1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người tử tế ở Sài Gòn: Tủ thuốc từ thiện và xe cấp cứu 2 bánh

Một người hành khất lỡ bước bị nhức đầu ngồi đờ đẫn, một chị bán hàng rong ngang qua bất chợt đau bụng... Những trường hợp như thế, tủ thuốc được mở ra... và khi cơn đau dịu xuống họ lại lao vào cuộc mưu sinh.

Tủ thuốc nghĩa tình

Qua nhiều đợt đổi thay, hẻm 96 chỉ còn chưa đầy 200m. Nhà cửa hai bên giờ khang trang hơn. Ghé vào một hàng nước, qua câu chuyện trao đổi thêm về những phận người trong con hẻm này, chị chủ hàng chỉ ngón tay về phía đầu hẻm: ''Anh có thấy 2 tủ thuốc trên vách không?''.

Chúng tôi hướng mắt nhìn ra. Đúng là có 2 tủ thuốc treo trên vách cùng với bàn thờ ông địa…

Tủ thuốc từ thiện.

Tủ thuốc từ thiện.

''Tủ thuốc này có từ nhiều năm nay rồi''. Chị chủ hàng nước nói tiếp. Trước đây, con đường Phan Đình Phùng còn cho xe 4 bánh chạy 2 chiều nên tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên. . .

Có lần, một chiếc taxi quẹt vào xe của một phụ nữ. Chị này ngã xuống đường, chân bị một vết thương ra máu khá nhiều. Bà con trong hẻm và mấy anh xe ôm chạy đến. Anh Phúc, một người chạy xe ôm phải mất nhiều thời gian để vào tiệm thuốc mua bông băng đến cầm máu cho chị rồi cùng bà con trong xóm đưa chị lên xe ôm đến bệnh viện cấp cứu.

Bông băng hôm ấy dư ra, anh Phúc cho vào chiếc tủ nhỏ. Từ đó tủ thuốc phát triển. Nhờ tấm lòng của bà con trong hẻm và những người hảo tâm đóng góp, tủ thuốc đầy thêm ra để bây giờ 2 tủ thuốc không còn chỗ chứa.

Hiện giờ, trong tủ thuốc không chỉ có bông băng mà còn có nhiều loại thuốc thông thường khác. Một người hành khất lỡ bước bị nhức đầu ngồi đờ đẫn, một chị bán hàng rong ngang qua bất chợt đau bụng... Những trường hợp như thế, tủ thuốc được mở ra... và khi cơn đau dịu xuống họ lại lao vào cuộc mưu sinh.

Anh Út lấy thuốc cho một chị bán báo bị đau đầu.

Anh Út lấy thuốc cho một chị bán báo bị đau đầu.

Có ngồi đây mới chứng kiến được hết những cảnh ngặt nghèo của những người cùng khổ. Giúp đỡ người hoạn nạn là những người làm mai, ăn chiều. Không giàu nhưng họ có tấm lòng. Giúp được ai thì giúp, không cần ai biết, chẳng cần ai trả ơn. Chỉ cần mỗi hành động mỗi nghĩa cử được đáp trả bằng chút thanh thản, chút bình an là họ vui lắm rồi.

“May mà nghĩa cử này được nhiều người biết đến ủng hộ tiếp sức thêm. Như ông chủ trại hòm Vạn Phúc đó và còn nhiều người nữa anh ạ, họ đã sát cánh cùng anh Út vá xe, anh Phúc xe ôm vực dậy những mảnh đời mất mát, bất hạnh...”, chị chủ hàng nước vừa nói vừa dõi mắt nhìn ra đầu hẻm.

Xe cứu thương 2 bánh

Con hẻm vẫn bình lặng. Người ra kẻ vào, ai có công việc nấy. Chị hàng nước vẫn tiếp tục công việc của mình nhưng khi nghỉ tay chị lại tiếp tục câu chuyện.

Chị nói: ''Tủ thuốc được hình thành nhằm giúp sơ cứu những nạn nhân tai nạn giao thông rồi từ đó mà phát triển ra. Nhưng cũng từ nguyên nhân đó con hẻm 96 này lại có thêm một nghĩa cử mới: xe cứu thương 2 bánh".

Nhóm xe ôm ở con hẻm này không đến 10 người. Họ thường đứng tập trung đón khách ở đầu hẻm. Trước đây tai nạn giao thông trên đường Phan Đình Phùng xảy ra rất thường xuyên. Cũng may là chưa có tai nạn nào chết người nhưng đổ máu thì rất nhiều. Mỗi lần có tai nạn, anh em xe ôm lao vào. Người thì bông băng lo cầm máu vết thương. Anh Phúc mang xe đến chờ sẵn. Nạn nhân được đưa lên xe và một anh khác ngồi phía sau ôm chặt nạn nhân, anh Phúc chạy thẳng đến bệnh viện gần nhất. Nhờ vậy mà nhiều người được cứu chữa kịp thời. Có người sau khi bình phục tìm đến cám ơn anh và ngỏ ý xin gởi lại tiền xe nhưng không anh nào nhận cả.

Anh Đỗ Văn Phúc, năm nay vừa tròn 60 tuổi cũng là cư dân trong hẻm. Tâm sự với chúng tôi, anh Phúc cho biết anh bắt đầu chạy xích lô rồi đến xe ôm vào những năm cuối thập niên 1970.

Anh cho biết, do xin không việc được nên đành phải chạy xích lô kiếm sống. Được vài năm thì chuyển sang chạy xe ôm. Chính cái nghề chạy xe này đã giúp anh hiểu rõ thân phận con người hơn. Một người nhặt phế liệu lỡ đường, một phụ nữ khuyết tật bị nạn, một cụ già quên đường về… anh đều chở giúp miễn phí. Tính đến nay sau mấy chục năm chạy xe, bao nhiều trường hợp như thế anh không thể nhớ hết.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và anh bị cắt đứt vì hai đứa trẻ. “Ông nội ơi” - một đứa gọi anh. Nó đưa hai tay đòi anh bế để lên đùi. Thì ra, vợ anh dẫn cháu ra gọi ông về ăn cơm.

Nội ơi… về ăn cơm!

Nội ơi… về ăn cơm!

“Anh thấy đó, các con tôi giờ đã yên phận. Chỉ con cô con gái bị tim bẩm sinh chưa có gia đình nhưng nó cũng tự sinh sống được bằng tủ thuốc lá. Chúng đều có công ăn việc làm ổn định. Vợ chồng tôi không còn nặng gánh con cái… Cái thanh thản của con người là biết đủ. Biết đủ nó sẽ đủ, không biết đủ không bao giờ đủ” – anh Phúc nói

Anh Phúc và cô con gái bị bệnh tim bẩm sinh.

Anh Phúc và cô con gái bị bệnh tim bẩm sinh.

Anh Út và anh Phúc không giàu sang, không địa vị nhưng các anh đã biết đủ. Những cái dôi dư ra sẵn sàng dành để chia sẻ với những người khốn khổ hơn mình. Chính nhờ vậy, các anh đã sống được một cuộc sống đầy ắp tin yêu hơn vạn lần những người giàu có.

Theo Trần Chánh Nghĩa
VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm