1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người Sài Gòn ăn Tết thế nào?

Người Sài Gòn ăn Tết không cầu kỳ bằng người Hà Nội, mâm cỗ đón xuân cũng đơn giản và không nhiều món như ở Huế... Sài Gòn ăn Tết bằng bánh tét.

Nhà nào rộng rãi, đông người thì 27 Tết đã thấy lục đục sửa soạn nồi nấu bánh, trước là để cúng ông bà, sau biếu hàng xóm láng giềng. Nhà ít người hoặc bận rộn suốt ngày thì tranh thủ ghé chợ hay siêu thị mua về vài ba cặp để ăn dần trong ba ngày Tết.

Bánh tét có rất nhiều loại, nào là bánh tét nhân mặn, nhân ngọt và có cả bánh tét chay. Nếu so với bánh tét chay không nhân, chỉ có đậu đen, dừa nạo trộn với nếp hay bánh tét ngọt có nhân làm bằng đậu xanh xào đường hoặc nhân chuối thì đòn bánh tét mặn được chế biến công phu hơn nhiều.

Người ta trải gạo nếp trên lá chuối, rải lớp đỗ xanh lên, rồi mới đặt một miếng thịt mỡ to gần bằng ngón chân cái chạy dài suốt đòn bánh như một sợi bấc, xong cuộn tròn lại, buộc lạt thật chặt rồi đem nấu. Nhiều nhà cầu kỳ còn trộn thêm tôm khô, lạp xưởng, trứng vịt vào gạo nếp để gói bánh hoặc băm nhuyễn lá dứa, vắt lấy nước, trộn vào nếp để bánh có màu xanh và hương thơm dịu.

Khi bóc ra, khoanh bánh tròn trịa nằm gọn trong đĩa, nhân đậu xanh chín vàng ươm, miếng thịt heo đỏ hồng tươm cả mỡ trông rất đẹp mắt. Món này mà ăn kèm với dưa giá, kiệu chua hoặc củ cải ngâm nước mắm thì ngon tuyệt.

Trong ba ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà để tỏ lòng thành kính. Ngoài những món không thể thiếu như tô canh khổ qua nhồi thịt, dĩa thịt kho tàu hay các loại chả giò, lạp xưởng, nem chua... mâm cỗ ngày Tết còn có một con gà luộc sẵn để đãi khách quý.

Người Sài Gòn ăn gà không chặt theo miếng mà thích xé phay. Gà luộc xé miếng trộn với hoa chuối hoặc bắp cải tươi thái mỏng, thêm rau răm, lá chanh cùng một ít gia vị như hành, ớt, tỏi, dấm và chút nước mắm ngon không gì bằng.

Còn để mời khách lai rai, chủ nhà lúc nào cũng chuẩn bị sẵn vài ba món nhắm đã được chế biến sẵn như cá cơm kho khô, thịt bò sấy, mực tẩm hoặc tôm khô... khi cần là dọn lên dùng ngay mà đỡ công nấu nướng lích kích.

Sang ngày mồng bốn, muốn cho đỡ ngán vì thịt mỡ, người Sài Gòn thường nấu một nồi cháo cá ám để thay đổi khẩu vị. Nồi cháo đúng hương vị ngày Tết phải được nấu với cá lóc và thịt ba rọi. Khi ăn, chủ nhà vớt cá ra, gỡ lấy nạc cá bày lên đĩa cùng với từng lát thịt ba rọi, ăn chung với rau ghém, cải cú, cần nước, chuối cây xắt mỏng, bông súng non hay đọt vừng...

Gắp một đũa vừa thịt vừa cá vừa rau, chấm vào chén nước mắm nhĩ dầm ớt đỏ lừ rồi đưa lên miệng, chưa ăn, chỉ ngửi thôi cũng đã thấy thèm.

Theo SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm