Nghệ An:
Người phụ nữ suốt 5 năm chăm người dưng như cha ruột
(Dân trí) - Dù điều kiện kinh tế gặp muôn vàn khó khăn nhưng suốt 5 năm nay, bà Nguyễn Thị Trí (53 tuổi, ở thôn Quang Long, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đã chăm sóc cụ ông 99 tuổi neo đơn như cha ruột của mình.
Người được bà Trí bỏ công chăm sóc là cụ Đặng Văn Ngự, 99 tuổi, quê ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Hoàn cảnh của cụ Ngự rất đáng thương, không gia đình, họ hàng thân thích... một mình cụ bươn chải tự lo cho cuộc sống. Khi tuổi cao, cụ không nơi nương tựa rồi "dạt" đến gia đình bà Trí. Trong 5 năm qua, bà đã lo lắng từng miếng ăn cho cụ như lo cho chính người cha ruột của mình.
Nói về hoàn cảnh của mình, bà Trí cho biết: “Kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, chồng của tôi không may tai nạn chết ở nước ngoài vào năm 2006, một mình tôi tần tảo nuôi 3 người con ăn học".
Hàng ngày, mọi việc tắm rửa, ăn uống... của cụ đều do một bàn tay bà Trí chăm sóc.
Người đàn ông trụ cột trong gia đình mất đi, để lại cho bà Trí biết bao nỗi lo. Lo nhất là 3 người con Nguyễn Văn Bình (SN 1989), học trường Đại học Công Nghiệp – Sài Gòn, Nguyễn Văn Hải (SN 1990), học trường Đại học Thủy Lợi và Nguyễn Thị Huệ (SN 1990), học trường Cao Đẳng Tài chính ngân hàng, có nguy cơ phải thôi học vì điều kiện kinh tế quá khó khăn.
“Nhiều đêm tôi không ngủ được, cứ đặt lưng xuống giường là lại nghĩ về chồng và con. Chồng thì đã mất còn con đường học hành của các con thì đang dở dang...” - bà Trí nhớ lại quãng đời gian khó.
Căn nhà nơi cụ Ngự trú chân cuối đời được bà Trí vận động và dành phần đất của mình để xây cho.
Nhưng người phụ nữ ấy không lùi bước, bà đã cố gắng vay mượn, làm việc, động viên các con cố gắng hoàn thành việc học. Giờ đây cả 3 người con của bà đều đã ra trường, mặc dù công việc chưa ổn định nhưng phần nào đỡ đần được mẹ.
Rồi trong một chiều đông giá rét năm 2013, cụ Ngự bất ngờ xuất hiện nơi ngưỡng cửa nhà bà Trí, xin được trú chân. “Gia đình chị cho tôi ở với” - Đó câu nói duy nhất mà cụ Ngự nói khi đến cửa nhà bà, đến giờ bà vẫn nhớ như in.
Không một chút nghĩ ngợi, đắn đo, bà đã mở tấm lòng nhân ái đón cụ vào nhà và chăm sóc cụ với tấm lòng chân thành, coi cụ như người cha ruột của mình. Khi đó bà không hề biết cụ tên gì, quê quán ở đâu, chỉ thấy cụ như một bóng ma dật dờ ốm yếu. Sau ba tháng nằm trên giường, được bà Trí chăm lo toàn bộ việc cơm nước, vệ sinh, giặt giũ..., cụ Ngự đã dần bình phục.
Nhưng trớ trêu thay, khi cụ hồi lại sức khỏe thì cụ không nói gì mà chỉ chửi. Gặp ai cụ cũng chửi, bà Trí hỏi gì cụ cũng không đáp, chỉ chửi. Dù rất buồn lòng, nhưng bà Trí thấy cảm thương cho số phận của một con người nên không giận cụ.
Sau này bà lân la hỏi bà con mới biết cụ là Đặng Văn Ngự (SN 1919), quê ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
Hoàn cảnh của cụ thật đáng thương, cụ mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, cuộc sống lang thang không nơi cư trú. Lớn lên cụ tham gia cách mạng nhưng khi trở về thì bị mất giấy tờ.
Không quê hương, không gia đình, anh em..., cụ đành chấp nhận cuộc sống đi làm thuê nay đây mai đó, ai thuê gì làm nấy nhưng đặc biệt cụ không bao giờ lấy tiền công, chỉ xin đủ ngày 3 bữa cơm. Sau này già yếu bệnh tật, số phận run rủi cho cụ đi đến ngưỡng cửa nhà bà Trí.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thành - cho biết: “Trường hợp của ông Đặng Văn Ngữ là một trường hợp đặc biệt, nên chính quyền xã và gia đình chị Trí cũng rất quan tâm. Hiện nay huyện đã chu cấp cho ông 20 triệu đồng còn chị Trí thì tự nguyện hiến mảnh đất để hỗ trợ làm nhà cho ông ở”.
Người phụ nữ suốt 5 năm chăm sóc người dưng không một lời oán thán.
Nói về việc làm khiến nhiều người khâm phục của mình, bà Trí nói đơn giản: “Sống trên đời cần có một tấm lòng”. “Tôi chỉ có một ước mơ là qua bài báo này một điều kì diệu sẽ đến với ông đó là ông được trở về với cội nguồn để sau này mất đi ông được yên giấc ngàn thu trên mảnh đất quê nhà” - bà Trí mong muốn.
Nguyễn Tú