1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người vợ liệt sĩ miệt mài làm khuyến học

(Dân trí) - Về vùng đất hiếu học Can Lộc (Hà Tĩnh) hỏi bà Cẩn không ai không biết; không chỉ bởi bà là vợ liệt sĩ một mình nuôi 3 con ăn học thành tài mà còn vì bà là người đi đầu trong phong trào khuyến học của huyện.

Bà là Nguyễn Thị Cẩn ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, vợ của liệt sĩ Nguyễn Viết Cẩn.

Goá phụ tuổi 27 nuôi 3 con thơ

Năm 18 tuổi, thiếu nữ Nguyễn Thị Cẩn kết hôn với chiến sĩ trẻ Nguyễn Viết Cẩn - lúc này là dân quân tự vệ đồng thời là y tá tham gia chiến đấu tại địa phương. 9 năm sau ngày cưới, hai người có với nhau 3 đứa con kháu khỉnh. Những năm tháng chiến tranh, người vợ trẻ ở nhà vừa chăm sóc con cái vừa tham gia các phong trào đoàn thể tại địa phương, còn người chồng vẫn ngày đêm lăn xả trên chiến trường đạn bom ác liệt.

Rồi bà nhận được tấm giấy báo tử của chồng sau trận đánh ác liệt của đế quốc Mỹ dội xuống mảnh đất cách mạng Can Lộc vào cuối năm 1965. Chiến sĩ Nguyễn Viết Cẩn đã hy sinh trong lúc đang băng bó cứu chữa cho lực lượng dân quân.

Chồng hy sinh để lại cho bà Cẩn 3 người con còn thơ dại, cháu lớn nhất 7 tuổi, cháu út mới 15 tháng tuổi. Mới 27 tuổi, bà Cẩn đã mang trên mình phận vợ goá nuôi 3 con côi. Dù rất đau đớn nhưng nghĩ đến những hy sinh lớn lau của chồng mình cho đất nước, bà không thể gục ngã. Và bà đã gượng dậy, một mình gánh vác gia đình, nuôi 3 người con khôn lớn, học hành nên người. “Tôi thường khuyên các con dù có khó khăn, vất vả đến mấy cũng phải cố gắng học hành để sớm có ngày thành đạt. Sự thành đạt của các con cũng là một cách báo hiếu cho sự hy sinh cao cả của bố”.
 
Người vợ liệt sĩ miệt mài làm khuyến học - 1
Bà Cẩn thắp những nén nhang cho chồng mình - liệt sĩ Nguyễn Viết Cẩn

Những tháng ngày khi chồng mới mất, cuộc sống của 4 mẹ con vô cùng khốn khó. “Thời kỳ đó đói khổ lắm. Nhiều lúc đến củ khoai cũng không có mà ăn. Năm được mùa thì 4 mẹ con cũng được vài tạ thóc, mất mùa chỉ được vài yến lúa. Cảnh đói kém, thiếu ăn với 4 mẹ con diễn ra thường xuyên” - bà Cẩn nhớ lại.

Vất vả là vậy song thời điểm đó bà Cẩn vẫn luôn là người đi đầu trong các phong trào "ba đảm đang", "ba sẵn sàng"… Bà vinh dự được địa phương bầu là đại biểu xuất sắc đi dự tổng kết 4 năm chống Mỹ cứu nước tại xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh; góp mặt cũng nhiều gương mặt điển hình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như chị La Thị Tám - người con gái sông La...
 
Miệt mài làm khuyến học
 
Trải qua bao gian lao vất vả, bà Cẩn đã nuôi nấng 3 người con ngoan ngoãn, trưởng thành. Người con cả là chị Nguyễn Thị Hoa và chị thứ hai Nguyễn Thị Lan đều đã có gia đình riêng, đang công tác tại UBND huyện Can Lộc. Người con út là anh Nguyễn Viết Tuấn từng phục vụ trong quân đội, giờ là một doanh nhân thành đạt ở TPHCM, giám đốc một công ty địa ốc và là chủ của một hệ thống khách sạn tại Sài Gòn và TP Vinh (Nghệ An).
Người vợ liệt sĩ miệt mài làm khuyến học - 2
Bà Cẩn dành thời gian rảnh rỗi để chăm sóc gia đình.

Nhìn 3 người con thành đạt bà Cẩn không giấu được niềm hạnh phúc và tự hào nhưng đằng sau đó là nhiều trăn trở cho con em quê hương. Bà nghĩ rằng chỉ có con đường học tập mới giúp vùng quê sớm thoát nghèo. Bà tự nguyện trích một phần tiền dành dụm của mình và của con cháu cho để dưỡng già dùng vào việc gây dựng quỹ khuyến học, đồng thời khuyên bảo con cháu, những người trong dòng họ cùng tham gia. Bước đầu, con cháu trong dòng họ, làng xóm ai đậu đại học, cao đẳng bà đều cho tiền để khuyến khích, động viên tinh thần học tập. Đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vượt khó vươn lên học giỏi, bà quan tâm kịp thời về vật chất lẫn tinh thần nhằm giúp các em học tập tốt hơn.

Người vợ liệt sĩ miệt mài làm khuyến học - 3
Bà Cẩn chắt bóp chi tiêu từ việc nuôi gà, tiết kiệm tiền lương và tiền con cái cho dưỡng già để làm khuyến học
 
Qua nhiều năm tháng, lòng nhiệt huyết và việc làm thiết thực của bà đã được nhiều người noi theo; phong trào khuyến học ở huyện nghèo ngày càng lan rộng. Những học sinh nghèo đã được tiếp sức đến trường; phong trào học tập của địa phương ngày càng sôi nổi; tỷ lệ học sinh khá, giỏi trong các nhà trường tăng đều mỗi năm; số con em thi đỗ đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước...
 
Giờ đây đã ở tuổi 74 nhưng bà vẫn miệt mài với phong trào khuyến học. Bà và con trai là anh Nguyễn Viết Tuấn đã đóng góp vào quỹ khuyến học của huyện Can Lộc mỗi năm 50 triệu đồng, trước mắt sẽ đóng góp trong vòng 5 năm. Với nghĩa cử cao đẹp này, nhiều học sinh nghèo hiếu học ở đây sẽ có nhiều cơ hội hơn trên con đường học vấn.
 
Bà Cẩn tâm sự: "Mình làm khuyến học bằng cái tâm, tuy vật chất không nhiều nhưng cũng phần nào giúp đỡ được các cháu học sinh. Tôi chỉ mong rằng các cháu học tập tốt hơn để sau này không phải vất vả".
 
Người vợ liệt sĩ miệt mài làm khuyến học - 4
Bà Cẩn (mặc áo đen ở giữa) trao 100 suất học bổng (mỗi suốt trị giá 500 ngàn đồng) cho 50 em học sinh ở huyện Can Lộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đạt thành tích cao trong học tập năm học 2010 - 2011

Vẫn cần mẫn và nhiệt huyết với công tác khuyến học, bà Nguyễn Thị Cẩn đã, đang và sẽ là người gieo ước mơ và mang lại niềm vui được học tập của nhiều em học sinh nghèo vươn lên học giỏi ở mảnh đất giàu truyền thống hiếu học này.

                                                                         Đặng Tài - Văn Dũng