1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người vi phạm giao thông có thể đóng tiền phạt qua bưu điện

(Dân trí) - Sắp tới có thể Kho bạc Nhà nước sẽ ủy nhiệm cho hệ thống bưu điện thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thực hiện theo phương thức không thu phí.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Bộ Tư pháp đang tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất quy định việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính qua hệ thống bưu điện.

Theo Nghị quyết số 10/NQ-CP, Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép thực hiện việc thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc Nhà nước thông qua dịch vụ của hệ thống bưu điện. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định đã xuất hiện những luồng ý kiến khác nhau.

Về cơ chế hoạt động của dịch vụ có hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất dẫn quy định tại Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 10 Nghị định 81/2013 quy định ngân hàng thương mại được thu tiền phạt vi phạm hành chính nhưng phải được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu. Do vậy, nếu hệ thống bưu điện thực hiện việc thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính thì cũng phải được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tương tự như ngân hàng thương mại.

Ý kiến thứ hai cho rằng dự thảo quy định việc thu, nộp hộ tiền phạt được thực hiện theo hình thức ủy quyền dân sự, nghĩa là cá nhân, tổ chức bị xử phạt ủy quyền cho bưu điện nộp hộ tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ. Việc ủy quyền này là trên cơ sở nhu cầu của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và không bắt buộc.

Trước vấn đề này, Bộ Tư pháp khẳng định, nếu quy định Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm cho bưu điện thu tiền phạt vi phạm hành chính thì việc bưu điện thực hiện việc thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính phải được thực hiện theo phương thức không thu phí, tương tự như các ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu hiện nay.

Do vậy, để thực hiện đúng quy định tại Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, dự thảo nghị định đang quy định theo hướng ý kiến thứ nhất.

Đối với những ý kiến đề xuất mở rộng phạm vi hoạt động của dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính vào Kho bạc Nhà nước thông qua dịch vụ của hệ thống bưu điện, Bộ Tư pháp cho rằng chỉ nên cho phép thực hiện trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chứ chưa thể mở rộng sang các lĩnh vực khác như đường sắt, đường thủy nội địa. Hơn nữa, việc này nhằm tuân thủ đúng chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 10/NQ-CP.

Dự thảo nghị định này sẽ được hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành trong thời gian sắp tới.

Vào tháng 6 vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, kể từ ngày 15/6, người vi phạm có thể lựa chọn phương thức nộp tiền phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục trên cả nước và nhận lại giấy tờ bị tạm giữ tại nhà.

Nếu người vi phạm chọn nộp phạt qua bưu điện sẽ đăng ký với cơ quan công an thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm (bản cơ quan công an lưu) để chuyển tới bưu điện. Sau đó, người vi phạm có thể đến bưu cục gần nhất để đăng ký và nộp tiền (bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ). Khi nào nhận được tiền nộp phạt vi phạm hành chính thì cảnh sát giao thông sẽ chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm sẽ theo phương thức ưu tiên. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cam kết đảm bảo chuyển phát nhanh chóng, chính xác, an toàn tới tận tay người nhận. Theo dự kiến, người vi phạm giao thông ở trung tâm tỉnh, thành phố sẽ nhận lại tất cả giấy tờ trong vòng tối đa 2 ngày, đối với các huyện và tỉnh thành khác sẽ vào khoảng 3-5 ngày.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm