Đà Nẵng:

Người thành phố “khát” chỗ vui chơi

(Dân trí) - Trong khi cả thành phố chỉ có một công viên mở cửa phục vụ nhân dân thì vẫn tồn tại những điểm giải trí được đầu tư cả chục tỉ đồng lại để “đắp chiếu”. Không chỉ người dân TP mà cả các du khách đến Đã Nẵng cũng “thèm” chỗ vui chơi.

Từ một chủ trương đúng đắn

 

Nằm ngay cạnh giao lộ Ông Ích Khiêm - Hải Phòng, khu công viên Tân Chính (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) trước đây nổi tiếng là công viên hoang phế. Những thiết bị tập thể dục, hệ thống đèn trang trí và cây xanh công viên sau một thời gian đưa vào sử dụng đã nhanh chóng xuống cấp do ý thức giữ gìn của nhân dân quá kém.

 

Cho đến khi không còn gì để xem, để chơi, khu công viên này lại biến thành bãi tập kết rác ngay giữa lòng thành phố, từng là điểm ô nhiễm môi trường đô thị nghiêm trọng.

 

Thế nhưng, từ sau chủ trương xã hội hoá khu vui chơi giải trí địa phương, diện mạo của công viên này đã thay đổi. Một người dân ở quận Thanh Khê, anh Phạm Xuân Tân, đã quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng trang bị lại cảnh quan công viên, mua sắm trang thiết bị trò chơi trẻ em hiện đại; trồng và bảo vệ cây xanh… Trẻ con, người già trong khu mừng lắm vì đã có chỗ vui chơi, nghỉ ngơi sạch sẽ và an toàn.

 

Một chủ đầu tư khác từ thành phố Nha Trang cũng đã xin chính quyền địa phương cấp phép xây dựng khu vui chơi, giải trí trẻ em tại khu đất trống thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, trước đây vốn là bãi tập kết rác, cỏ dại, phế liệu… hoang tàn, nhếch nhác.

 

Khu vui chơi, giải trí đi vào hoạt động không chỉ phục vụ nhu cầu được chơi của trẻ em, làm đẹp cảnh quan môi trường đô thị, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trong khu vực.

 

Rõ ràng chủ trương xã hội hoá các khu vui chơi, giải trí bước đầu đã mang lại những dấu hiệu tích cực.

 

Đến ước mơ về những khu vui chơi, giải trí tầm cỡ

 

Rất nhiều khu vui chơi, giải trí trên địa bàn thành phố đã được xã hội hoá song hầu hết đều nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ đối tượng trẻ em với diện tích khá khiêm tốn. Trong trung tâm thành phố chỉ có một công viên lớn mở cửa tự do là Công viên 29-3. Người lớn và du khách đến Đà Nẵng vẫn “khát” chỗ chơi.

 

“Ngoài giờ làm việc, muốn nghỉ ngơi vui chơi, quanh đi quẩn lại chỉ có cà phê, quán ăn, karaoke hoặc lòng vòng xe loanh quanh rồi… về. Những điểm vui chơi thoáng mát, yên bình quá ít” – đó là nỗi niềm chung của nhiều người dân thành phố Đà Nẵng.

 

Ngay trong đợt lễ hội pháo hoa quốc tế vừa qua, rất đông du khách đã đến với Đà Nẵng và không ít người than phiền: Lưu lại thành phố hơn 2 ngày mà chẳng có chỗ nào chơi.

 

Trong khi đó, thành phố vẫn còn những khu vui chơi, giải trí “hoành tráng”, được đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng lại để “đắp chiếu”, trang thiết bị xuống cấp và ế ẩm, như khu công viên nước.

 

Công viên nước được đầu tư trang thiết bị hơn 60 tỉ đồng, đưa vào hoạt động từ năm 2002, nhưng chỉ hoạt động rầm rộ được chừng một năm đầu, sau đó nhanh chóng rơi vào tình trạng ế ẩm. Vào công viên, không tham gia trò chơi cũng phải mua vé nên nhiều người dân “ngại”.

 

Đến cuối năm 2007, khu vui chơi, giải trí này đã thua lỗ đến mức cân đối thu chi không đủ trả lương nhân viên dù đã tinh giản số lượng tối thiểu, như ông Ngô Trường Thọ - Giám đốc Công viên nước Đà Nẵng - thừa nhận. Ông Thọ giải thích: “Các loại hình vui chơi, giải trí được đầu tư trong giai đoạn 1 còn nhỏ lẻ, đơn điệu và thiếu đồng bộ nên không giữ được chân khách. Kinh doanh thua lỗ nên thiết bị xuống cấp không có điều kiện tu bổ, nhất là qua mỗi mùa mưa bão, trang thiết bị ở đây càng xuống cấp trầm trọng.

 

Trước thực trạng này, UBND thành phố đã chủ trương xã hội hoá công viên nước. Cũng đã có nhiều nhà đầu tư lớn “dòm ngó” đến nhưng họ cứ đến rồi lại đi”.

 

Bà Phạm Thị Vạn - Trưởng Phòng Lao động Xã hội Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Đà Nẵng, đơn vị trình đề án xã hội hoá Công viên nước Đà Nẵng - cho biết: “Nguyên nhân do vốn đầu tư trên tổng thể diện tích mặt bằng và trang thiết bị công viên nước khá lớn, gần 240 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà đầu tư phải đảm bảo công năng của công viên nước, không được bổ sung thêm các dịch vụ như massage, nhà nghỉ, khu ăn uống… Vốn lớn, lại phải tuân thủ những qui định mà họ cho là “khá khắt khe” của thành phố, các nhà đầu tư sau khi tìm hiểu dự án đều lặng lẽ rút lui”.

 

Tìm hướng đi mới cho Công viên nước Đà Nẵng, UBND thành phố đã từng họp bàn định hướng xã hội hoá công viên nước theo hướng mở rộng thành khu vui chơi, giải trí công cộng. Người dân được tự do vào công viên sinh hoạt, ngắm cảnh, thụ hưởng không gian xanh của công viên không phải mua vé, chỉ trả tiền khi tham gia các dịch vụ, trò chơi.

 

Hướng “mở” này cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu thư tham gia tân trang thiết bị trò chơi giải trí, thu hút khách “rộng hầu bao” kinh doanh mà không phải gánh vốn đầu tư toàn bộ mặt bằng khu vui chơi giải trí. Đây là một định hướng khả thi, phù hợp với mong muốn của người dân thành phố đang “thèm” chỗ chơi.

 

Tuy nhiên, tất cả chỉ mới dừng lại ở ý tưởng.

 

Khánh Hiền