1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Người trong ngành cũng đau xót vì tham nhũng đất đai”

(Dân trí) - “Cuộc họp nào ở Bộ tôi cũng nhấn mạnh yêu cầu cán bộ trong ngành phải chú ý, không thể lợi dụng công vụ để làm giàu trên nguồn tài nguyên của đất nước” - Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang trao đổi về thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng nay, có đại biểu Quốc hội cho rằng, đất đai là tài nguyên quan trọng nhất nhưng cũng là lĩnh vực phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhiều nhất hiện nay. Bộ trưởng đánh giá thế nào về nhận định này?

Vấn đề này đã có nhiều ý kiến, chuyên gia nói chứ không chỉ một đại biểu nêu. Đúng là hiện nay, chúng tôi là những người trong ngành cũng cảm thấy hết sức đau xót khi nhìn thực trạng khiếu kiện và tham nhũng, tiêu cực nóng bỏng trong lĩnh vực này. Phải nói sai phạm, tiêu cực là khá phổ biến.

Việc đó do nhiều vấn đề. Trước đây, thời kỳ bao cấp, có thể nói không mấy người quan tâm nhiều đến đất đai. Nhưng sang đến thời cơ chế thị trường hiện nay, đất đai trở nên có giá nên bỗng chốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Về luật pháp, nhiều nội dung quy định chưa chặt chẽ, bị phân cấp về mặt thẩm quyền hay việc giám sát thực thi công vụ của một cán bộ cũng có vấn đề.
 
Bộ trưởng Nguyễn Minh Qung: Việc giám sát cán bộ quản lý đất đai hiện có vấn đề (ảnh: N.T).
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: "Việc giám sát cán bộ quản lý đất đai hiện có vấn đề" (ảnh: N.T).

Kẽ hở nào dẫn tới hiện tượng tham nhũng phổ biến, phức tạp trong lĩnh vực đất đai hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Hiện tượng tiêu cực, tham nhũng liên quan chủ yếu đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ví dụ chuyển từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo ra kẽ hở. Thay đổi quy hoạch sử dụng đất, chuyện cấp đất cho các dự án… cũng là những phần việc dễ bị lợi dụng. Nhiều dự án mang danh dự án phát triển đô thị nhưng thực ra dự án đô thị đó lại liên quan đến mục đích kinh doanh… Tôi cho rằng tới đây phải sửa quy định liên quan đến những việc này. Trước đây chúng ta cấp cho các doanh nghiệp tư nhân những diện tích đất đai lớn quá mà họ không có tiềm lực thực hiện, dẫn đến bỏ hoang hóa rất nhiều.

Hiện diện tích hàng chục nghìn ha đất đang để hoang hóa do chuyển đổi sai mục đích, cấp sai đối tượng ở những dự án treo vô thời hạn của khoảng 10.000 đơn vị quản lý là sự lãng phí, sai phạm lớn. Bộ có giải pháp gì để xử lý vấn đề này?

Vấn đề này là “chuyện đã rồi”. Giờ các cấp phải có trách nhiệm triển khai xử lý, không có cách nào khác. Giờ thực tế có rất nhiều doanh nghiệp nhận đất rồi để đấy, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Chúng tôi đã giao cho các địa phương kiểm tra sau đó sẽ có tổng hợp và báo cáo lên Thủ tướng cùng với hướng đề xuất xử lý vấn đề này. Đất đã hết thời hạn triển khai dự án rồi mà không sử dụng thì phải thu hồi.

Như ông nói, việc giao đất cho doanh nghiệp thời gian qua quá dễ dàng. Theo ông giờ sẽ phải siết lại bằng cách nào?

Hướng điều chỉnh sau này, theo tôi là giao đất phải trên cơ sở xác định phạm vi đất và đấu giá. Các doanh nghiệp chỉ là những nhà đầu tư thứ cấp thôi, sẽ không có chuyện giao đất trắng nữa. Tinh thần xử lý là như vậy.

Để xảy ra tình trạng phức tạp khó gỡ này, trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Bộ TN-MT với vai trò bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này, trách nhiệm đến đâu thưa ông?

Bộ TN-MT chủ yếu chỉ làm về thể chế, còn cụ thể việc quản lý địa phương làm là chính. Thẩm quyền giao đất, các thủ tục này khác đều là làm ở địa phương cả. Nói vậy không có nghĩa trách nhiệm của Bộ không có nhưng rõ ràng cũng phải hết sức quan tâm khi đánh giá. Cuộc họp nào ở Bộ tôi cũng nhấn mạnh yêu cầu cán bộ trong ngành phải hết sức chú ý, làm việc với chức trách của người cán bộ công chức, không thể lợi dụng công vụ để làm giàu trên nguồn tài nguyên đất nước.

Ưu tiên sửa luật về giá đền bù, thu hồi đất

Bộ TN-MT đang chuẩn bị tổng kết về lĩnh vực đất đai để báo cáo Hội nghị TƯ 7 tới. Sau khi đưa ra xin ý kiến QH về việc lùi thời hạn sửa luật, kế hoạch lại quay về lịch cũ, cuối năm nay sẽ trình để Quốc hội xem xét lần đầu. Việc chuẩn bị đang rất khẩn trương.

Giá đất là vấn đề cơ bản, cần nghiên cứu kỹ hơn. Nói xác định giá đất theo giá thị trường không hề đơn giản vì thời gian qua việc phát triển đô thị nóng ghê gớm. Nếu cứ lấy đó làm căn cứ thì không có cơ sở gì định giá.

Việc thu hồi đất bất cập thời gian qua cũng do vấn đề giá. Hiện tại chúng ta có hai hình thức thu hồi đất: 1 - nhà nước thu hồi với mục đích cho quốc phòng an ninh, dự án phát triển kinh tế lớn; 2- thỏa thuận. Chính thỏa thuận tạo ra chênh lệch về giá dẫn đến việc người dân có thắc mắc về chuyện này. Nhưng việc không thể khác được, Nhà nước không thể đứng ra thu hồi cho tất cả các dự án.

Về thời hạn giao đất sẽ kéo dài hơn, lên mức 50 năm, thực ra là để người dân yên tâm vì nhiều loại đất không cần thời hạn dài như đất trồng cây hàng năm chẳng hạn.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm