Người tố cáo chỉ còn nước… khăn gói về quê
(Dân trí) - “Tôi nói bây giờ ở cơ quan, đơn vị, lính mà tố cáo Thủ trưởng, xin thưa trước khi viết đơn tố cáo anh nên khăn gói về nhà chắc ăn hơn, vì trước sau cũng bị như vậy.”, đại biểu Trần Văn Kiệt trăn trở với vấn đề bảo vệ người tố cáo.
Thảo luận về dự thảo luật Tố cáo sáng 18/11, rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội “xoáy” vào các vấn đề về tố cáo nặc danh, cơ chế bảo vệ người tố cáo…
Ai cũng muốn đừng “ném đá giấu tay”, nhưng…
Quy định “người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực nội dung tố cáo; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được” trong dự thảo luật là nội dung gây nhiều tranh luận.
Đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM) cho rằng, về bản chất, tố cáo là một thông tin, cũng tương tự như tin báo tội phạm, cho nên không cần câu nệ về chuyện nặc danh hay không nặc danh.
Theo bà Hồng, nếu thông tin rõ ràng, dù có nặc danh hay không nặc danh chúng ta vẫn phải xử lý, vẫn phải xem xét để giải quyết và nếu cán bộ có vi phạm vẫn phải kỷ luật.
Đại biểu Ngô Minh Hồng: "Không nên câu nệ nặc danh hay không nặc danh" (Ảnh: Việt Hưng)
“Ai cũng muốn "đừng ném đá giấu tay", đừng đứng trong bóng tối, nhưng thực ra rất nhiều người tố cáo là những người yếu thế, tố cáo là tố cáo cấp trên, sợ rằng mình sẽ bị hại hoặc ảnh hưởng đến con cái, gia đình mình”, bà Hồng lập luận.
Đại biểu Trần Văn Kiệt cho rằng, “hình như” hiện nay một số ngành Trung ương, địa phương còn “ngán sợ” đơn tố cáo, trong khi theo ông đây lại là một kênh vô cùng quan trọng. Ông Kiệt nhìn nhận, đa phần những người tố cáo không vì quyền lợi mà vì lợi ích chung, nhưng do chưa được bảo vệ đến nơi đến chốn nên mới phải giấu tên. Do vậy, cần phải xem xét thấu đáo quy định về vấn đề này.
Cho rằng bỏ qua đơn thư nặc danh là “lãng phí”, đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) đề nghị, trong nhiều trường hợp nếu không giải quyết, cũng nên có quy định về hướng xử lý. “Nếu đơn thư nặc danh có địa chỉ, có nội dung rõ ràng mà chúng ta không xem xét thì chúng ta đâu còn là cơ quan Nhà nước phục vụ cho nhân dân”, bà Nga lập luận.
Theo bà Nga, những người nặc danh có thể là những người không dám xưng tên, xưng địa chỉ, nhưng khi những thông tin này có đầy đủ địa chỉ, có đầy đủ những nội dung cần thiết, phải xử lý hoặc coi đó là một thông tin, không nên gạt bỏ.
Khác với các ý kiến trên, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) lại cho rằng, thừa nhận tố cáo nặc danh sẽ khuyến khích việc này, làm phức tạp tình hình và không có tác dụng. Luật không nên đặt vấn đề này để từng bước loại bỏ việc lợi dụng tố cáo, nhất là lúc nâng lương, đề bạt, lên cấp, lên chức, bầu cử...
Trước những tranh luận của đại biểu, Trưởng ban soạn thảo luật, Tổng Thanh tra Chính phủ, Trần Văn Truyền thừa nhận, tố cáo nặc danh là vấn đề rất phức tạp. Tuy nhiên, theo ông Truyền, bên cạnh một số người sợ không dám để lộ danh tính của mình vì bị trả thù, còn có rất nhiều trường hợp lợi dụng để đưa những thông tin rất phức tạp trong những thời điểm phức tạp.
Tổng Thanh tra Chính phủ dẫn chứng, có thư nặc danh nói về một việc nghe rất cụ thể, nhưng thẩm tra, thẩm định lại cũng không có sự việc cụ thể như vậy, nhưng các cơ quan chức năng phải giải quyết và đã giải quyết như vậy có khi làm lỡ việc quyết định các vấn đề về cán bộ, nhất là trong các kỳ đại hội.
Đừng để người tố cáo “không sống được”…
Chuyển sang vấn đề bảo vệ người tố cáo có danh, đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) nhận định, thực tế không có cách nào để giữ được bí mật về người tố cáo. Cho nên vấn đề đặt ra là phải có cơ chế nào đó để bù đắp lại những thiệt thòi cho người tố cáo.
Theo ông Dũng, các biện pháp bảo vệ người tố cáo trong dự thảo luật rất chung chung, trong khi diễn biến thực tế rất phức tạp. Ông dẫn chứng, cách đây 2 năm, tại Bình Định, một người tố cáo “không sống được”, bởi cứ giữa đêm bị ném phân vào nhà.
Khi người này phải bỏ nhà đi, những người gây sức ép còn tới phá luôn nhà. “Dân khóc báo công an, công an cũng chịu vì biết ai dỡ. Đến giờ phút này bàn phối hợp làm sao bù đắp lại cho người ta thì các cơ quan nói không có luật nào quy định việc này cả”, ông Dũng nói.
Đại biểu Trần Văn Kiệt: Phải xem xét quy định về trừng trị người trả thù (Ảnh: Việt Hưng)
Phát biểu sau đó, đại biểu Trần Văn Kiệt cũng đề nghị, nên xem xét lại cách bảo vệ người tố cáo hoặc phải quy định về việc trừng trị người trả thù. “Tôi nói bây giờ ở cơ quan, đơn vị, lính mà tố cáo Thủ trưởng, xin thưa trước khi viết đơn tố cáo anh nên khăn gói về nhà chắc ăn hơn, vì trước sau cũng bị như vậy”, ông Kiệt nói.
Trước những lo ngại của đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ, Trần Văn Truyền “trấn an”, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về bảo vệ ai, bảo vệ như thế nào, ai chịu trách nhiệm, bảo vệ trong những trường hợp nào. Theo ông Truyền, nếu đưa vào luật, sẽ không thể quy định hết các chi tiết.
Cấn Cường