1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người Trường Sa

Người Trường Sa là danh xưng và phẩm chất những công dân đã, đang và sẽ thay mặt dân tộc Việt Nam thực thi sứ mệnh thiêng liêng: Làm phên giậu bảo vệ chủ quyền cương thổ nơi “đầu sóng, ngọn gió” biển Đông!

Trẻ thơ xinh tươi, hồn nhiên trên đảo Trường Sa Lớn

Trẻ thơ xinh tươi, hồn nhiên trên đảo Trường Sa Lớn
 
1. Đại tá Lê Văn Tân - Trưởng khoa Triết học của Học viện Hải quân - gần hai thập niên chuyên tâm nghiên cứu, viết sách và truyền dạy “tinh thần Trường Sa” cho sĩ quan hải quân và là người đã hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ về những giá trị đặc trưng của môi trường văn hóa trên quần đảo Trường Sa trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước.

Ông khái quát: “Quân và dân Trường Sa đã và đang chứng minh một triết lý nhân sinh trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên; bằng sức mạnh đoàn kết gắn bó và ý chí không lùi bước trước mọi thử thách. “Người Trường Sa” đã tạo dựng nên môi trường văn hóa Trường Sa, với những giá trị đặc thù - văn hóa hy sinh, văn hóa bảo vệ chủ quyền, văn hóa làm chủ hoàn cảnh - tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp bảo vệ và phát triển quần đảo thành huyện đảo”.

Trường Sa là biểu tượng của ý chí kiên cường mở cõi và bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Lịch sử còn lưu giữ nhiều hiện vật, bút tích… liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa tiên phong mở cõi giữa biển Đông. “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”, nhiều thế kỷ trôi qua, sử sách và dân gian vẫn lưu truyền ngày lễ khao lề thế lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Đó là nghi lễ độc đáo của văn hóa hy sinh - những dân binh tình nguyện tự tế sống mình với đôi chiếu, 7 sợi dây mây, 7 cái đòn tre… trước khi xuống tàu, vượt trùng dương đến “bãi cát vàng”.

Từ bấy đến nay, bao thế hệ lính Trường Sa tiếp tục nối gót ông, cha; người trước ngã, người sau tiếp bước! Làm sao quên được dáng đứng liệt sĩ Trần Văn Phương trên đảo Gạc Ma, hiên ngang quấn chặt quốc kỳ trước sự áp đảo của quân thù. Làm sao quên được hình ảnh con tàu HQ 505 kiêu hùng ủi bãi, băng qua bão đạn, lao thẳng lên đảo Cô Lin, thủy thủ đoàn quyết xả thân… cắm vững tấm bia chủ quyền vĩnh cửu.

“Đó là hành động chưa từng có trong trong tiền lệ lịch sử hải quân thế giới.” - TS Lê Văn Tân hồi tưởng: “Khoảng 15 năm trước, nếu không đến Trường Sa, không thể tưởng tượng anh em chiến sĩ đã hát như thế nào với cây đàn guitar chỉ còn 1 dây. Bây giờ trở lại, cảm xúc dâng trào, lặng ngắm bia chủ quyền nổi bật hình bộ đội hải quân bất khuất hiên ngang trên nền cờ đỏ sao vàng, chúng tôi hiểu rằng đó là những di chỉ văn hóa, khẳng định vị thế vững vàng, tự tin của người Trường Sa trước biển”.

2. Chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa kiêm Chính ủy Lữ đoàn M46 - đại tá Nguyễn Văn Thắng - là một trong không biết bao nhiêu người đã dâng hiến cuộc đời cho sự nghiệp bảo vệ quần đảo tiền tiêu. Dưới góc nhìn của một sĩ quan quân đội hiện đang lãnh đạo chính quyền, ông đồng tình với nhận định của TS Lê Văn Tân, rằng: “Ở những thời điểm lịch sử đặc biệt, sức mạnh tinh thần đã chuyển hóa thành tiềm lực vật chất, đóng vai trò quyết định thắng lợi; văn hóa Trường Sa là biểu tượng sức mạnh con người chiến thắng và làm chủ hoàn cảnh”.

15 năm trở về trước, các nhà văn, nhà báo đến Trường Sa thường cảm thấy có lỗi, bởi ngôn ngữ không đủ sức diễn tả hết vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất can trường của người lính đảo. Thời gian gần đây, được Nhà nước cùng nhân dân chăm lo, đời sống văn hóa tinh thần trên đảo ngày càng phong phú, nhưng nhắc đến Trường Sa, không thể nào quên biểu tượng hoa phong ba, đàn guitar và nụ cười ngời sáng trên gương mặt người chiến sĩ hải quân.

Chủ tịch thị trấn Trường Sa - thượng tá Trịnh Văn Long - kể: “Tôi sinh ra, lớn lên ở một làng quê nghèo Thanh Hóa, 18 tuổi nhập ngũ. Năm 1993, ngày cưới vợ cũng là lúc nhận lệnh: “Tăng cường cho Trường Sa!”. Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác hạnh phúc xen lẫn tự hào khi lần đầu tiên rời tàu lên đảo. Vinh dự trở thành công dân Trường Sa – sống xa gia đình, rất nhớ thương vợ con, nhưng 3 năm vừa qua đối với tôi là khoảng thời gian quý báu, trải nghiệm đời lính hải quân và cảm nhận tình đồng đội, nghĩa đồng bào…”.

Lại nhớ lập luận của một vị tướng hải quân, đại ý rằng, nam nhi thành niên vào quân ngũ mới thấm nhuần hai từ nghĩa sĩ. Ra trận, nghĩa sĩ nhắm thẳng quân thù mà bắn, nhưng sẵn sàng lấy thân che chắn đường tên, mũi đạn… cứu quân mình! Hiển nhiên, nghĩa sĩ con dân hiền lành, chân chất; nhưng một khi đã vượt qua hành trình trên biển và dự hưởng nghi lễ thả hoa trước đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao… với tâm nguyện “Đời đời nhớ ơn liệt sĩ!” thì tất thảy công dân Việt Nam tình nguyện đến Trường Sa đều mặc định trong trái tim mình chân lý: “Ở đâu có dân, ở đó có chủ quyền dân tộc!”.

Chạnh nhớ vô vàn đôi mắt biết nói của những đoàn quân mà chúng tôi từng tiễn chân xuống tàu ra đảo. Ngày trở về, mọi người mừng vui nhận xét, rằng tết trên đảo có đầy đủ thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh... Giao thừa, qua điện thoại nghe người thân chúc mừng năm mới, tưởng như thời gian trôi nhanh hơn và khoảng cách biển-bờ không còn xa ngái! Đại tá Thắng cho hay, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ bày tỏ mong muốn tiếp tục ở lại làm công nhân quốc phòng hay dân quân tự vệ, rồi đón gia đình ra Trường Sa lập nghiệp.

3. Cô giáo Bùi Thị Nhung - đại diện duy nhất của thế hệ nhà giáo 8X - đã 5 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở Trường Sa. Tôi bật máy, vào Google, nhập từ khóa “cô giáo Bùi Thị Nhung”, chưa đầy nửa giây đã có ngay gần 3 triệu kết quả tìm kiếm; thật thú vị, vậy mà “nhân vật chính” hoàn toàn không biết. Tôi tin, lúc nộp đơn tình nguyện dạy học ở Trường Sa, Nhung không mảy may tính toán thiệt hơn.

Từ đảo Trường Sa Lớn, cô giáo Nhung tiếp chuyện tôi qua… điện thoại: “Năm 2008, quyết tâm xin “đầu quân” cho Trường Sa. Ngày đầu tiên lên đảo, hạnh phúc bất ngờ, cuộc sống thật nên thơ, không có bức tranh nào đẹp hơn những người lính đảo mặc áo trắng tinh, hồn nhiên đàn hát giữa trời xanh, biển xanh và rợp mát bóng cây xanh. Ở Trường Sa không phân biệt quân dân, không khoảng cách giàu nghèo, không bon chen quyền chức…; lễ tết, cả làng nấu ăn chung; đêm đêm, nghe chuông chùa, lòng thật bình yên!”.

Mỗi ngày mới, cô giáo Nhung lại có thêm niềm vui nho nhỏ. Lớp học ghép gồm 4 khối, 7 học sinh tiểu học và 4 cháu mầm non, một mình cô giáo soạn giáo án, phân chia thời khóa biểu, vừa dạy chữ, vừa dạy múa hát. Xuất thân nhà nông, Nhung quen thức khuya dậy sớm, chịu khó chăn nuôi gà, ngan… để cải thiện đời sống, tranh thủ sau giờ lên lớp chăm chút chồng con, thăm hỏi bà con lối xóm và phụ giúp bộ đội rất nhiều công việc “không tên”. Năm tháng qua nhanh, người gieo chữ đã gặt hái điều kỳ diệu.

Lứa học sinh đầu tiên có 6 em, bây giờ đã lên cấp THCS, về đất liền, các cháu hòa nhập rất nhanh, sức học cũng không thua kém bạn bè trong thành phố. Nhung thổ lộ: “Năm 2013 hết nhiệm kỳ, nhưng em đã gửi đơn xin ở lại Trường Sa 5 năm nữa. Tài sản lớn nhất và giá trị nhất của em là tất cả học sinh chăm ngoan, tự giác và gia đình đầm ấm hạnh phúc.

Chồng em hiện là công nhân quốc phòng. Con gái đầu của chúng em học lớp 1, con trai thứ hai cũng đã 1 tuổi; rất tự hào bởi vì công dân nhí của Trường Sa khôi ngô, khỏe mạnh và thích nghe hát ru Khúc quân ca Trường Sa “biển này là của ta, đảo này là của ta...!”.
 
Theo Bảo Chân
Lao Động