1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Người trồng hoa vùng lũ không được hỗ trợ tái sản xuất

(Dân trí) - Những đợt lũ liên tiếp cuối năm 2016 khiến hàng trăm hộ dân ở "thủ phủ" hoa cúc huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) mất trắng 200 nghìn chậu hoa bán Tết. Bị thiệt hại nặng nhưng người trồng hoa không được hỗ trợ tái sản xuất vì chưa có cơ chế.

Thiệt hại chồng thiệt hại

Đợt mưa lũ cuối năm 2016 khiến 400 chậu hoa cúc của ông Huỳnh Ngọc Ấn (thị trấn Sông Vệ, Tư Nghĩa) bị chết do ngập nước. Số còn lại cũng bị rụng lá, hoa nở không đều khiến giá bán giảm sút. Ông Ấn tính toán, không tính công chăm sóc thì gia đình ông phải bỏ ra trên 25 triệu đồng để trồng hoa. Đến sát thời điểm xuất bán thì hoa chết gây thiệt hại nặng. "Bị ngập nước mấy đợt liên tiếp nên chết gần hết, còn lại trên 100 chậu cũng bị ép giá nên số tiền thu về chưa được một nửa chi phí đầu tư", ông Ấn nói.


Hàng trăm chậu hoa nở không đúng tiêu chuẩn do ngập lũ bị bỏ chết khô.

Hàng trăm chậu hoa nở không đúng tiêu chuẩn do ngập lũ bị bỏ chết khô.

Để có được một chậu hoa đẹp xuất bán cho thương lái, người nông dân phải cần mẫn chăm bón hơn 2 tháng trời. Chi phí trồng hoa cũng rất lớn, nhất là tiền mua giống, phân bón và điện thắp sáng cho hoa phát triển trong thời điểm mưa lạnh. Vì vậy việc hàng trăm ngàn chậu hoa chết do ngập nước khiến người chuyên canh cây hoa của huyện Tư Nghĩa lỗ vốn.

Tại thời điểm này, 160 hộ dân trồng hoa ở xã Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa) buồn rầu vì không được hỗ trợ thiệt hại do lũ lụt gây ra. Phần lớn hoa bị chết, số còn lại phát triển không đúng tiêu chuẩn nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nghĩa Mỹ chán nản bỏ hoa chết khô. Mất trắng 300 chậu hoa do nước lũ, chị Trương Thị Nhẫn (xã Nghĩa Mỹ, Tư Nghĩa) bức xúc: "Tại sao trồng lúa, đậu bị thiệt hại được hỗ trợ, trong khi người trồng hoa chúng tôi bị thiệt hại lại không được hỗ trợ tái sản xuất. Năm nào cũng bị lỗ vốn như thế này làm sao giữ được nghề truyền thống của cha ông".

Ông Huỳnh Ngọc Ấn mong muốn được hỗ trợ thiệt hại để có vốn đầu tư vào vụ hoa tiếp theo.
Ông Huỳnh Ngọc Ấn mong muốn được hỗ trợ thiệt hại để có vốn đầu tư vào vụ hoa tiếp theo.

Toàn xã Nghĩa Mỹ có trên 100 ngàn chậu hoa bị chết khiến đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. "Thiệt hại của người trồng hoa là rất nặng nề, nhiều hộ gần như mất trắng. Vì vậy chúng tôi mong muốn cấp trên có chính sách hỗ trợ thiệt hại hoặc tạo điều kiện về vốn vay để người dân có điều kiện tái sản xuất ổn định đời sống", ông Nguyễn Công Binh - PCT UBND xã Nghĩa Mỹ nói.

Cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Huyện Tư Nghĩa được xem là "thủ phủ" hoa của tỉnh Quảng Ngãi với trên 600 hộ chuyên canh lại cây trồng này. Mỗi năm tại đây xuất bán ra thị trường từ 500 - 600 ngàn chậu hoa các loại, trong đó nhiều nhất là hoa cúc. Ước tính trong vụ hoa cuối năm 2016 vừa qua, người trồng hoa trên địa bàn huyện thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Thiệt hại không kém cây lúa và các loại rau màu khác, tuy nhiên cây hoa không thuộc đối tượng hỗ trợ để khôi phục sản xuất.

Theo ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tư Nghĩa, các quyết định hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh của tỉnh Quảng Ngãi ban hành năm 2009 và 2011 không áp dụng đối với cây hoa. Vì vậy nhiều năm qua người trồng hoa trên địa bàn huyện Tư Nghĩa không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Mới đây nhất, Nghị định 02 ngày 9/1/2017 của Chính phủ về Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cũng không áp dụng đối với loại cây trồng này.

"Huyện cũng đã có kiến nghị tỉnh điều chỉnh cơ chế hỗ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương nhưng đến thời điểm này cây hoa vẫn chưa được đưa vào diện hỗ trợ. Điều này khiến người trồng hoa bị thiệt hại do lũ lụt gặp rất nhiều khó khăn", ông Thanh cho biết.

Thực trạng nêu trên cho thấy, cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị ảnh hưởng do bão lũ tại Quảng Ngãi vẫn chưa phù hợp với điều kiện thực tế của một số địa phương. Vì vậy, hàng trăm hộ dân trồng hoa của tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang trông đợi vào sự "thay đổi" cơ chế của chính quyền để được trợ lực tái sản xuất nhằm ổn định đời sống.

Hà Xuyên