1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người tố cáo và người thân đều được bảo vệ khi bị trù dập, đe dọa

(Dân trí) - Theo dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra lấy ý kiến lần đầu, người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mình hoặc người thân thích của mình khi có căn cứ xác định bị trù dập, đe dọa hoặc xâm hại tính mạng, danh dự,...

Bà Khuất Thị Định và bà Hoàng Thị Nguyệt nghẹn ngào sau khi được nhận giấy khen vì thành tích tố cáo sai phạm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội (Ảnh tư liệu: Hồng Hải).
Bà Khuất Thị Định và bà Hoàng Thị Nguyệt nghẹn ngào sau khi được nhận giấy khen vì thành tích tố cáo sai phạm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội (Ảnh tư liệu: Hồng Hải).

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) yêu cầu người tố cáo nghĩa vụ nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình và phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Đồng thời nghiêm cấm hành vi gây khó khăn, phiền hà đối với việc thực hiện quyền tố cáo của công dân; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết tố cáo; tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo; cản trở việc thực hiện quyền tố cáo; đe doạ, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo hoặc bao che người bị tố cáo....

Bảo vệ tài sản và thân thích của người tố cáo

Dự thảo luật quy định rất chi tiết về việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Đối tượng bảo vệ gồm người tố cáo và người thân thích của họ. Thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ.

Người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mình hoặc người thân thích của mình khi có căn cứ xác định việc bị kỷ luật, buộc thôi việc, luân chuyển công tác hoặc bị các hình thức trù dập, phân biệt đối xử khác, bị đe dọa xâm hại hoặc xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời có thể đề nghị thay đổi biện pháp bảo vệ nếu có căn cứ cho rằng biện pháp đó không bảo đảm an toàn và được từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ.

Dự thảo luật đề xuất người tố cáo sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ mình mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không áp dụng hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tổn thất về tinh thần cho người được bảo vệ.

Ngoài ra, điều 41 dự thảo luật quy định rất rõ về bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo.

“Khi tiếp nhận tố cáo, thụ lý giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc, những thông tin nếu tiết lộ sẽ gây bất lợi cho người tố cáo để áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo. Trường hợp cần thiết có thể lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người tố cáo theo chế độ thông tin mật”- dự thảo nêu rõ.

Trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu có yêu cầu làm việc trực tiếp với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì người giải quyết tố cáo phải bố trí thời gian, địa điểm và lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo.

Khi có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình hoặc người thân thích của mình, người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an nơi người tố cáo, người thân thích của người tố cáo cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Yêu cầu bảo vệ của người tố cáo phải bằng văn bản. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể yêu cầu trực tiếp bằng miệng hoặc thông qua các phương tiện thông tin khác, nhưng sau đó phải thể hiện ngay bằng văn bản...

Khen thưởng xứng đáng người tố cáo

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc giải quyết tố cáo, người tố cáo có công trong việc ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì được khen thưởng về vật chất và tinh thần.

Việc khen thưởng phải chính xác, công bằng, kịp thời, bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất. Việc xét khen thưởng chỉ thực hiện một lần đối với một thành tích của mỗi đối tượng.

Hình thức khen thưởng gồm: Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan Trung ương các đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương...

Nguồn kinh phí khen thưởng đối với người có thành tích trong việc tố cáo được trích từ quỹ khen thưởng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ quy định cụ thể về việc lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng người có thành tích trong việc tố cáo.

Cá nhân có thành tích trong việc tố cáo ngoài việc được khen thưởng Huân chương, Bằng khen, Giấy khen theo quy định còn được kèm theo một khoản tiền thưởng. Mức thưởng dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Đối với cá nhân có thành tích trong việc tố cáo hành vi tham nhũng thì được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thời hạn giải quyết vụ việc tố cáo phức tạp là 90 ngày

Dự thảo luật đề xuất trường hợp nhận được đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì đơn vị xử lý báo cáo người có thẩm quyền giải quyết tố cáo xử lý theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự.

Trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân thì cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan khác có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày làm việc; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày làm việc.

Thế Kha