Người Việt buổi đầu công nguyên xấu hay đẹp?
(Dân trí) - Cách đây chưa lâu, các nhà khoa học Việt Nam đã phục dựng thành công <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2005/8/73734.vip">khuôn mặt người Việt buổi đầu công nguyên</a>. Công việc phục chế đó được thực hiện cụ thể như thế nào, độ chuẩn xác đến đâu? Đó là cả một quá trình gian nan nhưng cũng đầy thú vị.
TS Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á đã trao đổi về quá trình này.
Trường phái phục dựng Gerasimov, áp dụng với người châu Âu. Vậy khi áp dụng vào phục dựng người Việt buổi đầu Công nguyên phải có những chỉ số “xê dịch” nào, thưa TS?
Trên thế giới, người ta chia tương quan chỉ số phần mềm mặt người với sọ làm ba nhóm chủng : nhóm Capcadơ (đại diện cho châu Âu), nhóm Phi và nhóm châu Á.
Khi phục dựng người Đông Sơn, chúng tôi phải dựa vào hai yếu tố. Thứ nhất, họ thuộc chủng châu Á. Điều này tạo nên sự khác nhau ở tầng biểu bì: có lớp mỡ chống lạnh và không có lớp mỡ chống lạnh.
Thứ hai, người Đông Sơn sống cách đây trên hai ngàn năm nên phải tính tới yếu tố tiến hoá người. Về cơ bản người thời đó giống chúng ta hiện nay, có những điều khác là do hoạt động nhiều hơn và nặng hơn của cơ nhai, do chế độ ăn uống. Vì vậy, khi áp dụng phương pháp của Gerasimov…phải tính được độ chênh lệch.
Được biết, Gerasimov có thể phục chế đạt độ chính xác đến trên 90 thậm chí 97%. Tại sao các ông chỉ đưa ra con số 80% cho các khuôn mặt đã phục dựng?
| |
Tiến sỹ Nguyễn Văn Việt |
Dừng ở 80% là chỉ số có thể nhận dạng được. Chúng tôi chỉ muốn khẳng định, cái sọ này có một khuôn mặt như thế, bất kể người đó vừa uống rượu, vừa nhịn đói, vừa bị phù thì người ta vẫn nhận ra được. Đây cũng là điểm khác cơ bản giữa một nhà khoa học phục chế mặt theo sọ với một nghệ sĩ tạo hình thuần tuý.
Tai, mắt, mũi là những bộ phận hết sức quan trọng tạo nên dáng vẻ của khuôn mặt nhưng việc phục dựng những cấu tạo này cũng hết sức khó khăn, thưa TS?
Việc phục chế các bộ phận này dựa trên kết quả nghiên cứu của 70-80 năm về trước, thậm chí sớm hơn. Gerasimov tìm ra chiều cao của tai tương ứng với chiều cao của mũi, chiều rộng của tai tương ứng với chiều rộng của mũi, đối với nam. Khi mở rộng sang châu Á thì tỉ lệ đó lại không đúng với nhiều nhóm người. Tai của người Đông Nam Á, châu Á có xu hướng ngắn hơn chiều cao của mũi.
Cụ thể cái tai được dựng ngắn hơn một chút so với chiều cao của mũi, bề rộng của tai giảm khoảng 3mm so với chiều rộng của mũi. Về bề rộng cánh lỗ mũi, khi phục dựng mặt cho sọ người châu Âu người ta cộng từ hốc mũi ra khoảng 4mm, người châu Phi 8mm, người châu Á được đề xuất khoảng 6mm
Rất nhiều người băn khoăn rằng, khuôn mặt và hình dáng của người Việt buổi đầu công nguyên có khác gì so với người Việt hiện nay?
Qua thống kê xương của người Đông Sơn và xương của người Việt hiện nay, chúng tôi cùng thống nhất rằng sự khác nhau là không đáng kể. Muốn tìm sự khác biệt phải tìm cách đây mười ngàn năm, còn những người Đông Sơn này khá gần chúng ta. Dung mạo Hai Bà Trưng hay Bà Triệu làm sao khác hẳn chúng ta được.
Có một điều “hơi” độc đáo là qua thống kê, chúng tôi thấy có một nhóm người sống ở Động Xá, thời Đông Sơn có chiều cao trung bình của người trưởng thành khá khiêm tốn : 1,35m-1,45m. Trong khi những người khác sống cùng với họ có chiều cao 1,5m-1,6m. Nhưng tôi nghĩ, nếu khảo sát chiều cao của người Mông hiện sống ở miền núi hoặc người Việt sống ở nông thôn trước Cách mạng tháng Tám thì số người trưởng thành đạt chiều cao trung bình 1,45m cũng khá phổ biến.
|
Có cảm giác rằng, khuôn mặt được phục dựng, có chiếc mũi cao, thẳng…trông rất đẹp. Đó có phải là sự thực?
Đó là do chúng ta cứ quen nghĩ người thời xưa xấu. Nếu xem người Việt Nam bây giờ khó lòng có ai đẹp như Lagiôcông - Lagiôcông là người thật. Tương tự như vậy, khó lòng có ai đẹp như bức tượng của Xeda và Cleopart. Cleopart là người thật và người ta làm tượng phần lớn là theo phương pháp tả thực. Thế thì ta giải thích thế nào?
Thực ra, người xưa chỉ xấu theo cách nhìn thẩm mỹ hiện đại khi loài người còn là người vượn hoặc mới trở thành homo sapien thôi, tức cách nay hàng chục ngàn năm. Còn từ 6000 năm trở lại đây con người không khác gì hiện nay lắm… Thứ hai, sống mũi của khuôn mặt phục dựng cao vì bản thân xương mũi của họ cao. Xương như thế nào thì chúng ta làm như thế, chứ không thể nào tự đắp thêm vào để làm tượng trưng bày.
Vì thế, đôi khi chúng ta sẽ gặp những “Tây Thi”. Ai cũng biết Tây Thi đẹp nổi tiếng, bà sống trước những sọ Đông Sơn chúng tôi phục chế khoảng hơn 300 năm. Nếu gặp được sọ Tây Thi, tôi tin là chúng ta cũng sẽ làm ra người đàn bà rất đẹp.
Mạnh Cường (thực hiện)