1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TT-Huế:

Người sống chen nhau, nhường đất cho người chết

(Dân trí) - Cách đây khoảng chục năm, một số cán bộ ở TT-Huế đưa ra ý tưởng xây dựng “Đài Hoàn vũ” nhưng không được người dân hưởng ứng. Vùng đất tâm linh không chấp nhận đưa tiễn người thân đã khuất bằng hình thức hỏa táng...

Những con số “giật mình”

 

Tính đến tháng 1/2008, diện tích đất đang sử dụng để mai táng, xây dựng lăng mộ của tỉnh Thừa Thiên Huế lên đến trên 8,2 nghìn ha, chiếm gần 1,62% đất tự nhiên; 15,7% so với đất sản xuất nông nghiệp và gần bằng diện tích đất phục vụ giao thông và thuỷ lợi cộng lại. Với hiện trạng này, tỉ lệ đất sử dụng mai táng, xây dựng lăng mộ của tỉnh TT Huế đứng vào hàng cao nhất nước.

 

Điển hình như xã Vinh Mỹ (Phú Lộc), diện tích đất nghĩa địa gần gấp 2 lần đất người dân đang sinh sống; gấp gần 2 lần đất sản xuất nông nghiệp và bằng1/4 tổng diện tích đất tự nhiên. Ở nhiều nơi như thị trấn Thuận An, Lăng Cô, xã Phú Thuận, Vinh Hiền... hiện không còn đất để mai táng khi có người qua đời.

 

Với một tỉnh đất không rộng, tiềm lực trong dân chưa mạnh, nhưng những năm gần đây nhiều vùng trong tỉnh đã tự phát dành nhiều đất, tiền của đầu tư vào việc xây dựng lăng mộ.

 

Về một số xã ven biển của Phú Vang, Phong Điền mới thấy mức độ lãng phí quỹ đất và tiền của trong xây dựng lăng mộ đã lên đến cao trào. Có những ngôi mộ chiếm diện tích hàng trăm m2, tiền xây dựng cả tỉ đồng. Một số nơi diễn ra tình trạng đua nhau xây cất lăng mộ to, hoành tráng, tạo ra cả “thành phố nghĩa trang”...

 

Tình trạng trên đã và đang ẩn chứa nhiều mối nguy hại. Chẳng hạn, tại huyện Quảng Điền, để có được 7,5 ha đất  phục vụ cho việc mở rộng thị trấn Sịa, phải giải toả di dời gần 12 nghìn ngôi mộ, kinh phí di dời tới 15,5 tỉ đồng.

 

Một tương lai gần cho thấy sắp đến, người chết chiếm hết đất của người sống.

 

Đầu tư nghĩa trang, khoanh vùng nghĩa địa

 

Năm 2005, TT-Huế có Nghị quyết  4d/2005/NQ-HĐND về việc thông qua chủ trương lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa nhân dân trên địa bàn. Thời gian qua, các địa phương đã triển khai một số công việc như điều tra hiện trạng, quy hoạch, đầu tư xây dựng các nghĩa trang, di dời giải toả một số khu nghĩa địa ra khỏi đô thị, các khu quy hoạch... Tuy nhiên, do điều kiện về quỹ đất, phong tục tập quán, nguồn lực nên đến nay chưa đạt yêu cầu đề ra.

 

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6, HĐND tỉnh khoá V, UBND tỉnh có tờ trình về việc xem xét thông qua Quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

 

Nguyên tắc chung của quy hoạch là đảm bảo các tiêu chuẩn, quy phạm, quy định hiện hành của Nhà nước; về cơ bản tiến tới giảm dần diện tích nghĩa địa trên địa bàn toàn tỉnh theo lộ trình quy hoạch; khống chế chỉ tiêu đất nghĩa địa, định mức mai táng một cách thích hợp với từng vùng lãnh thổ; sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, bảo vệ môi trường.

 

Căn cứ vào yêu cầu và nguồn lực, từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư cải tạo và xây dựng thí điểm 1 nghĩa trang/xã hoặc thị trấn; mở rộng nghĩa trang phía Bắc và phía Nam TP Huế; xây dựng đài hoả táng ở phía nam TP Huế; xây dựng nghĩa trang khu Chân Mây - Lăng Cô;…

 

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, ngoài nguồn vốn đầu tư của ngân sách cần có cơ chế ưu đãi thu hút sự góp vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân… Đặc biệt, khuyến khích xã hội hoá đầu tư xây dựng nghĩa trang và sử dụng hình thức táng mới văn minh hiện đại, góp phần thay đổi tập quán cũ, tiết kiệm quỹ đất, bảo vệ môi trường...

 

Cùng với việc đầu tư xây dựng nghĩa trang, một việc cũng cần sớm được triển khai là phân cấp quản lý nghĩa trang và trách nhiệm của đơn vị quản lý nghĩa trang, xây dựng giá dịch vụ nghĩa trang trên cơ sở tính đúng, tính đủ, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở địa phương và phải được niên yết công khai. Có như vậy mới tránh tình trạng nghĩa trang được đầu tư xây dựng, nhưng người dân không muốn đưa người thân quá cố vào vì những thủ tục phức tạp, chi phí cao bất hợp lý...

 

Châu Giang