"Người thu nhập thấp sẽ có nhà ở ưu đãi"
(Dân trí) - Với giá nhà cao ngất ngưởng như hiện nay thì 80% dân số VN không có khả năng mua. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Thưa ông, Việt Nam là nước có thu nhập đầu người vào loại thấp nhất thế giới nhưng lại nằm trong 17 nước có giá nhà đất và giá văn phòng cho thuê cao nhất. Đây có phải là một nghịch lý?
Hàng hóa bất động sản (BĐS) phụ thuộc vào các yếu tố chi phối nó như: thị trường vốn, quy hoạch và đất đai. Việc giá nhà của Việt Nam cao trong khi người dân có thu nhập thấp đúng là điều bất cập. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể đồng nhất quan điểm rằng: cứ thu nhập thấp thì giá nhà đất, hàng hoá phải thấp theo.
Hiện nay, nhà nước đang nghiên cứu chính sách để bình ổn thị trường BĐS, làm sao để có đủ hàng hóa nhà đất đáp ứng nhu cầu của bộ phận rất lớn người lao động có thu nhập thấp, phải "kéo" giá nhà xuống cho phù hợp. Đồng thời, nhà nước cũng có chính sách nâng cao thu nhập của người dân lên. Cả hai việc ấy được tiến hành song song.
Thưa ông, đại bộ phận công chức trẻ ở các thành phố lớn hiện nay đang phải sống rất khổ sở trong những căn nhà thuê? Đề án xây dựng nhà ở xã hội mà Bộ xây dựng đang soạn thảo để trình Thủ tướng có quan tâm nhiều đến đối tượng này?
Đúng là hiện nay, công chức với mức lương thấp mà giá nhà cao nên rất khó mua nhà bằng lương. Song cần phải nhìn nhận lại cả quá trình. Nhà nước rất quan tâm đến công chức.Cụ thể là trong giai đoạn từ năm 1992 trở về trước, Nhà nước thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công chức theo chế độ bao cấp về nhà ở. Tuy nhiên do quỹ nhà ở có hạn nên mới chỉ có khoảng 30% số cán bộ, công chức tại khu vực đô thị được phân phối nhà ở, gần 70% công chức chưa được phân nhà bao giờ.
Kể từ sau năm 1992, khi nước ta thực hiện chủ trương đổi mới nền kinh tế thì chính sách phân phối nhà ở đã không còn phù hợp. Chúng ta bỏ cơ chế "bao cấp nhà ở" thay vào đó là chính sách đưa tiền nhà vào tiền lương nhằm tạo điều kiện để người làm công ăn lương chủ động tự tạo lập và cải thiện nhà ở của mình.
Năm 2005, Luật Nhà ở ra đời đã quy định Nhà nước chủ động và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội để cho những người là cán bộ, công chức, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất gặp khó khăn về nhà ở được thuê hoặc thuê mua. Trong đó, ưu tiên những người có nhu cầu bức xúc về nhà ở; các đối tượng hưởng lương từ ngân sách; cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học trở lên, công nhân có tay nghề từ bậc 5 trở lên chưa được nhà nước hỗ trợ về nhà ở dưới mọi hình thức. Chính phủ cũng quy định khung giá cho thuê, thuê mua.Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cũng được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế nhưng phải bảo đảm cho thuê đúng đối tượng, đúng giá cho thuê do nhà nước quy định.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn, đồng thời Bộ cũng đã chủ động nghiên cứu xây dựng đề án về nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách để trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi Chính phủ thông qua thì Nhà nước sẽ tiến hành đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội để cho người làm công ăn lương được thuê hoặc thuê mua với giá ưu đãi.
Xin ông nói rõ những ưu đãi mà người dân có thể được hưởng là gì?
Chính sách phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua mà hiện nay chúng ta đang cố gắng thực hiện cũng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng (như Trung Quốc, Hàn Quốc, An giê ri...).
Ưu điểm nổi bật của hình thức Nhà nước xây dựng nhà ở để cho thuê, thuê mua là: Nhà nước vẫn là người giữ vai trò chủ sở hữu. Nhà nước sẽ quy định mức trần của giá cho thuê nhà ở xã hội để đảm bảo khả năng chi trả của những người có thu nhập thấp.
Nhà nước có thể hỗ trợ giá thuê bằng cách miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế. Tóm lại, người có thu nhập thấp sẽ có nhà ở phù hợp với thu nhập của họ.
Thưa ông hiện nay, chi phí đầu tư xây dựng nhà chung cư không cao nhưng giá nhà chung cư được bán tới tay người có nhu cầu thực sự lại gấp rất nhiều lần. Chẳng lẽ chúng ta cứ để tình trạng này kéo dài mãi?
Chúng ta cũng cần nhận biết, kinh tế của chúng ta là nền kinh tế thị trường, do các quy luật của kinh tế thị trường tác động vào, do vậy thị trường BĐS không nằm ngoài xu hướng đó. Bên cạnh đó, Quy định về chính sách thuế của Nhà nước hiện nay cũng chưa đủ và chưa phù hợp. Thuế chuyển nhượng có, nhưng cao. Do vậy, người dân chọn giải pháp giao dịch "ngầm". Thuế tài sản chưa có nên dẫn đến tình trạng đầu cơ mua để dành rồi bán với giá cao... Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục hòan thiện hệ thống cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục tồn tại trên.
Vậy biện pháp mà Nhà nước đang làm để cải thiện tình hình nhà ở của người có thu nhập thấp hiện nay là gì, thưa ông?
Nhà nước hiện cũng đang nỗ lực đưa ra các chính sách khuyến khích tăng cung cho thị trường BĐS trong đó có nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Nếu cung tăng lên thì đương nhiên không ai làm cho giá đội lên theo được.
Nhà nước cũng đang nghiên cứu, đưa ra trình Quốc hội Luật kinh doanh BĐS, nội hàm cơ bản là việc giao dịch BĐS phải qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch; đồng thời đưa ra cơ chế để tăng nguồn cung BĐS.
Gần đây, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý về thị trường BĐS và Bộ đã giao cho Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS chịu trách nhiệm về vấn đề này. Cục là nơi tập hợp tất cả các mạng sàn giao dịch BĐS trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay có trên 90 đơn vị thành viên tham gia mạng sàn này. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để tham mưu cho Chính phủ và hướng dẫn người dân để góp phần ổn định và phát triển lành mạnh thị trường BĐS.
Xin cảm ơn ông!
Lan Hương ghi