1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người say rượu đạp vào mặt Cảnh sát giao thông được tại ngoại

(Dân trí) - Sau 24 giờ bị tạm giữ, hai người đàn ông có hành vi chống đối lực lượng CSGT đã được cho tại ngoại. Luật sư Tạ Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của hai người này có dấu hiệu của tội “Chống người thi hành công vụ”.

Như Dân trí đã đưa tin, chiều ngày 7/7, phát hiện một chiếc xe 4 chỗ có biểu hiện lạng lách trên đường Nguyễn Chí Thanh, tổ công tác Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT - CATP Hà Nội) đã dùng xe mô tô chuyên dụng đuổi theo.

Chiếc xe rẽ phải vào đường La Thành (cấm ô tô) rồi rẽ xuống đường Nguyên Hồng thì bị cảnh sát đuổi kịp, yêu cầu dừng xe và xuất trình giấy tờ. Lái xe bước xuống xe cùng một người đàn ông khác đã có hành động chống đối lực lượng làm nhiệm vụ như xô đẩy, kéo rách áo, ôm người CSGT đẩy ra xa. Thậm chí, trong quá trình khống chế người đàn ông có biểu hiện say rượu, một chiến sỹ CSGT đã lĩnh trọn một cú đá của người này vào mặt.

Chiến sỹ CSGT lĩnh trọn cú đá vào mặt.
Chiến sỹ CSGT lĩnh trọn cú đá vào mặt. (Ảnh cắt từ clip)

Ngày 9/7, Công an quận Ba Đình chưa tiết lộ danh tính hai người đàn ông có hành vi chống đối trên và cho biết, đơn vị này đã cho hai người này được tại ngoại sau 24 giờ tạm giữ. Lý do cơ quan công an đưa ra là để củng cố thêm tài liệu về hành vi chống đối người thi hành công vụ.

Theo lãnh đạo Công an quận Ba Đình, qua đo nồng độ cồn, cơ quan công an xác định, thời điểm xảy ra vụ việc, hai người đàn ông trên có nồng độ cồn ở mức 0,44mg/lít khí thở, vượt quá giới hạn cho phép. Ngoài ra, tài xế cho xe còn đi vào đường cấm ô tô, không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn.

Cũng theo vị lãnh đạo CAQ Ba Đình, khi mới xảy ra vụ việc, hai người này khai nhận là cán bộ của một Bộ, nhưng sau đó khi tỉnh táo đã khai lại.

Có dấu hiệu tội “Chống người thi hành công vụ”

Theo tìm hiểu của PV, Nghị định 171/2013/CP của Chính phủ đã quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Ôm CSGT lẳng ra xa để giải cứu bạn. (Ảnh cắt từ clip)
Ôm CSGT lẳng ra xa để "giải cứu" bạn. (Ảnh cắt từ clip)

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Tạ Anh Tuấn (Văn phòng luật sư Bách gia luật và liên danh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, trường hợp vi phạm như trên, người điều khiển xe sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng (theo Điểm b, Khoản 4, Điều 5 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đối với trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường cấm, đường ngược chiều).

Ngoài ra, luật sư Tuấn cho rằng, việc 2 chiến sỹ CSGT ngăn chặn xử lý vi phạm giao thông của người điều khiển giao thông có biểu hiện say rượu là cần thiết, phù hợp với khoản 3, Điều 5 Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định về quy trình kiểm tra, kiểm soát giao thông.

Nhận định về hành vi của người đàn ông trong clip đối với CSGT, luật sư Tuấn cho hay: “Hành vi chống đối, cản trở lực lượng thực thi nhiệm vụ, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, có hành vi xúc phạm, xô đẩy, đạp vào mặt… của người đàn ông trong clip có dấu hiệu của tội “Chống người thi hành công vụ”, theo Điều 257 Bộ luật Hình sự, cần được xử lý thật nghiêm”.

Tiến Nguyên