Người "vô hình" ở Hà Nội phải "gõ cửa" nơi nào để được khai sinh?
(Dân trí) - Từng dành nhiều năm đến các cơ quan công quyền với hi vọng được cấp giấy khai sinh nhưng anh Lê Quốc Dũng (Hà Nội) chỉ nhận được câu trả lời "không đủ điều kiện để giải quyết".
Không được khai sinh vì không xác định được nguồn gốc sinh ra?
Người đàn ông thường được gọi tên là Lê Quốc Dũng (tự khai sinh ngày 17/11/1991, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) vừa có đơn gửi Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan với hi vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ trong việc cấp giấy khai sinh, thẻ căn cước công dân cho chính mình.
Anh Dũng chia sẻ, trong suốt khoảng thời gian mình tồn tại ở Hà Nội, việc không có giấy tờ tùy thân khiến cho cuộc sống mình rất bấp bênh, cảm giác bản thân như một người "vô hình", sống ngoài lề xã hội.
Chia sẻ về hành trình tự khai sinh cho chính mình, anh Dũng cho biết từ năm 2014 - 2020, anh đã tìm đến nhiều cơ quan nhà nước để đăng ký thủ tục nhưng không được.
Theo hướng dẫn của Sở Tư pháp Hà Nội, anh Dũng đã tìm đến UBND phường Bồ Đề (nơi hiện tại đang sinh sống) để đăng ký khai sinh. Tại đây, UBND phường yêu cầu anh Dũng khẳng định một số thông tin và yêu cầu xác minh thêm các nội dung khác ở phường Trúc Bạch phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội), nơi anh từng cư trú.
Qua tìm hiểu, mặc dù đã được chính quyền sở tại ở 2 phường nêu trên đã xác nhận việc anh Dũng thường trú tại địa phương trong khoảng thời gian từ năm 1991 - 2009 nhưng UBND phường Bồ Đề vẫn không thể tiến hành đăng kí khai sinh cho người đàn ông này.
Nguyên nhân vì sau khi thẩm tra, thẩm định, xác minh và đối chiếu các quy định, UBND phường Bồ Đề không xác định được nguồn gốc sinh ra và lớn lên; không có bản ảnh để xác định bản thân anh Dũng (?!).
"Hơn 6 năm qua, tôi đã cố gắng tự tìm mọi cách để xin được cấp giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân nhưng trình độ văn hóa có hạn. Trong khi đó, cuộc sống hết sức khó khăn vì việc làm thất thường. Tôi đã 1 lần được công ty luật giúp đỡ miễn phí nhưng trường hợp của tôi đã trải qua thời gian mấy chục năm nên chính quyền các cấp không giải quyết được" - anh Dũng buồn rầu kể.
"Lỗ hổng" pháp luật đối với trẻ bị bỏ rơi?
Chia sẻ quan điểm về trường hợp của anh Dũng, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 18 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi 2014), trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. Do đó, anh Dũng vẫn có đầy đủ quyền lợi của một công dân Việt Nam.
Tuy nhiên, do tại thời điểm nhận nuôi anh Dũng vào năm 1991, bà K.T.M. (trú tại phường Trúc Bạch; đã mất) đã không làm khai sinh cho người đàn ông này. Việc không có giấy khai sinh đã kéo đến hệ lụy khiến anh Dũng không thể làm các loại giấy tờ khác như chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc bất kỳ một loại giấy tờ tùy thân nào để đảm bảo các quyền công dân của chính mình.
"Đối chiếu với thực tế, anh Dũng không được hưởng đầy đủ quyền được giáo dục; gặp khó khăn khi làm việc và tương lai cũng không thể có giấy đăng ký kết hôn" - luật sư Tiền nói.
Bên cạnh đó, luật sư Tiền cho rằng, pháp luật hiện hành dường như chưa có quy định cụ thể để giúp đỡ những trường hợp như của anh Dũng.
"Có thể coi đây là một "lỗ hổng" của hệ thống pháp luật mà các nhà làm luật, cơ quan hành chính nhà nước cần lưu ý để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật trong trương lai để đàm bảo quyền lợi chính đáng của trẻ bị bỏ rơi" - ông Tiền nêu quan điểm.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng, vẫn có thể làm được giấy khai sinh cho trường hợp của anh Dũng.
Bởi lẽ, vào năm 2019, một trường hợp tương tự giống anh Dũng đã được UBND phường Thạnh Lộc (quận 12, TP HCM) cấp giấy khai sinh. Đó là bà Châu Thị Nữ, người được cấp giấy khai sinh khi đã 82 tuổi.
Trở về trường hợp của anh Dũng, luật sư Hậu cho rằng, UBND phường Bồ Đề cần phải có trách nhiệm xác minh giúp anh Dũng đối với các nội dung có liên quan trong việc cấp giấy tờ tùy thân.
"Đây là trường hợp đặc biệt nên cán bộ tư pháp nơi anh Dũng sinh sống cần phải có cái tâm. Anh Dũng chỉ cần viết tường trình về nguồn gốc nơi sinh ra, nơi từng cư trú và phường Bồ Đề sẽ có trách nhiệm đi xác minh rồi thông báo kết quả. Trường hợp của bà Nữ ở TP HCM cũng vậy, chính quyền sở tại đã dựa trên thông tin do bà cung cấp rồi xác minh và đã cấp giấy khai sinh cho bà cụ 82 tuổi này" - luật sư Hậu thông tin thêm.