Đắk Nông:
Người từ tâm dịch TPHCM được đón về quê: "Vui không tả nổi!"
(Dân trí) - Lâm cảnh khốn khổ khi bị mắc kẹt tại tâm dịch TPHCM, đạt nguyện vọng tha thiết được tỉnh đón về quê nhà, nhiều người dân Đắk Nông cùng tâm trạng với vợ chồng ông Đặng Văn Mới: "Vui không tả nổi!".
Ngày 19/8, tỉnh Đắk Nông tổ chức đợt đầu tiên đón công dân từ TPHCM về quê. Đây là công dân thuộc nhóm ưu tiên số một, gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người đang điều trị bệnh.
Theo đó, tỉnh Đắk Nông đã huy động 10 xe khách giường nằm cùng 47 cán bộ, nhân viên phục vụ tới Bến xe miền Đông (TPHCM) để đón hơn 200 công dân đầu tiên của tỉnh này về do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tất cả công dân được đón về là những người có hoàn cảnh khó khăn, người già yếu và người "mắc kẹt" lại thành phố do điều trị bệnh. Chính vì thế, được đón về lần này, người dân có rất nhiều cảm xúc khi có những chuyến xe đón đưa về nhà "hiếm hoi" trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chị Lê Thị Tuyết Dân (sinh năm 1988, thường trú ở xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp) là một trong số 203 công dân được tỉnh Đắk Nông đón về trong đợt đầu tiên.
Gần 3 tháng không có việc làm, cả hai vợ chồng chị Dân cùng con trai một tuổi hàng ngày chỉ sống trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 20 m2 tại quận 12, TPHCM. Cuộc sống chật vật, có khi 2 tuần mới đi chợ một lần nên cả gia đình đều mong mỏi được về lại tỉnh Đắk Nông.
"Bản thân tôi có con nhỏ, lại mang thai tháng thứ 3 nên được tỉnh Đắk Nông bố trí cho 2 suất về quê tránh dịch, còn chồng tôi thì phải ở lại. Thực sự khi được nghe tin gia đình mình được đón về, cảm xúc tôi rất hỗn độn, vừa vui khi được trở về, vừa lo vì chồng vẫn còn ở lại tâm dịch", chị Dân cho biết.
Trong số công dân trở về đợt này, có lẽ gia đình anh Vũ Tự Hào (SN 1985, thường trú tại thôn 13, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) may mắn hơn cả vì ngoài anh thì vợ và con đều được bố trí đón về trong đợt đầu tiên.
Chị Nguyễn Thị Thu Nga (vợ anh Hào) chia sẻ, chồng bị tai nạn giao thông từ đầu năm 2021 nên cả 3 người chỉ trông chờ vào công phụ hồ của chị.
Từ khi dịch bùng phát mạnh tại TPHCM, chị mất việc. Tiền mua lương thực hàng ngày cũng không thể xoay xở chứ chưa nói đến tiền phòng trọ. Được đón về, cả gia đình mừng đến nỗi ôm nhau khóc và quyết định trả lại phòng trọ để về hẳn quê.
"Cuộc sống khốn khó quá, không có việc làm nên cầm cự sống cả hơn một tháng nay. Chủ nhà trọ họ thương, họ chưa lấy tiền phòng nhưng tôi xin để lại cái xe máy làm tin, khi nào có tiền, tôi sẽ xuống trả tiền cho chủ", chị Nga xúc động.
Dù phải mang đồ bảo hộ trong suốt nhiều tiếng đồng hồ và cách ly tập trung 14 ngày, nhưng với công dân được đón về, điều đó không làm khó họ. Bởi không có niềm vui nào ở thời điểm này bằng việc được tham gia "chuyến xe đặc biệt" về từ tâm dịch.
Ngồi chờ để làm thủ tục trước khi lên xe, vợ chồng ông Đặng Văn Mới (SN 1960, trú tổ 2, phường Nghĩa Tân, TP Gia Nghĩa) "vui không tả nổi" khi được trở về quê nhà sau thời gian dài mắc kẹt tại TPHCM.
4 tháng trước, ông Mới cùng vợ xuống TPHCM để khám bệnh. Thế nhưng, do căn bệnh tiểu đường khiến bà Yến (vợ ông Mới) không dám đi xe khách về. Đến khi tình hình dịch bệnh căng thẳng thì TPHCM lại thực hiện giãn cách, hai vợ chồng phải ở lại phòng trọ của người con trai.
"Cuộc sống của các con cũng khó khăn quá, mình về rồi chúng nó cũng đỡ vất vả hơn. Chỉ mong sao thành phố sớm dập được dịch, đời sống của người dân trở về bình thường", bà Yến nói rồi khập khiễng bước lên xe.
Ông Trịnh Công Phái, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông (trưởng đoàn) cho biết, trong đợt đầu tiên, tỉnh đón những người thuộc nhóm ưu tiên số một do UBND tỉnh Đắk Nông quy định.
"Việc đưa đón công dân là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của tỉnh đối với bà con, là việc làm hết sức nhân văn trong thời điểm hiện tại. Chính vì thế, mỗi thành viên phải ân cần, chăm sóc, hướng dẫn tận tình bà con", ông Phái cho hay.