhà ở trên khu đất này. Thời điểm đó, ông kêu thợ khoan giếng lấy nước sử dụng, phát hiện có khí bốc lên, đốt cháy được nên ông sử dụng nguồn khí này để nấu ăn.

Đến năm 2006, ông Thol dời nhà vào bên trong và lấp miệng giếng lại. Tại cánh đồng này ông vẫn làm lúa bình thường.

Nguồn khí trên hố nước tự sôi ở Sóc Trăng: Có thể khai thác làm nhiên liệu - 2

Hình ảnh lửa cháy trên miệng giếng đã được lấp (Ảnh cắt từ Facebook).

Sau khi có kết quả nghiên cứu bước đầu, PGS.TS Trần Văn Xuân (Trường Đại học Bách khoa TPHCM) cho rằng, cần có đề án đánh giá tổng thể về hình thái cấu trúc và phạm vi phân bố khí một cách khoa học, về tiềm năng khai thác và ứng dụng. Việc nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gốc, phạm vi phân bố của nguồn tài nguyên khí này đem đến nhiều lợi ích cho địa phương về kinh tế.

Theo PGS.TS Trần Văn Xuân, Việt Nam sở hữu số lượng đáng kể dầu mỏ và khí thiên nhiên. Khí thiên nhiên tích tụ đã được phát hiện ở miền Trung, miền Đông và Tây Nam bộ.

Nguồn khí trên hố nước tự sôi ở Sóc Trăng: Có thể khai thác làm nhiên liệu - 3

Khu vực có hố nước sôi sùng sục (Ảnh: CTV).

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đề xuất trong thời gian tới, các nhà khoa học cần đánh giá sát hơn về trữ lượng nguồn khí, từ đó nghiên cứu sâu hơn về vấn đề khí nông tại tỉnh Sóc Trăng.