1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người thầy đang tập viết

Người thầy có hơn hai mươi năm đứng lớp ấy đã ôm mặt khóc rưng rức khi không thể điều khiển ngòi bút di chuyển theo ý mình. Chữ cứ bò nghiêng ngả trên mặt giấy. Tay trái thầy mỏi nhừ. Trên quyển tập học sinh, những con chữ của thầy run rẩy, to đùng, nguệch ngoạc…

Hoạ vô đơn chí

 

Người thầy đang tập viết - 1

Sức khoẻ còn kém nhưng thầy vẫn cố gắng dành thời gian để tập viết bằng tay trái.

 

Ngày 18/5/2010, trên đường đi dạy về, thầy giáo Đỗ Thành Nu (giáo viên trường THCS Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) bị một xe gắn máy va vào người khiến thầy bị chấn thương sọ não và hôn mê. “Khi người ta báo cho tui biết, trong người tui lúc đó còn có hơn năm chục ngàn…”, cô Hồng, vợ thầy mắt đỏ hoe, ngồi nhớ lại.

 

Chỉ kịp dặn dò đứa con trai mới học hết lớp năm chăm sóc mẹ chồng, cô tất tả đi vay tiền anh em, hàng xóm rồi lên bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc thầy. Sau gần hai tháng điều trị, cô đưa thầy trở về nhà với di chứng bị liệt ở nửa thân người bên phải, máu bầm vẫn còn tụ trong não chưa tan.

 

Giữa những cơn đau đầu hành hạ, thầy tâm sự trong nước mắt. Thầy bảo rằng khi tỉnh lại, thầy gần như không còn nhớ được gì. Đến lúc khoẻ thì chưa hôm nào thầy có thể ngủ yên. Thầy lo năm học tới thầy không thể trở lại trường. Thầy lo thầy nằm đây, mọi chi tiêu trong nhà, mọi chi phí thuốc thang của cô, của mẹ thầy, chuyện học hành của hai con sẽ không ai gánh vác.

 

Nhiều năm nay, đồng lương giáo viên hai triệu năm trăm ngàn đồng mỗi tháng của thầy được chắt chiu chi tiêu cho một gia đình có đến năm nhân khẩu. Ngoài nỗi lo cơm áo trong nhà, thầy vừa phụng dưỡng mẹ già đã 84 tuổi đang mắc bệnh tiểu đường, vừa phải lo điều trị bệnh ung thư cho vợ, lo cho con gái đi học xa, nuôi đứa con trai nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn…

 

Mấy mươi năm đi dạy, thầy chưa thể tạo dựng được cho gia đình mình một mái nhà riêng. Bao lâu nay, gia đình thầy sống trong căn nhà nhỏ đơn sơ, trống trước, dột sau trên cái nền nhà người em vợ cho ở nhờ. Em vợ của thầy cũng nghèo lắm. Hai nhà cách nhau chỉ bằng tấm vách gỗ mỏng manh. Mỗi khi muốn coi tivi, con trai nhỏ của thầy cũng phải sang xem nhờ chiếc tivi cũ nhà cậu. Đó là nỗi lo lớn khiến người đàn ông trụ cột gia đình không đêm nào có thể ngủ yên, không thể nào ngăn được những cảm xúc khi được chuyện trò, thăm hỏi.

 

Tập lại từ đầu

 

Thầy Phạm Văn Kim, cựu giáo chức ở địa phương, hết sức xúc động khi kể với chúng tôi câu chuyện nghề của thầy Nu. Ông bảo thầy Nu yêu nghề lắm. Những năm 80, thầy Nu từng phải rời xa phấn trắng bảng đen bởi đồng lương giáo viên không thể nuôi nổi gia đình, nhưng rồi thầy vẫn xin trở lại bục giảng khi gia cảnh vẫn còn nghèo khó. Thầy bảo thầy nhớ nghề, nhớ học trò.

 

Mà đúng vậy, đứng trên bục giảng mới là cái nghề thích hợp nhất với một người hiền lành, không khéo bon chen như thầy. Gần đây, biết thầy Kim và các nhà giáo lão thành am hiểu Hán ngữ, thầy Nu đến xin các thầy chỉ bảo cho mình để thầy hiểu thêm nghĩa các từ Hán Việt để khi giảng Nam quốc sơn hà, khi giảng các bài thơ trong Ngục trung nhật ký cho học sinh, thầy có thể giải nghĩa rõ hơn. Mới mấy tháng, thầy đã viết và đọc rành rọt hơn 300 Hán tự. Vậy mà…

 

Tai nạn này thêm một lần thử sức chịu đựng của một người thầy, thêm một lần nữa thử thách lòng yêu nghề của một người quá nặng lòng với học trò, trường lớp.

 

Sợ không còn cầm phấn đứng trên bục giảng được nữa, thầy kiên trì tập viết bằng tay trái. Sợ không thể về lại trường, thầy khó nhọc tập bước những bước đi đớn đau trên chiếc chân không còn cảm giác…

 

Đã có những lúc bất lực vì những con chữ không theo ý mình, đã có những lúc nước mắt rơi vì đớn đau, tuyệt vọng nhưng thầy vẫn kiên trì tập luyện. Thật xúc động khi thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm thầy, thầy vẫn hiền lành trả lời: “Thầy đang tập viết!”.

 

Theo Bích Uyên

 Sài Gòn tiếp thị