1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người uốn nắn những giấc mơ thôn dã

“Con gà nhà em da trắng tinh, không có lông, không có đầu, không có chân, ngồi ngay ngắn trong cái hộp xốp mát lạnh”. “Cây lúa rất to, bóng của nó che rợp một góc làng. Mỗi lần về quê em đều ngồi hóng mát dưới gốc cây lúa”.

Đau lòng vì những bài văn trên, một tiến sĩ đã tìm cách nắn thẳng những giấc mơ thôn dã cho bọn trẻ.

 

Mẹ ơi, gà có... 4 chân cơ mà

 

Một đoàn học sinh cấp một lũn tũn chạy trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Hà Nội). Lúc đầu chúng còn lấy tay bịt mũi, rón rén đặt chân xuống nền đất vì sợ dẫm phải phân, sau một hồi phấn khích đã bẻ lá cây xông vào cho vật ăn để được sờ sừng, vuốt tai, bá cổ.

 

Người uốn nắn những giấc mơ thôn dã - 1

Tập cho gia súc ăn

 

Những chú thỏ mẹ, thỏ con trắng như bông nõn, mắt hồng như bi ve nằm lim dim trên tay đám trẻ. Tiếng cười giòn tan. Cái loa con con trên tay hướng dẫn viên Đỗ Hữu Thọ liên tục ra rả: “Các em biết không? Trước lúc thỏ mẹ đẻ phải bứt những túm lông ngực mình để lót ổ, ủ ấm cho những chú thỏ con. Thành ruột của thỏ rất mỏng, nếu cầm vào bụng chúng sẽ bị đau, bị chết nên chúng ta khi bắt thỏ phải cầm vào gáy, vào tai. Các em cũng không nên nói to vì thỏ con sẽ tỉnh giấc”.

 

Địa điểm tham quan thứ hai là trại đà điểu gần đó. Những chú chim khổng lồ nặng hơn một tạ xuất xứ từ sa mạc với tốc độ chạy tới hơn 60km/h tỏ ra quyện trẻ lạ thường. Những câu hỏi ngây ngô đại loại như: “Đà điểu có rúc đầu xuống cát khi xấu hổ không hả chú? Chúng có ăn bánh quy, bim bim không? Tại sao chúng chỉ tắm cát chứ không tắm bằng nước như con người?” khiến hướng dẫn viên luôn miệng phải trả lời.

 

Ở trang trại ong bọn trẻ được đích thân chủ trang trại nói về mỗi mùa hoa là một mùi mật, về ong chúa là con ong to, ong thợ là lũ nho nhỏ xúm xít, cầu ong là ngôi nhà chung cư ngăn nắp. Những bàn tay cuống quýt quay cầu mật. Những đôi môi xíu hồng chun lại hít hà vị mật hoa...

 

Chị Nguyễn Thúy Bình, mẹ của hai học sinh lớp 3, lớp 5 trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) bảo tôi rằng: “Khổ! Học đến lớp 5 rồi mẹ mua con gà, con chị đã ăn hai cái đùi rồi mà còn đòi hai cái nữa vì nó bảo gà có… bốn chân. Đứa em về quê thấy con bò liền kêu ầm lên: Mẹ ơi, con chó gì to quá!”. Những phụ huynh đi cùng rúc rích cười vì đồng cảnh ngộ.

 

Xuyên qua cánh đồng lại một dịp khám phá với lũ trẻ thành phố. Đây là cây lúa, cây ngô, kia là con cò, con vạc. Ở khu nhà đất của Trang trại Đồng quê lũ trẻ ngồi trên những chiếc ghế tre, tự mình tập tráng bánh cuốn theo hướng dẫn của một nghệ nhân. Vục môi vào thùng bột, rưới đều lên nồi hấp, đậy vung rồi đồng thanh đếm ngược “hai mươi, mười chín, mười tám…”, xúc bánh, rắc nhân, cuốn lại và ăn. Những chiếc bánh trong như bột lọc, mềm dai vị đồng quê, không hàn the, hóa chất khiến cho lũ trẻ mải miết không muốn xa rời.

 

Này là hòm gỗ đựng thóc, ghế tre, đèn bão, kia là thúng mủng, rần sàng, cối xay, cối giã gạo…Tất cả những vật dụng quen thuộc của nhà nông đã lên nước thời gian, óng ánh chất quang dầu mồ hôi tiên tổ. Đám trẻ xếp hàng để được xay thóc, giã gạo rồi vục tay hứng những hạt gạo lẫn cùng cám, trấu đưa lên mồm thổi phù phù khoe gạo của ai trắng, ai dài.

 

Người uốn nắn những giấc mơ thôn dã - 2
Tập làm bánh cuốn

 

Bà tiến sĩ lo cứu văn hóa nông thôn

 

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, nguyên cán bộ Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, là chủ Trang trại Đồng quê Ba Vì. Chị là người đưa ra ý tưởng liên kết hàng loạt cơ sở, trang trại để làm du lịch đồng quê, nhất là cho học sinh với những tua xem dê, bò, thỏ, cấy lúa, bắt cá, hái chè, giã gạo, tráng bánh, làm thuốc…

 

“Đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị và công nghiệp chúng ta đã đạt được những thành tựu nhưng bên cạnh đó đã bộc lộ những nguy cơ suy thoái về môi trường cảnh quan, đạo đức văn hóa của một xã hội thoát thai từ nền kinh tế thuần nông. Nếu mức sống đô thị và nông thôn quá xa, quá khác thì nước ta còn chứng kiến những cuộc di dân to lớn hơn nữa hướng ra thành phố. Điều này sẽ phá nát đô thị và cũng xô đổ văn hóa nông thôn. Mất tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai hoặc không sống được bằng sản phẩm trên số đất nông nghiệp đó gây nên tâm lý chán đất, người nông dân phải tìm cách tha phương cầu thực và trở thành bần cùng hóa”, tiến sĩ Oanh tâm sự.

 

Người uốn nắn những giấc mơ thôn dã - 3
Tập nơm cá

 

Chính vì những lý do ấy mà du lịch đồng quê trở thành nét độc đáo của bà tiến sĩ: “Người thành phố khám phá sinh hoạt của bà con nông dân nhằm tăng thêm sự hiểu biết và cả sự trân trọng đối với những giá trị lao động. Họ có thể cảm nhận được chân giá trị của thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là những thực phẩm quý giá từ thiên nhiên như các loài rau rừng, thảo dược từ vùng núi Ba Vì cũng như những nét đặc trưng và mùi vị đặc hữu vốn có của nhà nông chẳng hạn như mùi của đàn gia súc và các con vật nuôi, mùi phân...Người nông dân thì sẽ tăng thêm thu nhập từ chính những sản phẩm nông nghiệp của mình”.

 

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh vẫn miên man: “Tôi mơ một ngày được tiến hành nghiên cứu xây dựng mô hình điểm cho loại hình sinh thái nông nghiệp này tại vùng đệm xung quanh chân núi Ba Vì để phát triển du lịch đồng quê trên các sản phẩm sữa, gà đồi, dê, thỏ, thảo dược, mật ong, nước khoáng nóng, rau sạch, rau rừng và hoa củ quả đặc sản. Việc lấy vùng đệm xung quanh núi Ba Vì còn vì tại đó có các bộ phận dân cư thuần nông đa số là dân tộc Mường và Dao canh tác nông nghiệp trên sự đa dạng về địa hình, cảnh quan, sinh thái thiên nhiên phong phú…”.

 

Ở trang trại luôn có những luống mạ được gieo sẵn bốn mùa, những thửa ruộng mới ngấu cho lũ trẻ tập làm nông dân, tập làm “hạt gạo làng ta” như chúng vẫn từng hát. Những bàn tay bé xíu cắm nhè nhẹ từng cây lúa như sợ chúng bị đau. Hàng ngũ xiêu vẹo, vết chân xiêu vẹo trên bùn.

 

Hết cấy lúa, chúng lại quần xắn móng lợn, hăng hái đeo giỏ, vác nơm lội ao, dàn hàng đơm cá. Miệng hướng dẫn viên liên tục chỉ bảo cách đơm bắt nhưng có nơm cá đã ụp được mà dăm bảy trẻ bắt cả chục phút trượt vẫn không được con cá nào. Mấy phụ huynh trên bờ cũng không giấu nổi sự phấn khích, bắt đầu chỉ đạo con mình: “Con phải nhìn thật kỹ thấy cá rồi mới úp nơm vào nó chứ”. Sau một hồi bì bõm nước trong ao đục ngầu, làm sao nhìn thấy cá? Tôi trộm nghĩ vị phụ huynh nọ cũng chưa từng một lần đi úp cá ngoài đời. 

 

Cá bắt lên rồi cắm ngược đầu xuống đất bằng một đoạn tre tươi, chất rơm xung quanh nướng. Một hồi hương thơm lan tỏa ngát trời chiều. Những miếng thịt thơm trắng. Những ngọn rau non mới tự tay hái trong vườn. Lũ trẻ nhồm nhoàm vừa nhai vừa hít hà, ăn căng bụng trong khi nhiều đứa ở nhà, biết bao bơ sữa, thực phẩm ngoại mà bố trợn mắt, mẹ phùng mồm, ông gõ xoong nồi, bà nhảy múa khắp vẫn chẳng hề mở miệng. Cảm nhận đồng quê cả bằng giác quan lẫn tâm hồn, mùi rơm rạ lên khói, mùi cỏ non, mùi hoa đồng nội, mùi bùn, vị cá nướng, vị mật ong, vị mồ hôi… sẽ theo chúng suốt cuộc đời.

 

Theo Dương Đình Tường

 Nông nghiệp Việt Nam