1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kon Tum:

Người Xê Đăng tậu ô tô đi… chở lúa

(Dân trí) - Chỉ có vỏn vẹn 33 hộ, nhưng người Xê Đăng ở làng Vi Rin (xã Đăk Tăng, Kon Plong, Kon Tum) đã sở hữu gần chục chiếc xe ô tô. Công dụng của những chiếc “xế hộp” này chỉ dành để đi dạo trong xã và chở nông sản.

Cách thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plong) gần 30km, làng Vi Rin nằm lọt thỏm sâu dưới thung lũng, bên con suối Nước Ngôn với 33 hộ dân (144 khẩu) sinh sống bằng nghề làm rẫy. Tuy nhiên, gần 1 tháng nay, làng Vi Rin khiến người dân các thôn làng ở xã Đăk Tăng không khỏi trầm trồ trước sự "chịu chơi" của gần chục hộ dân nơi đây.

Chả là sau khi nhận được tiền đền bù đất, hoa màu từ Ban quản lý thủy điện Thượng Kon Tum, thì gần chục hộ gia đình đua nhau tậu “xế” về nhà, còn một số nhà “bèo bèo” hơn thì cũng sắm cho mình những chiếc xe mô tô có giá trên 40 triệu đồng như xe hiệu Air blade và Exciter.

Khởi đầu và cũng là “hoành tráng” nhất cho phong trào này là gia đình ông trưởng thôn A Sơn khi sở hữu đến 2 chiếc “xế hộp”. Bà Y Ban (vợ ông Sơn) cho biết, chiếc xe hơi đầu tiên gia đình bà tậu từ cuối năm ngoái. Chiếc thứ 2 là hiệu Toyota, được chồng bà mua lại của bà chị họ ở xã Đăk Long với giá 130 triệu đồng. Sau khi mua 2 chiếc xe này về nhà, gia đình bà đã để nó ở chuồng trâu cũ. Chỉ lúc nào đi trồng lúa, trồng mì hay vào xã thì ông Sơn mới dùng đến “xế”.

“Hôm nay chồng mình lái cái xe Toyota vào rẫy để chỉ cho người ta cấy lúa rồi, đến tối chồng mình mới về. Mình thấy tiện, đi thấy sướng thì mình mua thôi. Lúc có tiền đổ xăng thì mình đi, không có tiền thì mình để đó, mỗi lần đổ xăng hết từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Trước đây lúa mình gặt xong bỏ vào bao phải vác về nhà rất mệt, có ô tô mình chở sướng hơn. Chở lúa bằng ô tô tiện hơn chở bằng xe máy, sau này cà phê mình thu hoạch được thì lấy xe để chở cà phê”, bà Ban kể.

Bà Y Ban cho biết mua xe ô tô để tiện cho việc chở lúa
Bà Y Ban cho biết mua xe ô tô để tiện cho việc chở lúa

Dù không tậu cho mình một chiếc xe hơi như nhà bà Ban, nhưng anh A Nao- Phó trưởng thôn cũng sắm cho mình một chiếc xe hiệu Exciter trị giá 52 triệu đồng, và vợ chiếc Sirius.

Nói về nguyên nhân thôn mình đua nhau mua ô tô, anh Nao cho biết: “Ai có khả năng thì họ mua. Họ thấy đi sướng thì mua. Đi ô tô tiện hơn xe máy, mỗi lần đi làm rẫy thì chở được 3, 4 người. Chở lúa, chở mì cũng được nhiều hơn xe máy. Nhà không có thì bỏ tiền xăng ra nhờ nhà có ô tô chở, giúp nhau là chính. Lúc xe hư thì mời thợ vào sửa mỗi lần hết 20 triệu đồng”.

Anh Nao nhẩm tính, hiện tại trong làng có 2 chiếc xe ô tô 4 chỗ, 1 chiếc xe 7 chỗ và vài chiếc xe U oát, 1 chiếc máy đào Kamaz giá 700 triệu. Và để tiện nghi hơn, hầu hết tất cả những chiếc xe này đều được chủ xe trang bị thêm dàn âm thanh để nghe nhạc và máy điều hòa trong xe.

Xe Toyota được ông A Sơn lái đi lên rẫy, cái còn lại đang được che nắng ở chuồng trâu
Xe Toyota được ông A Sơn lái đi lên rẫy, cái còn lại đang được che nắng ở chuồng trâu

Theo anh Nao thì chưa ai trong số các chủ xe này có bằng lái xe, mà những chiếc xe này đều được họ mua lại. Những chiếc ô tô này chỉ để đi trong thôn, xã nhằm chở nông sản, chứ ít người dám đi ra thị trấn hoặc xuống thành phố vì sợ công an bắt: “Trước đây họ đi theo xe tải làm gỗ và làm thủy điện làm phụ xe nên họ tự học lái xe”, anh Nao tiết lộ.

Với người dân Vi Rin những chiếc tay ga thế này là... bình thường
Với người dân Vi Rin những chiếc tay ga thế này là... bình thường

Không chỉ mua ô tô, mà từ khi có tiền đền bù thì người dân nơi đây cũng tìm cách hưởng thụ. Một cán bộ công tác tại địa phương cho biết, từ khi có nhiều tiền người dân thôn Vi Rin rất ít đi làm, hầu hết họ ở nhà mua bia về nhậu. Còn việc nương rẫy họ bỏ tiền ra thuê người dân trong xã với tiền công là 150 nghìn đồng/ngày: “A Him ở thôn Đăk Tăng được đền bù đất mua chiếc xe Exciter nhưng không biết đi nên đã đâm vào đường, làm hư hỏng nặng. 1 tuần sau lại mua cái khác như vậy”, cán bộ này cho biết thêm.

Ô tô để rải rác trong làng
Ô tô để rải rác trong làng

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đoàn Xuân Trọng- Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, nhà được đền bù nhiều nhất là nhà ông A Long (thôn Vi Rin) với số tiền khoảng 2,8 tỷ đồng. Việc mua xe ô tô của người dân xã có biết, và họ mua là do nhu cầu của cuộc sống nên họ mới mua. Và người dân chỉ lái xe đi trong thôn, trong xã.

Một góc thôn Vi Rin
Một góc thôn Vi Rin

Điều đáng buồn ở đây là những đồng tiền đền bù được sử dụng quá lãng phí. Không tính toán chuyện lâu dài. Nếu chỉ để chuyên chở thì người dân có thể mua xe công nông vừa rẻ, vừa chở được nhiều hàng hóa hơn… Và có lẽ, viễn cảnh không xa,  khi tiền đền bù đã cạn, những chiếc ô tô sẽ lại "lặng lẽ" đổi chủ vì "làm gì còn tiền đổ xăng".

Thiên Thư