Người và lợn cùng... chết đói!
(Dân trí) - Ngày 19/5, UBND tỉnh Nghệ An ra công bố: địa bàn tỉnh đã hết dịch tai xanh; riêng 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu phải đợi qua 21 ngày mới được giết mổ, buôn bán. Công bố này khiến người dân 3 huyện trên đứng ngồi không yên.
Chỉ riêng xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) đã có đến 20 hộ chăn nuôi có từ 20-150 con lợn đã quá thời hạn xuất chuồng. Dù xã hoàn toàn không có dịch tai xanh nhưng phải phải chịu lệnh “bế quan tỏa cảng”.
Các hộ chăn nuôi đều chung nỗi lo, nếu cứ thế này, lợn sẽ chết đói trước cả người nuôi. Nguyên nhân là vì trước đây, các hộ chăn nuôi lớn vẫn quay vòng theo kiểu: xuất lứa lợn sau thì trả tiền thức ăn chăn nuôi cho lứa lợn trước. Nhưng nay do các lứa đều bị ách lại nên các đại lý thức ăn không cho vay nữa.
Ông Nguyễn Thanh thẫn thờ trước đàn lợn 150 con của mình, nói: “Giỏi lắm tôi chỉ trụ được 5 ngày nữa, còn sau đó lợn sẽ không chết vì bệnh mà chết dần vì đói. Bởi tôi đã nợ các đại lý đến 30.000.000 đồng nên không còn ai cho nợ nữa”.
Ông Cao Xuân Lộc hiện có 33 con lợn, mỗi con đều xấp xỉ tạ rưỡi. Nghĩ đến khoản thức ăn cho chúng là ông lo đến tái mặt. “Ngân hàng thúc nợ hằng ngày, lại đang mùa giáp hạt, người còn thiếu ăn lấy đâu cho lợn”.
“Tiền con đi thi, tiền lãi ngân hàng... tất cả đều nhìn vào lợn. Nếu Nhà nước không nhanh chóng có chính sách hợp lý thì có khi người còn chết trước lợn”, một hộ chăn nuôi khác chia sẻ.
Các hộ đều có chung bức xúc: “Không thể đánh đồng tất cả các xã vào một chỗ, “trên” có tiền hỗ trợ cho các hộ tiêu huỷ thì đáng ra cũng phải có cán bộ đứng ra tiêu thụ cho các nơi không dịch như xã chúng tôi, nếu bó vào một cục thì hàng chục xã không có dịch đều chết chìm theo”.
Qua tìm hiểu được biết, huyện Quỳnh Lưu có 43 xã, thị trấn nhưng chỉ 12 xã có dịch và đa số cũng đã qua dịch 21 ngày. Cách đánh đồng thời hạn “cấm vận” của tỉnh khiến nhiều hộ chăn nuôi đứng trước nguy cơ sạt nghiệp. Đây cũng là tình trạng chung ở cả 3 huyện nói trên.
Ông Hồ Phúc Hợp, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Diễn biến dịch trong huyện cũng như khó khăn của các hộ chăn nuôi, mình theo sát, nắm kỹ và đã đề xuất lên tỉnh tìm phương pháp xử lý. Mong rằng UBND tỉnh nhanh chóng đưa ra một phương án khả thi để cứu các hộ dân trước khi quá muộn.
Nguyễn Đình Lộc